Nhà Trị liệu Tâm lý lâm sàng Đặng Khánh An đã có những chia sẻ về vai trò của nhà tâm lý lâm sàng sau khi xem bộ phim “Người lắng nghe: Lời thì thầm” – một bộ phim tâm lý khai thác sâu về khía cạnh công việc giúp đỡ người khác, lắng nghe và trị liệu tâm lý.
Trong phim “Người lắng nghe: Lời thì thầm” có phân cảnh một bệnh nhân đang trị liệu tâm lý cố nhảy lầu tự sát. Trong đời thực, ở cương vị là người trị liệu tâm lý, anh sẽ xử lý vấn đề này như thế nào?
Trong phân cảnh đầu phim, Tường Minh (Quang Sự thủ diễn) hỗ trợ cho bệnh nhân đang định nhảy lầu tự sát. Mô tuýp này tôi thấy khá giống với các cảnh được xây dựng trong phim hình sự Hongkong của thập niên 90s. Trong thực tế, chúng tôi – những nhà tâm lý lâm sàng không được đào tạo để xử lý các tình huống như thế, chúng tôi làm việc trên một mối quan hệ được xây dựng và đồng thuận từ nhà trị liệu và thân chủ.
Các trường hợp như trong phim cần được thực hiện bởi các bộ phận được đào tạo chuyên môn xử lý các tình huống khẩn và có độ nguy hại tính mạng cao như: Lính cứu hoả, cảnh sát cơ động, bảo vệ chuyên môn cao đã qua huấn luyện… Bên cạnh đó cũng cần chuẩn bị đầy đủ các vật dụng bảo hộ để đảm bảo an toàn tối đa cho những người tham gia và nạn nhân. Ở đây, có lẽ Tường Minh đã có một giai đoạn làm việc với bệnh nhân đủ để “được chọn mặt gởi vàng” xử lý tình huống đặc biệt này. Trong thực tế, nếu điều đó xảy ra và chúng tôi có thực hiện những hỗ trợ ấy, xin hãy nhìn những gì chúng tôi làm với tư cách là một con người đang cố gắng giúp một người khác đi qua khủng hoảng khẩn cấp, đó không phải một yêu cầu nghề nghiệp và chuyên môn mà chúng tôi được đào tạo.
Vậy còn về mỗi phiên trị liệu kéo dài 2 tiếng, công việc của anh ở đó là sẽ là những gì?
Đây cũng là một câu hỏi tôi nhận được từ một người bạn khi xem phim. Thông thường, trị liệu tâm lý thường là những phiên trò chuyện, thảo luận, sử dụng công cụ chính là lời nói, thời lượng mỗi phiên trung bình khoảng 1 giờ. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những phương thức trị liệu tâm lý thông qua thể nghiệm. Ở đây, Tường Minh là một nhà trị liệu nghệ thuật, công cụ chính anh sử dụng là các sản phẩm nghệ thuật mà thân chủ biểu đạt. Một phiên trị liệu nghệ thuật thường cần một khoảng thời gian để thân chủ cảm nhận và sáng tạo sản phẩm, sau đó là phần trao đổi, can thiệp của nhà trị liệu, vì thế thời lượng mỗi phiên có thể kéo dài hơn các phiên trị liệu thông qua lời nói.
Có khá nhiều mô-tip phim bác sĩ trị liệu tâm lý nhưng bản thân người trị liệu lại thành bệnh nhân, trong phim, bác sĩ Tường Minh cũng vậy. Đời thực thì sẽ như thế nào?
Đây có lẽ là câu hỏi làm tôi bận lòng nhiều nhất, và cũng là chủ đề chính xoay quanh các phản ứng và hành động của Tường Minh trong xuyên suốt mạch phim. Nửa đầu của phim thực sự tôi cảm thấy khá nặng nề và bực dọc vì các tình huống “vượt rào” và không giữ “giới hạn” tốt với thân chủ của Tường Minh.
Nhưng từ nửa sau trở đi, câu chuyện có sự lý giải hợp lý cho động cơ của những sai phạm đó. Tường Minh đã trải qua một sang chấn lớn ở tuổi vị thành niên tạo dư chấn và phức cảm phức tạp trong anh thời điểm đó. Trong phim, sự kiện Thuỳ Dương đã tạo một cú sốc cho Tường Minh và để có thể sống tiếp sau hành vi tự sát hụt của mình, tâm trí Tường Minh Đã chọn cách “quên có chọn lọc” các sự kiện liên quan đến Thuỳ Dương như một cách thức bảo vệ bản thân không cảm thấy tổn thương thêm nữa. Tường Minh “xóa những mảng ký ức ấy, mọi việc có vẻ đã ngủ yên cho đến khi An Nhiên và câu chuyện của cô xuất hiện.
