Bắt đầu với mong muốn giải phóng bản thân và học cách tự yêu mình, ca sĩ – nhà báo Bông Mai đã nhận ra vẻ đẹp của những tình yêu lớn hơn trên hành trình 99 ngày xuyên Việt. “Trước chuyến đi tôi nghĩ chỉ có gia đình đợi tôi ở nhà, nhưng đi rồi tôi mới biết ngày càng có nhiều người chờ tin tôi, cổ vũ tôi”, chị bộc bạch.
Chị bắt đầu hành trình xuyên Việt trong 99 ngày bằng lý do gì?
Tôi là người sống khép kín và thích đi du lịch một mình. Những chuyến đi chính là lúc để tôi nạp thêm năng lượng. Tôi còn hay lập kế hoạch 5 năm một lần. 5 năm trước tôi đã nghĩ đến 45 tuổi phải ổn định về tài chính và mọi thứ để có cuộc sống vui vẻ. Chuyến đi xuyên Việt lần này cũng là tiền đề của kế hoạch 5 năm tới tôi sẽ đi vòng quanh thế giới. Tôi đã bước đầu tìm hiểu về hành trình 2 năm đi 64 quốc gia và đang học IELTS với mục tiêu thi đạt 7.0. Tôi làm để dạy con một điều: nói được phải làm được.
Có một lý do nào đấy cá nhân hơn không?
Cá nhân hơn à? Giai đoạn này tôi gọi là giai đoạn “cai” con. Tôi nuôi con một mình hơn chục năm rồi và là người khá bám chấp vào chuyện con cái. Đặc biệt mấy năm qua, khi con trai tôi bước vào tuổi dậy thì nổi loạn, tôi gần như dành tất cả thời gian cho con. Giờ con chuẩn bị bước vào giai đoạn trưởng thành, tôi nhận ra hình như mình không có gì ngoài con cái. Việc này rất không ổn và nó nhắc nhở tôi cần có một cuộc sống độc lập.
Chúng tôi đã nói chuyện để cùng nhau hiểu rằng con đang bước vào tuổi trở thành người lớn, còn mẹ đang già đi, chúng ta cần thay đổi để chấp nhận sự thật này. Giữa lúc đó, có một người bạn hỏi tôi về niềm đam mê lớn nhất trong đời và tôi nhận ra mình không có thú vui thực sự nào cả. Công việc tôi làm trước nay đều chỉ như một thói quen. Mẹ con tôi đã cùng nhau suy nghĩ về cách mà chúng tôi học để sống cuộc đời độc lập của mỗi người, giảm sự phụ thuộc cảm xúc vào nhau.
Tôi nghĩ yêu con, quan tâm con rất tốt nhưng không có sự tuyệt vời nào bằng việc trao lại cho con cái quyền để nó tự quyết định cuộc đời mình.
Người ta chỉ trao được cho người khác những gì họ có. Và thứ chị muốn trao cho con là tự do, vì theo chị tự do cũng là một dạng của tình yêu. Tôi hiểu thế có đúng không?
Đúng. Bạn có tiền mới có thể cho tiền, có tình yêu thương mới trao được yêu thương, và có tự do mới trao được tự do.
Tôi thấy hiện tại nhiều gia đình đang bị stress vì cha mẹ và con cái sống lẫn vào cuộc đời nhau, đặt kỳ vọng thái quá lên nhau. Suy nghĩ tiêu cực nảy sinh khi một trong hai không đạt được nguyện vọng của phía kia. Tôi muốn tránh điều này. Tôi muốn dành cho con sự quyết định dưới gợi ý của một người mẹ có những trải nghiệm sống quý giá.
Chị phải sắp xếp trong bao lâu để có được chuyến đi này?
Từ năm ngoái tôi đã chuẩn bị tâm lý cho mấy mẹ con. Tôi hướng dẫn các con những kỹ năng để chúng có thể sống một mình. May là con gái lớn năm nay 21 tuổi đang sống cùng mẹ tôi ở Sóc Sơn, còn cậu con trai 15 tuổi mới vào học nội trú ở trường Đại học Nghệ thuật Quân đội, vì thế tôi cũng không phải lo lắng nhiều. Về công việc, tôi được làm chủ động nên vừa đi vừa viết không ảnh hưởng.
