Diễn viên Gi A Nguyễn và các F0 chia sẻ bí quyết "đánh bại" Covid-19 - Tạp chí Đẹp

Diễn viên Gi A Nguyễn và các F0 chia sẻ bí quyết “đánh bại” Covid-19

Sống

Giờ đây, bên cạnh chuyện nâng cao việc tự bảo vệ bản thân, thực hiện các quy định phòng tránh dịch, mỗi người chúng ta đều chuẩn bị sẵn tâm lý sẽ trở thành F0 bất kỳ lúc nào. Cùng nghe những chia sẻ của những nhân vật sau đã gửi đến Đẹp, mỗi người một trải nghiệm nhưng điểm chung là họ đều đã giành được phần thắng về mình.

Gi A Nguyễn (diễn viên): “Nếu cần cũng nên tránh những cuộc điện hỏi thăm của họ hàng.”

Sau khi phát hiện bị nhiễm bệnh, tôi cũng hơi lo sợ dù 20 ngày trước đó đã tiêm mũi một. Nếu rơi vào trường hợp đó thì không ai có thể bình tĩnh ngay được, người nhà tôi cũng có bệnh nền. Triệu chứng ngày tiếp theo là khi ngủ thì bị khó thở, đang ngủ tự nhiên bị hụt hơi, không thở nổi, phải ngồi dậy thở, phải chủ động thở. Tôi sực nhớ tới chuyện mấy bài tập thở trên mạng người ta thường chia sẻ. Tôi làm thử, cứ nằm nghiêng, nằm sấp, để thở thì tình trạng cũng có cải thiện.

Về ăn uống thì nên ăn nóng, uống sôi, hạn chế uống đồ uống lạnh để tránh viêm họng. Bạn có thể tham khảo những video của bác sĩ Trương Hữu Khanh. Vì bệnh này sẽ vận hành hết tất cả những kháng thể của cơ thể để chống lại vi rút và làm cơ thể bị suy nhược. Đó là lý do tại sao khi bạn dính Covid, bạn sẽ bị sụt 5, 6, 7 kg là chuyện bình thường. Bên cạnh đó, bạn nên tập những bài tập vừa sức với cơ thể, không cần thiết phải tập quá nhiều làm gì, nhiều khi còn gây tác dụng ngược.

Tinh thần thoải mái là vô cùng quan trọng. Đầu tiên, bạn phải tránh xa mạng xã hội và không nên để người thân xem những tin tức tiêu cực về Covid. Thứ hai, nếu như họ hàng của bạn không lạc quan, không hiểu nhiều về vấn đề này thì nên tránh những cuộc gọi đến từ họ. Đôi lúc họ sẽ vô tình nói những lời làm cho bạn hoảng loạn lên. Ví dụ, có một chị họ hàng của tôi gọi bảo là “Đừng có cho vào khu cách ly nha, đi vô là chết đó”. Câu nói này đã làm cho người nhà tôi hoảng lên và không muốn đi vào khu cách ly.

Mong là những điều mà tôi vừa nói sẽ không có bạn nào phải cần đến nó trong tương lai. Và nếu như các bạn có lỡ không may là F0, thì cũng đừng quá hoảng sợ.

Tuyết Nhi (sinh viên): Phải giữ được sự lạc quan dù đang trong thời điểm tồi tệ nhất

Cả nhà tôi chưa ai được tiêm vắc xin cả nhưng đã thành công vượt qua sau 2 tuần. Mẹ là người bị nhiễm đầu tiên. Có thể nguồn lây từ bên ngoài khi mẹ đi siêu thị hoặc là tiếp xúc với ai đó. Khi các thành viên trong nhà lần lượt có những triệu chứng như đau nhức khắp người, sốt cao và cảm thấy mệt mỏi, chúng tôi lập tức test covid và báo cho những người tiếp xúc qua với mình. Những ngày đầu tôi vẫn còn khá khỏe mạnh nên trực tiếp chăm sóc ba mẹ. Gia đình tôi tự cách ly tại nhà, các loại thuốc cũng tự chuẩn bị.