Tường Minh vẫn không thể nhớ ra chuyện gì tạo nên các phản ứng cơ thể của anh khi nghe và thấy An Nhiên có hành động tự làm đau, nhưng “trí nhớ cơ thể” của anh vẫn lên tiếng ngày một mãnh liệt và dữ dội. Cứ sau mỗi dấu chỉ trùng lắp với mảng ký ức đã bị mất, cảm xúc cũ dần được trỗi dậy. Một cậu bé vị thành niên, tưởng như đã quên đi chuyện cũ, đi một vòng thật xa, trở thành một nhà trị liệu chăm chữa cho vấn đề tinh thần của người khác và làm sống lại câu chuyện tưởng đã ngủ yên 15 năm trước. Phải chăng việc trở thành một nhà trị liệu cũng là một động năng mà vô thức muốn anh ta phải đối mặt với vấn đề của mình?
Tình tiết này làm tôi nhớ đến trải nghiệm của mình khi tham dự đào tạo sau đại học bởi các đào tạo viên người Bỉ, họ đã hỏi học viên rằng: “Điều gì thúc đẩy bạn trở thành một người giúp đỡ người khác? Nhà trị liệu có phải chỉ đơn thuần là danh xưng của một loại hình nghề nghiệp?”. Đó là một câu hỏi lớn để chúng tôi – những người gọi mình là nhà trị liệu, có sự ý thức về động năng dẫn dắt và giúp đỡ người khác. Phải chăng chính ta cũng đang đi tìm giải pháp cho câu chuyện của đời mình? Tường Minh có lẽ cũng như thế, việc không hiểu rõ và dồn nén các vấn đề cá nhân vô thức đã trở thành động năng khiến anh phá vỡ các nguyên tắc thực hành chuyên nghiệp và có những tương tác chưa phù hợp với thân chủ. Đôi lần Tường Minh cố gắng dàn xếp lại ranh giới của mối quan hệ này nhưng khá yếu ớt và gượng gạo.
Nếu vậy thì theo anh người trị liệu cũng cần phải có người lắng nghe và luôn “trị liệu” cho bản thân mình không?
Tôi tin chị đã có được câu trả lời trước khi đặt câu hỏi này. Bộ phim “Người lắng nghe: lời thì thầm” như một lời nhắc nhở với những người làm công việc giúp đỡ người khác về việc tự nhận thức bản thân về nguy cơ lẫn những tổn thương đã trải qua. Nếu những tổn thương được chăm chữa và lành lặn thì đó là chất liệu quý giá để nhà trị liệu thấu hiểu và đồng hành cùng thân chủ, bằng không nó có thể trở thành một liều thuốc độc dành cho cả hai.
Giám sát chuyên môn của tôi từng nói: “Độ lành mạnh và phát triển trong nhân cách của nhà trị liệu là yếu tố tiên quyết trong thành công của một tiến trình hỗ trợ”. Quả thật vậy, nhà trị liệu tâm lý, không phải chỉ có kiến thức, kỹ năng hay tấm bằng mà có thể làm được, mà cần phải là con người của họ, một sự hoà quyện cao nhất giữa tri thức, đạo đức nghề và các tố chất cá nhân lành mạnh để trở thành một nhà trị liệu không gây hại.
Nhà trị liệu cũng là một con người và cuộc đời riêng sóng gió của họ. Họ có thể khác biệt bằng cách đã và luôn cố gắng chữa lành để phát triển và giúp đỡ người khác trong hành trình đó. Nhà trị liệu cũng cần nhà trị liệu, và ai cũng cần một người lắng nghe những lời thì thầm Nhà trị liệu cũng cần nghỉ ngơi đủ và biết cách chăm sóc tốt cho sức khỏe tinh thần của mình. Đó là yêu cầu và trách nhiệm nghề nghiệp. Và hãy nhớ rằng, thực tế đôi khi khốc liệt hơn nhiều khi bạn thực hành sai chứ không êm đềm như những gì ta thấy ở cuối phim.
Là một người trong nghề, anh đánh giá “Người lắng nghe: lời thì thầm” như thế nào?
Cá nhân tôi cho rằng, bộ phim này có thể sẽ khó hiểu với đại đa số khán giả nhưng đây thực sự là một nỗ lực của cả ekip để truyền tải một cách chân thật nhất có thể cả khía cạnh chuyên môn lẫn con người tới người xem. Các thuật ngữ chuyên môn chính xác, xây dựng các hoạt động trị liệu trên phim khá chân thật và tỉ mỉ. Trong phim, sự hiện diện của bác sĩ giám sát chuyên môn của Tường Minh được nhiều lần nhấn mạnh. Tôi hiểu đó là một lời nhắc nhở ẩn ý về một “người lắng nghe”. Các triệu chứng của An Nhiên khá sát với trải nghiệm thực của các thân chủ mà tôi từng gặp. Điều này thể hiện một sự chỉn chu mà đoàn phim đã cố gắng tái hiện. Mong là vài dòng cảm nhận có thể giúp mọi người hiểu hơn về bộ phim và hình ảnh Nhà trị liệu tâm lý trong thực tế.
Cảm ơn anh về buổi chia sẻ khá thú vị.
Tâm lý gia lâm sàng Đặng Khánh An
Co-founder Touching Soul Center/ Tâm lý gia tại BV ĐH Y Dược Tp HCM