Tình hình dịch viêm phổi cấp do virus chủng mới Corona gây ra đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngành công nghiệp thời trang toàn cầu. Không chỉ làm thất thoát hàng tỉ USD, dịch bệnh còn khiến các nhà mốt gặp khó khăn trong vận hành kinh doanh và ra mắt bộ sưu tập mới.
Sau khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) hồi đầu tháng 1/2020, theo thống kê từ Trung Tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, virus Corona đã lây lan khắp 80 quốc gia, trong đó có Mỹ, Hàn Quốc, Ý, Anh, Nhật, Ai Cập và Iran. Các hoạt động kinh tế – xã hội, du lịch ở nhiều nước gặp nhiều khó khăn. Và ngành thời trang toàn cầu cũng trong hoàn cảnh tương tự. Trong bối cảnh mùa lễ thời trang Thu Đông 2020, khi Tuần lễ Thời Trang Milan (từ 18 – 24/2) diễn ra cũng là thời điểm virus Corona bắt đầu lan rộng ở nước Ý, sự kiện này khiến cho hàng loạt các nhà mốt xa xỉ buộc phải hoãn show diễn hoặc livestream mà không có khán giả tham dự. Chưa dừng lại ở đó, COVID-19 còn gây ra không ít trở ngại cho ngành thời trang xa xỉ toàn cầu trong thời gian sắp tới.
Show diễn Resort/Cruise là mùa ra mắt BST thời trang quan trọng trong năm, mang lại nhiều “món hời béo bở” cho các “gã khổng lồ” ngành hàng xa xỉ toàn cầu. Sự kiện này quy tụ sự góp mặt của hàng loạt tên tuổi đình đám khắp thế giới như các biên tập viên thời trang, fashionista/fashionisto, nghệ sĩ nổi tiếng, KOLS có tầm ảnh hưởng,…
Do sự bùng phát khó lường của virus Corona, nhiều thương hiệu đã phải hoãn show diễn Cruise diễn ra vào tháng 5 để chuẩn bị cho công tác phòng ngừa dịch bệnh và tránh lây lan trong cộng đồng. Đại diện thương hiệu Gucci thông báo hoãn ra mắt BST Cruise 2021 tại San Francisco vào ngày 18/5; lịch trình ra mắt BST Resort của nhà mốt Prada tại Tokyo (Nhật Bản) cũng sẽ được dời lại; Chanel buộc phải hoãn show diễn Métiers d’Art diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc) vào tháng 5; Versace và Armani cũng sẽ hoãn show diễn Cruise 2021 và thông báo lịch trình mới đến giới mộ điệu trong thời gian tới.
Tập đoàn VF Corporation là nhà của các thương hiệu nổi tiếng như Timberlands, The North Face, Kipling,… thông báo sẽ đóng cửa 60% cửa hàng của công ty và đối tác tại Trung Quốc để phục vụ cho công tác bảo vệ người dân khỏi dịch bệnh COVID-19. Chủ tịch tập đoàn VF, ông Steve Rendle cho biết: “Chúng tôi luôn ưu tiên hàng đầu sự an toàn và sức khỏe của các khách hàng và đối tác ở Trung Quốc“.
Cách đây 1 tuần, hãng Nike cũng tuyên bố tạm ngưng hoạt động 50% cửa hàng của họ tại Trung Quốc vì sự bùng phát đại dịch COVID-19. Hơn thế nữa, hãng sẽ giảm bớt thời gian hoạt động xuống ít hơn ngày thường ở một số cửa hàng bán lẻ để duy trì hoạt động. Theo ông John Donahoe, chủ tịch hãng Nike Inc, “trước tiên, chúng tôi luôn quan tâm đến những người chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và chúng tôi vẫn đảm bảo sự an toàn về sức khỏe cho khách hàng, nhân viên và đối tác của công ty. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng cơ hội lâu dài để Nike phục vụ khách hàng Trung Quốc với những sản phẩm đổi mới và đầy cảm hứng vẫn luôn rất mạnh mẽ“.
Công ty Capri Holdings, chủ sở hữu của Versace, Michael Kors và Jimmy Choo, đã đóng cửa 150 trong số 220 cửa hàng bán lẻ đặt tại Trung Quốc, điều này khiến cho công ty có thể thất thoát hơn 100 triệu USD doanh thu trong quý thứ 4. Trước đó, đại diện công ty cũng thông báo kết quả quý thứ 3, kết thúc ngày 28/12/2019, cho thấy tổng doanh thu của công ty tăng 9.2% (tức 1.57 tỉ USD) so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên. giữa cơn dịch đang diễn biến phức tạp như hiện nay, chủ tịch công ty Capri Holdings chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng người dân Trung Quốc và các quốc gia đang chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Chúng tôi cũng hy vọng sẽ tìm ra phương pháp nhanh chóng để sớm giải quyết khủng hoảng này“.
Trước tình hình dịch COVID-19 lây lan nhanh chóng, các tín đồ thời trang đã chọn cách mua hàng trên các kênh thương mại điện tử để không phải tiếp xúc với môi trường đông người đã trở nên phổ biến trong thời gian gần đây. Thế nhưng, trong một báo cáo ngành hàng thời trang vào năm 2019 cho thấy chỉ có 9% hàng xa xỉ được giao dịch qua mạng internet. Điều đáng nói là Trung Quốc được xem là thị trường tiêu thụ hàng thời trang xa xỉ lớn, nhưng lại là tâm dịch lớn nhất thế giới khiến cho sức mua hàng thời trang thiết kế online cũng giảm mạnh.
Để làm giảm bớt sự gia tăng số ca nhiễm bệnh do virus Corona gây ra trên toàn cầu, nhiều hãng thời trang xa xỉ và tập đoàn thời trang uy tín đã đóng góp hàng triệu USD vào quỹ nhằm đẩy lùi virus Corona lây lan. Cụ thể, tập đoàn LVMH đã đóng góp 2.3 triệu USD cho Hội Chữ thập Đỏ Trung Quốc và 1 triệu USD vào cho Hội Chữ Thập Đỏ Hồ Bắc từ tập đoàn Kering. Ngoài ra, thương hiệu L’Oreal trích 720.000 USD để đóng góp vào quỹ đẩy lùi Corona cho Hội Chữ thập Đỏ Trung Quốc, Swarovski cũng góp 430.000 USD; Estee Lauder đóng góp 290.000 USD và Shiseido cũng góp 140.000 USD cho quỹ này. Trong khi đó, tại Trung Quốc đại lục, tập đoàn Alibaba đã góp 144 triệu USD và Tencent góp 43.25 triệu USD cho công tác phòng chống dịch bệnh và tìm kiếm phương pháp điều trị bệnh viêm phổi cấp do virus Corona gây ra.