Học cách lắng nghe cơ thể là một phần quan trọng để có một tư duy lành mạnh trong việc xây dựng chế độ tập luyện, dinh dưỡng và rộng hơn là cuộc sống. Lắng nghe cơ thể giúp bạn biết khi nào nên dùng hết sức, khi nào cần nghỉ ngơi và khi nào nên bắt đầu thay đổi chế độ dinh dưỡng. Vậy cần làm thế nào để hiểu rõ và thực hành đúng? Hãy cùng HLV Kayla Itsines học cách kết nối với người bạn cơ thể nhé.
Đối với khái niệm lắng nghe cơ thể, Kayla Itsines giải thích một cách đơn giản, đó là chúng ta nên dành thời gian để đánh giá cách cơ thể phản ứng với những thứ như tập thể dục và thức ăn. Có thể chúng ta dễ dàng bị cuốn vào nhịp sống bận rộn thường ngày đến nổi quên mất suy nghẫm về cảm giác thực sự của chính mình. Có thể bạn từng cảm thấy muốn từ bỏ một thói quen tập thể dục mới thiết lập, hoặc một quy trình chăm sóc sức khỏe, sau khi cảm thấy chúng quá khó. Tình trạng này xuất phát từ việc bạn chưa thật sự lắng nghe cơ thể mình.
Việc ghi chép có thể giúp bạn nhận thức được cảm giác của cơ thể và xác định những gì bạn có thể làm để cảm thấy tốt nhất. Một số điều bạn có thể theo dõi bao gồm chất lượng và thời lượng ngủ, cảm giác của bạn sau khi ăn một số loại thực phẩm và sau khi hoàn thành một số loại bài tập nhất định. Hãy viết ra những điều bạn muốn làm để chăm sóc bản thân ngày hôm nay. Đó có thể là một điều rất đơn giản, chẳng hạn như vận động thêm một giờ sau ngày làm việc, lên kế hoạch uống nhiều nước hoặc ngủ đủ giấc mỗi đêm.
Nếu bạn đang cố gắng ăn uống lành mạnh nhưng không thích món ăn mình đang chế biến, thì việc gắn bó lâu dài sẽ trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, điều quan trọng là phải ăn những món bạn yêu thích, sau đó hãy chế biến nó thành các phiên bản healthy hơn. Có rất nhiều cách đơn giản để làm một món ăn, đừng tự tạo cho mình sự phức tạp không cần thiết.
Kayla nhấn mạnh thêm, rằng thỉnh thoảng ăn vặt hoặc ăn nhiều hơn mức cần thiết sẽ không tạo ra sự khác biệt đối với sức khỏe và sự tiến bộ về thể chất về lâu dài. Chỉ cần sau đó, bạn tập trung trở lại vào việc ăn uống lành mạnh; và tuyệt đối là không nên cảm thấy tội lỗi khi thưởng thức đồ ăn, ngay cả khi thỉnh thoảng bạn cảm thấy mình đã ăn quá mức. Đó là tất cả về sự cân bằng. Bạn cũng nên nghiên cứu nhiều hơn về dinh dưỡng để có kiến thức lựa chọn thực phẩm và gắn bó với chế độ dinh dưỡng lành mạnh về lâu dài.
Kayla đặc biệt lưu ý, rằng nghỉ ngơi cũng quan trọng như luyện tập chăm chỉ. Bạn cần ưu tiên cho bản thân 5-10 phút mỗi ngày hiểu được cảm giác của mình và đưa ra những lựa chọn có lợi cho sức khỏe tổng thể. Thực hành tự chăm sóc bản thân có thể giúp bạn hòa nhập với cơ thể của mình tốt hơn.
Thiền và yoga là hai phương pháp thực hành mà nhiều người cảm thấy bình tĩnh và hữu ích trong việc chăm sóc bản thân. Nó có thể đơn giản như hít thở sâu, đều đặn và nhận thức về cơ thể của bạn. Thiền cũng có thể giúp giảm mức độ căng thẳng và giúp đầu óc minh mẫn.
Khi hiểu cơ thể phản ứng với căng thẳng như thế nào, bạn sẽ dễ dàng điều chỉnh hơn để giảm thiểu ảnh hưởng nó gây ra. Ví dụ, bạn có thể nhận thấy rằng hơi thở của mình trở nên nông hơn, các cơ ở cổ và vai bị căng… Khi nhận ra phản ứng thể chất của mình với các tác nhân gây căng thẳng, Kayla gợi ý bạn có thể thử một vài cách khác nhau để giảm các triệu chứng này – tập thể dục, kéo giãn cơ, kết nối với bạn bè – để xem cách nào phù hợp với bạn.
Tập trung vào hơi thở với mỗi chuyển động và tìm hiểu khi nào nên hít vào và thở ra, có thể giúp bạn kết nối với cơ thể của mình trong thời điểm này. Lắng nghe cơ thể của bạn bằng cách kiểm tra xem nó phản ứng như thế nào với một bài tập cụ thể – bạn có nhiều năng lượng hơn, linh hoạt hơn hay nhiều sức mạnh hơn không? Khi bạn cảm thấy tốt hơn sau khi tập, điều đó có thể thúc đẩy bạn tiếp tục tập luyện.
Cân nhắc những gì cơ thể bạn thực sự cần – điều này có thể giúp bạn bỏ những thói quen xấu và đưa ra những lựa chọn lành mạnh hơn. Ví dụ, bạn cảm thấy uể oải và quyết định cần một ly cà phê vào giữa buổi chiều. Hãy dành một chút thời gian để dừng lại và suy nghĩ về cảm giác của bạn và tại sao, bạn đã uống đủ nước hoặc ăn đủ vào ngày hôm đó chưa? Hãy thử uống một ít nước hoặc xem xét liệu ăn một bữa ăn nhẹ lành mạnh có giúp cơ thể bạn tiếp thêm năng lượng hay không.
Hãy kiểm tra lại bản thân và nghĩ về những gì bạn cần thay vì dựa vào caffeine để vượt qua. Tương tự, nguyên tắc này cũng áp dụng cho việc tập thể dục. Không phải lúc nào cơ thể cũng có thể dồn hết sức cho một bài tập nặng, mà đôi khi nó cũng cần vận động nhẹ như đi bộ, để có đủ thời gian hồi phục năng lượng.
Điều quan trọng là phải biết giới hạn của bản thân – cho dù đó là tập thể dục hay ăn uống. Lắng nghe cơ thể sẽ giúp bạn nhận thức được khi nào bạn cần nhiều hơn và khi nào bạn cần dừng lại. Thay đổi cường độ tập luyện dựa trên cảm giác của bạn cũng là một hình thức tự điều chỉnh. Bạn có thể thay đổi bài tập dựa trên cảm giác của mình. Theo thời gian, khi bạn học cách lắng nghe cơ thể mình nhiều hơn, bạn sẽ thấy rằng bạn có thể đưa ra các quyết định sáng suốt hơn và cải thiện sức khỏe tổng thể của mình hiệu quả hơn.