Các thành viên trong nhà bắt đầu điều trị bằng cách xông hơi 2 lần/ngày, uống nhiều nước ấm, vận động, cố gắng ăn uống đầy đủ và tập các bài thể dục nhẹ nhàng cũng như thường xuyên kiểm tra lượng oxy trong máu. Cho đến ngày thứ 7, tình trạng của ba tôi bắt đầu trở nặng, ho rất nhiều và thở rất khó khăn. Những ngày đó là những ngày thật sự căng thẳng, tôi cố gắng tìm hiểu rất nhiều cách và tích cực động viên ba tôi tập thở đều. Ba đã cố gắng, nỗ lực rất nhiều để vượt qua giai đoạn nguy hiểm trong một tuần sau đó. Tôi và mẹ cũng đã dần khỏe lại, test nhanh âm tính lần 1 dù vẫn còn các triệu chứng ho nhiều.

Giờ nhớ lại, tôi vẫn cảm thấy vô cùng may mắn vì cả nhà tôi luôn cố gắng lạc quan nhất có thể để thể giữ được sự bình tĩnh, chăm sóc cho nhau, chọc cho nhau cười. Chính bản thân mỗi người cũng cần tự trấn an là mình phải ngồi dậy, phải vận động, phải ăn uống và phải khỏe mạnh thì mới có thể mang lại sự an tâm cho người thân của mình.

Bảo Trân (sinh viên): “Làm những điều mình thích để quên đi căn bệnh.”

Khoảng thời gian giãn cách tôi gắn liền với máy tính để làm việc và học tập nên hầu như ở trong phòng, ít khi ló mặt ra đường. Nhưng cái gì tới nó vẫn sẽ tới, tôi đã bị nhiễm Covid khi chỉ vừa tiêm mũi một khoảng 1 tuần. Khoảng 9 giời tối, đặt lưng lên giường, tôi thấy toàn thân có triệu chứng sốt, đau nhức khó chịu trong người, nằm cũng không thể nằm yên được. Tôi thấy dấu hiệu không lành, liền uống thuốc hạ sốt nhưng uống xong lại cảm thấy khó ngủ. Nhưng cơn sốt này nó lạ lắm, 3 giờ sáng “dựng đầu” tôi dậy. Lúc đó tôi cũng chịu hết nổi, phải ngồi dậy liền, tôi cần uống thuốc nữa để dập sốt chứ không sẽ xỉu mất. Tôi thấy bệnh này tiến triển rất nhanh, chưa đến đêm là tôi đã vật vã kinh khủng.

Tôi cố gắng ăn và dập thuốc liên tục để cơn sốt không bị hành nặng thêm. Tuy nhiên có một điều rất tệ là trong quá trình bệnh tôi bị gặp vấn đề về tiêu hóa, tôi bị ói ra hết và ăn khó tiêu. Tôi kết hợp xông cả người với các loại thảo mộc như: sả, gừng, các loại vỏ cam, vỏ bưởi để cơ thể được giải độc. Bước qua giai đoạn sốt thì tôi thấy như mình đã đạt được một thành tựu. Mặc dù hết sốt, tôi vẫn duy trì liều thuốc cũ để bảo vệ mình, vì tôi nghĩ nó giống như một rào chắn, cảm thấy mình còn bệnh thì cứ dập thuốc để vi rút đừng tấn công. Sau đó, tôi chuyển qua giai đoạn khác, đó là bị ho và sổ mũi. Tôi có một mẹo, đó là thoa dầu nóng ở cổ, dán salonpas để hơi nóng làm tôi đỡ ho.

Xong giai đoạn đó, tôi tiếp tục trải qua giai đoạn 3 – đau đầu khủng khiếp. Sau hơn một tuần, tôi thấy chắc là ổn rồi nhưng không mọi người ơi, tôi bị mất khứu giác. Cứ vậy trong hai tuần liền mới hết. Đó là một hành trình dài đối với tôi.

Tôi tận dụng thời gian đó làm điều mình thích để quên đi căn bệnh này: khi nằm để đỡ mệt hơn, thì sẵn xem phim; những ngày nắng đẹp, cái tôi makeup nhẹ và chụp hình với nắng… Tôi biết nó có hơi mệt mỏi và khó khăn, nhưng hãy cố gắng thêm một chút nữa rồi bạn sẽ vượt qua thôi.

Ngọc Trâm (Founder của Là Nhiên – Herbal Tea): “28 ngày đó là khoảng thời gian đáng sợ nhưng cũng vô cùng đáng nhớ.”