Ba tháng trước khi lên đường, tôi phải mua sắm, chuẩn bị các trang thiết bị như máy ảnh, máy quay và học cách quay dựng. Ngoài ra, tôi cũng phải học các kỹ năng liên quan đến xe ô tô như vá lốp, thay lốp hoặc ít nhất nếu hỏng hóc bộ phận nào cũng có thể gọi tên được. Tôi đi để tìm hiểu văn hóa 54 dân tộc nên còn phải dành thời gian đọc một lượng tài liệu lớn liên quan đến chủ đề này. Chuyến này tôi vừa làm vừa chơi, không áp lực thời gian nhưng vẫn phải có kế hoạch chi tiết cho việc ở đâu, làm gì.
Về tài chính thì sao?
Tôi không bị áp lực về tài chính vì đã có hơn 1 năm chuẩn bị. Vì thế, dù đi đúng thời điểm giá xăng lên cao nhất, tôi vẫn luôn vui vẻ và không đưa mình vào trạng thái “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”. Là người biết điều chỉnh, tôi tự biết nên thêm gì và bớt gì khi bước vào thực tế. Tôi thấy bản kế hoạch tài chính của mình khá ổn khi trước đó đã lên dự toán chi tiết và có cả các khoản dự phòng. Tôi chuẩn bị hơn 200 triệu cho chuyến đi và hoàn toàn tự túc. Về điều này, nhiều người nói tôi điên, còn riêng tôi biết chẳng có thứ gì đợi sẵn nếu như mình không chịu đầu tư.
Chị đã dành 56/99 ngày cho cung Tây Bắc và Đông Bắc, chỉ còn 43 ngày cho phần còn lại của đất nước. Vì sao có sự chênh lệch này?
Thực tế, văn hóa miền núi đa dạng hơn về nhiều mặt: dân tộc, chất liệu, lối ứng xử… Đơn cử riêng người Dao và người Mông đã có rất nhiều nhánh khác nhau, và ở mỗi địa phương, từng nhánh ấy lại khác nữa. Chẳng hạn cùng nhánh Dao Đỏ, nhưng người ở Điện Biên khác với ở Lai Châu, cũng khác với Sơn La. Tôi đã bị cuốn hút bởi một thứ rất đặc biệt là văn hóa tình người khi đi qua những vùng đất ấy.
Chị sống chủ yếu ở đâu và làm những gì trong hành trình khám phá của mình?
Có những nơi tôi vừa ở nhà nghỉ vừa ở với đồng bào. Nhưng có nơi tôi ở hoàn toàn với người dân. Ví dụ khi đến Hoài Khao (Cao Bằng), tôi chỉ định ở đó 1 ngày nhưng cuối cùng lại ở đến 3 ngày. Vì khi tôi đến, gia đình họ đang chuẩn bị làm homestay, tôi đã nán lại để giúp họ sắp xếp, nấu nướng.
Có những nơi tôi nán lại lâu hơn để ngắm nhìn. Chẳng hạn khi đến Lũng Cú, mọi người chỉ lên để check-in cột cờ, nhưng tôi dành thời gian đi hết 9 thôn của Lũng Cú, tôi muốn nhìn thấy nhiều hơn những góc nhân sinh quan về cuộc sống, con người vùng này.
Đến những vùng khác nhau, tôi nhận thấy mình còn thiếu sót vì quá ít sự hiểu biết. Cho dù đã dành nhiều thời gian đọc tài liệu về 54 dân tộc trước chuyến đi, nhưng khi trải nghiệm thực tế, tôi mới thấy các tài liệu hoặc quá khái quát hoặc đang trình bày một cách sơ sài về văn hóa các dân tộc, vùng miền.
Mục đích tìm kiếm tự do cho bản thân mình và các con sau đó đã được mở rộng như thế nào qua chuyến đi này?
Tôi cảm nhận rõ hơn về một điều nghe có vẻ giống sách giáo khoa, đó là tình yêu quê hương đất nước. Quê hương mình quá đẹp, đó là thứ tình yêu đầu tiên tôi nhìn thấy rõ ràng trong chuyến đi này.
