Vượt qua những cái tên đình đám như “Mine” (Sở hữu), “Hospital Playlist” (Những bác sĩ tài hoa), “Nevertheless” (Dẫu biết),… “Sex/Life” (Tình dục/Đời sống) nhanh chóng thu hút sự chú ý của người hâm mộ khi dẫn đầu top các bộ phim được xem nhiều nhất trên Netflix. Những tưởng đây là một series thú vị về hôn nhân, nhưng xuyên suốt 8 tập phim chỉ toàn những cảnh ân ái vô bổ trong khi nhiều yếu tố quyết định thành bại của phim lại bị bỏ lỡ. “Sex/Life” gây nên nhiều tranh cãi khi chính tay phá hủy một cốt truyện đầy tiềm năng về đời sống hôn nhân.
Khai thác thực tế nhưng bỏ quên giá trị cốt lõi
“Sex/Life” được chuyển thể từ tiểu thuyết “44 Chapters About 4 Men” xoay quanh Billie (Sarah Shahi) – một người phụ nữ có cuộc sống vô cùng viên mãn bên chồng và con. Tuy nhiên, chuyện chăn gối của hai vợ chồng lại không làm thỏa mãn Billie, nhất là khi cô từng có thời trẻ phóng khoáng và hoang dại. Nhịp sống hôn nhân bình yên (và đôi phần nhám chán) đã khiến cô nhớ đến tình cũ Brad (Adam Demos) – chàng trai luôn biết cách nuông chiều những ham muốn của cô và làm cho cả hai thăng hoa. Billie bèn trút nỗi lòng của mình vào nhật ký, thế nhưng chồng cô – Cooper (Mike Vogel) đã vô tình đọc được những khát khao tình dục cháy bỏng của vợ. Cùng lúc ấy, Brad bỗng dưng trở về, từ đây hôn nhân của Billie và Cooper mong manh hơn bao giờ hết, bởi Billie đắn đo giữa việc giữ gìn hạnh phúc gia đình hay chạy theo ham muốn ngày càng mãnh liệt.
Ngay tại các nền điện ảnh cởi mở, chủ đề khai thác những góc khuất trong hôn nhân cũng khá ít, xoáy sâu vào những vấn đề liên quan đến tình dục trong đời sống vợ chồng lại càng hiếm. “Sex/Life” là tác phẩm thuộc về danh sách ít ỏi này, khai thác chân thật về chất lượng đời sống tình dục ảnh hưởng đến hôn nhân như thế nào, và ranh giới ngoại tình giữa vợ chồng là vô cùng mong manh. Dù vậy, tác phẩm đã nhanh chóng bị chệch hướng sau 2 tập phim. Người xem cảm thấy, đội ngũ sản xuất chỉ chú trọng đến các cảnh nóng, hơn là đầu tư vào câu chuyện, tập trung khai thác sâu hơn về nhân vật – những yếu tố cốt lõi quyết định nên một bộ phim chất lượng.
Được đánh giá là một tác phẩm tiềm năng khi lựa chọn khai thác đề tài mới lạ, nhưng “Sex/Life” đã bỏ qua nhiều cơ hội để chứng minh cho người hâm mộ thấy sự lựa chọn của họ là đúng. Phần lớn bộ phim tập trung vào mối quan hệ quá khứ và hiện tại giữa Brad và Billie, trong khi Cooper – nhân vật quan trọng còn lại của tam giác tình yêu lại bị gạt qua bên lề. Sự tương tác giữa Billie và Cooper hầu như không có sức nặng so với Brad và Billie.
Tác dụng ngược của việc “zoom ống kính” quá cận về ám ảnh tình dục
“Sex/Life” vốn dĩ sẽ mang một thông điệp văn minh về nhu cầu tình dục của phái nữ cũng cần được xem trọng như nam giới. Tuy nhiên, kịch bản bị lu mờ bởi những ham muốn không có điểm dừng của nữ chính. “Sex/Life” khiến người xem bị ngộp bởi cảnh nóng; và trong mắt của của người xem, Billie từ một người phụ nữ bị trầm cảm sau sinh, chuyện chăn gối không như ý, bỗng chốc chỉ còn là hình ảnh của một người phụ nữ chỉ biết giải tỏa ham muốn và không ngừng tơ tưởng những màn “mây mưa” cùng tình cũ. “Sex/Life” nói chung chỉ khiến người xem cảm thấy thật ngột ngạt với cảnh nóng.
Thậm chí, ngay cả khi Cooper có ý muốn thay đổi, hâm nóng chuyện gối chăn với vợ thì Billie cũng không thật sự để tâm đến. Vì muốn biến mình thành bản sao hoàn hảo của Brad, người mà vợ luôn mong ngóng; Cooper cũng chịu sự tổn thương nặng nề, bởi bản thân không đáp ứng được nhu cầu và kỳ vọng của vợ. Ngay chính cái kết cũng khiến người hâm mộ hụt hẫng, bởi Billie dường như đã có câu trả lời cho mình, đó là sống thật với ham muốn và cảm xúc của mình. Cái kết này cũng mở ra một diễn biến gợi nên nhiều sự tò mò cùa người xem, về sự lựa chọn cuối cùng của Billie, sự nỗ lực của hai vợ chồng trong việc cứu vãn hôn nhân và cả quyết định của Brad.