Nhà tôi có 6 người, trong đó có 4 người bị dương tính qua test nhanh. Tôi nghĩ lý do bệnh là do trong khu phố lây cho nhau trong quá trình tiếp xúc, vì sau khi test, 10 hộ gia đình có 6 – 7 hộ bị dương tính. May mắn là con hẻm nhà tôi đã tiêm vắc xin một mũi hết, nên mọi người đều không có triệu chứng nặng.

Ngay ngày đầu tiên tôi thấy mệt trong người và sốt nhẹ. Bà ngoại tôi trên 80 tuổi, mẹ tôi trên 50 tuổi, tôi và em họ của tôi cũng bị tương tự. Sau hai ngày sốt nhẹ thì những ngày sau tôi hơi nhói ở ngực, mất thính giác. Khoảng 3-4 ngày, gia đình tôi thường xuyên đo SP02 và thấy trên 96 nên rất an tâm. Vi rút sẽ không thể đánh bại nếu chúng ta kiên trì tập thở mặc dù bạn đang rất khó thở. Hãy ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng dù mất khứu giác hay vị giác, tập thể dục nhẹ nhàng vào buổi sáng để người luôn khỏe khoắn. Khò miệng bằng nước muối 3lần/ngày sau mỗi 30 phút, vệ sinh cá nhân hằng ngày là cách diệt vi khuẩn tốt nhất.

Điều quan trọng nhất theo tôi là sự bình tĩnh, tích cực và kiên cường. Đối với người lớn tuổi, quan trọng là mình phải tạo cho họ sự an tâm, vui vẻ. Những lời hứa mà chúng ta sẽ làm khi khỏe lại cũng là liều thuốc xoa dịu tinh thần hữu hiệu nhất.

Anh Thư (sinh viên): “Khi bệnh tuyệt đối không được lười biếng!”

Tôi nghĩ bản thân cũng rất may mắn khi được tiêm 1 mũi trước đó cũng khá lâu. Đầu tiên, tôi sẽ kể cho các bạn một câu chuyện vui, một chi tiết thú vị của tôi. Mẹ và em tôi cách ly tại nhà một người dì cũng được khoảng 4 ngày, dì và chồng của dì cũng là F0. Bốn người đó đã gọi lên Sở Y tế và xin cách ly tại nhà với nồng độ SPO2 khá là ổn định. Sở Y tế đồng ý. Khi tôi chuyển đến đó, một ngôi nhà không quá lớn cũng không quá nhỏ ấy là nơi cách ly của tận 5 người. Chị tình nguyện viên khá bàng hoàng khi đến đưa thuốc cho chúng tôi. Bên y tế cũng rất nhiệt tình, mỗi ngày đều gọi điện hỏi thăm tình hình sức khỏe của từng người trong gia đình.

Những ngày đầu tiên mọi người nên nhớ là phải uống nước ấm vì lúc này sức đề kháng đang dần yếu đi. Tôi không biết tình trạng sau khi bệnh của mọi như thế nào, tôi thì lúc nào cũng thấy đói bụng. Tôi ăn liên tục, uống sữa, ăn ất cả những thứ trên đời này và thậm chí lúc đó bản thân đang mất vị giác.

Khi bệnh tuyệt đối không được lười biếng. Mỗi ngày bạn nên có thời khóa biểu. Tôi dậy lúc 7 giờ sáng, ăn sáng, uống thuốc, uống những thứ có thể giúp tăng sức đề kháng, sau đó bắt đầu đo huyết áp, nhịp tim SPO2. Tôi thấy trên mạng nói SPO2 an toàn nhất sẽ dao động từ 100 – 120, nhưng khi bạn bị bệnh nó sẽ không thể nào lên đến 100. Có một vài lần đo, tôi ở dưới con số 97 thì cảm thấy rất mệt và thở không nổi.

Tôi không chắc là ai cũng có thể giữ được trạng thái tích cực và lạc quan. Nhưng hãy tránh hết mức có thể những điều khiến bạn không vui: đừng cãi nhau với người yêu, đừng xem phim buồn, đừng đọc những tin tức tiêu cực về Covid… Có một câu nói tôi vô cùng tâm đắc và đã theo tôi trong suốt 14 ngày nhiễm bệnh, đó là: “Nếu bạn nhìn mọi thứ như thế nào, nó sẽ phản chiếu lại đúng với những gì bạn thấy”.

Thực hiện: Huyền My Trương

10/12/2021, 19:53