Điều thứ hai tôi nhận ra là mặc dù ở thành phố, con người đang rơi vào trạng thái mất kết nối với nhau, nhưng khi đến các vùng quê, tôi nhanh chóng gần gũi với những người lạ ngay lần đầu gặp mặt. Bởi cảm nhận rõ hai tiếng “đồng bào”, tôi mới quyết định ở lại một bản làng nào đó lâu hơn dự kiến mà không thấy lăn tăn, và cũng có những quyết định ngay tức khắc như giúp bé Mua chữa bệnh (Mua là em bé 9 tuổi bị liệt tứ chi ở thôn Sán Trồ, Đồng Văn; ngay khi tình cờ gặp cô bé, Mai đã lập cộng đồng “Cùng em Mua khôn lớn” để giúp Mua chữa bệnh và được đi học – PV).
Trước chuyến đi, tôi nghĩ chỉ có gia đình đợi tôi ở nhà, nhưng đi rồi tôi mới biết, ngày càng có nhiều người chờ tin tôi, cổ vũ tôi. Đó là những người theo dõi tôi trên Facebook, những người tôi gặp ở các bản làng. Có một buổi sáng ngủ dậy, tôi nhận được tin nhắn của một bà cụ người Kháng: “Bà muốn hóa thành cánh chim để bay theo giúp đỡ con”.
Trên những cung đường chị đã đi, có khoảnh khắc nào chị nghĩ đó sẽ là phút giây mình nhớ mãi?
Đó là khoảnh khắc tôi nhìn thấy rõ giá trị của bản thân mình, nó nằm ngoài những yếu tố như gia cảnh, học vấn, địa vị của tôi trong xã hội. Từ việc là người khép kín, chuyến đi giúp tôi nhận ra mình không hề như vậy, thậm chí tôi còn được khen là thân thiện. Hóa ra chỉ là trước nay tôi chưa tìm thấy những người mà mình có thể thật sự kết nối.
Tôi cũng đã thay đổi nhiều. Vốn là người kén ăn, giờ tôi đã ăn được hành và cả những thứ khó hơn như lá đu đủ đắng cùng nhiều gia vị dân tộc khác. Trước nay tôi luôn nghĩ mình biết cách chăm sóc bản thân và người khác, nhưng khi trải qua một đêm ốm sốt giữa rừng, trong cái rét 6 độ, tôi mới thấy mình còn thiếu nhiều kỹ năng lắm.
Kể cả khi bước qua ngưỡng “tứ thập nhi bất hoặc” thì vẫn còn khối điều về bản thân mà mình chưa thấu suốt, đúng không?
Nhưng dù sao thì khi mở rộng giới hạn của bản thân, mình đã thấy một cái tôi khác, to lớn và mạnh mẽ hơn. Nhận ra và chấp nhận điều thiếu sót của bản thân là một khả năng đấy.
Chuyến đi này chị còn kết hợp thu âm các làn điệu dân ca, công việc đó có kết nối thế nào với ba của chị – nhạc sĩ An Thuyên?
Đó là công việc giúp tôi thấy rõ nhất hình ảnh của ba trong bản thân mình. Tôi thấy hạnh phúc khi nghe một giai điệu nào đó vang lên. Thời ba đi thực địa, điều kiện còn rất thô sơ, nhưng ba đã làm được. Tôi thấy rất hạnh phúc khi giống ba ở nhiều thứ.
Trong chuyến đi, nhiều người khi biết tôi là con gái nhạc sĩ An Thuyên đã dành cho tôi sự ngưỡng mộ. Tôi đã nói với mẹ, ba là tấm visa xịn nhất của con. Bằng những tác phẩm của mình, ba đã cho đi rất nhiều tình yêu. Tôi đang nhận được sự hồi đáp về tình yêu đó, như thể được gặp lại tình yêu của ba ngay cả khi ông đã đi xa. Nghĩ như thế, lúc nào tôi cũng thấy ấm áp.
Bông Mai
Là con gái của nhạc sĩ An Thuyên. Cô sinh ra tại Nghệ An, năm 5 tuổi theo gia đình ra Hà Nội sinh sống. Cô từng là ca sĩ của nhóm nhạc Con Gái nổi tiếng một thời trước khi dừng ca hát và chuyển sang làm việc ở Đài Truyền hình Việt Nam. Hiện Bông Mai đang công tác tại báo điện tử Ngày Nay.
Hành trình xuyên Việt của Bông Mai bắt đầu từ ngày 2/2/2022 và dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 9/6/2022.