“Điện ảnh những năm gần đây không có gì quá mới cả, những tay giỏi nhất đã chết cả rồi, hoặc không còn làm phim nữa”, đạo diễn Phan Đăng Di từng một lần nói với chúng tôi trong lớp học làm phim của anh. Di không phải người duy nhất nói như thế.
Lời thanh minh cho điện ảnh
Ngành công nghiệp điện ảnh thế giới đang tăng trưởng không ngừng. Những kỷ lục phòng vé liên tiếp được thiết lập. Nhưng sự đi lên của ngành công nghiệp điện ảnh lại đánh dấu sự đi xuống của chính điện ảnh trên tư cách môn nghệ thuật thứ 7. “Chúng tôi đã đứng lên để điện ảnh được ngang hàng với văn chương, âm nhạc hay nhảy múa”, đạo diễn Martin Scorsese – một trong những tên tuổi vĩ đại bậc nhất của ảnh đàn – viết trên tờ New York Times hồi tháng 11. Bài báo ấy đúng hơn là một bài thanh minh. Không thể không thanh minh, bởi trước đó, ông nói những bộ phim siêu anh hùng của Marvel không phải điện ảnh, hay có lẽ, không phải thứ điện ảnh mà ông từng biết, từng say đắm và từng đấu tranh cho nó.
Cái mà Scorsese cho rằng những bom tấn thời đại mới thiếu đi, đó là “sự khải huyền” – một cụm từ rất tôn giáo (nghệ thuật ở khía cạnh nào đó cũng gần như tôn giáo), và hiểu đơn giản, nó là sự hé lộ những bí mật, mà trong điện ảnh, bí mật ấy không gì khác hơn là những rung động vừa con người, vừa thần thánh, nó mở ra những tầng sâu bí ẩn không thể đo đếm và lường trước trong nhân tính.
Nói như Scorsese, người ta xem lại “North by Northwest” của Alfred Hitchcock không phải bởi chất “thriller” hay những cú twist gây sốc, dù chúng đã đạt đến độ hoàn hảo trong kỹ thuật điện ảnh, mà người ta trở lại với bộ phim vì sự lạc lõng đến tột cùng và những xúc cảm đớn đau của nhân vật trung tâm cốt truyện.
Còn những siêu anh hùng của Marvel, dường như mọi điều họ làm đều đã được tính toán để quy về những khuôn mẫu quen thuộc, để chắc chắn phù hợp với số đông. Họ không liều lĩnh để bước khỏi những kỳ vọng, họ không dám gây thất vọng, không dám gây sửng sốt, họ được tinh chỉnh đến khi nào chắc chắn bộ phim sẽ giành thắng lợi ở phòng vé.
Những trải nghiệm điện ảnh thực thụ của 2019
Vậy nếu khán giả muốn tìm đến nghệ thuật thứ 7 thực thụ, họ có thể tìm ở đâu trong thời đại này? Có lẽ không khó gì, bản thân Martin Scorsese vừa ra mắt “The Irishman” – bộ phim được đợi chờ nhất nửa cuối năm 2019 – cùng dàn diễn viên huyền thoại Robert De Niro, Al Pacino, Joe Pesci.
“The Irishman” dài khủng khiếp. Hơn 3 tiếng rưỡi đồng hồ, một tay đòi nợ thuê đã về già và chỉ còn ngồi chờ chết kể chuyện đời y. Motif một lão già gần đất xa trời thú tội không xa lạ trong điện ảnh, như “Amadeus” – một mẫu mực cho những bộ phim kiểu ấy. Ngay cả thế giới ngầm của những băng đảng mafia thao túng nền chính trị trên đất Mỹ cũng chẳng có gì lạ, ba phần phim “Godfather” đã kể những chuyện ấy rồi, chính Scorsese cũng đã kể chuyện ấy trong “Goodfellas” và vô số những tác phẩm tội phạm kinh điển khác. Thế thì tại sao tôi phải tốn (quá nhiều) thời gian để xem “The Irishman”?
Người ta đến với “The Irishman” vì nhiều lý do, có thể là sự duyên dáng mà tuổi tác không thể tàn hủy nơi những siêu sao điện ảnh một thời, có thể bởi sự tò mò về một tác phẩm với kinh phí hơn 200 triệu USD được dàn dựng bởi một bậc thầy Hollywood, có thể bởi họ chờ đợi một lý giải cho vụ mất tích bí ẩn của Jimmy Hoffa – nhà hoạt động xã hội từng nổi tiếng ở Mỹ không thua gì Elvis Presley hay The Beatles. Nhưng cái khiến người ta muốn xem lại “The Irishman”, và có thể xem đi xem lại dù biết sự đồ sộ của bộ phim sẽ ngốn rất nhiều sức lực trong ngày, là cảm giác bàng hoàng khi chứng kiến những bước ngoặt tâm lý của nhân vật, như khi Frank (Robert De Niro) cầm súng bình thản bắn chết một người bạn mà y đã luôn tôn trọng, yêu quý và bảo vệ, không run rẩy, không rụt rè, không do dự. Nó hé mở một điều gì đó gần như không thể thăm dò hay lý giải trong tâm hồn con người, và sẽ khiến bạn không ngừng bàng hoàng dù cho bạn xem “The Irishman” tới lần thứ hai, thứ ba hay nhiều hơn nữa. Chính đây là giây phút khải huyền trong điện ảnh.
Chỉ có một điều nghịch lý nho nhỏ, “The Irishman” được đầu tư, phát hành bởi Netflix và không được công chiếu rộng rãi trên màn ảnh rộng. Cuộc tranh luận phim Netflix có phải phim điện ảnh hay không vẫn còn đó. Nhưng có lẽ đã đến lúc khái niệm điện ảnh không nên được gói trong một định nghĩa về hình thức, bởi chiếu màn ảnh rộng chưa chắc đã là điện ảnh, còn chiếu màn ảnh nhỏ chưa chắc đã là phi điện ảnh.
Những trải nghiệm đích thực của điện ảnh mà Netflix đem tới vẫn chưa dừng lại. Một tác phẩm khác của họ, “Marriage story”, cũng hé lộ những giây phút khải huyền, dù theo cách khác. Charlie (Adam Driver thủ vai) và Nicole (Scarlett Johansson) kết hôn vì tình yêu, nhưng cuối cùng vẫn lựa chọn ly hôn, và “Marriage story” kể cách họ khép lại cuộc tình của mình cay đắng, khắc nghiệt và trần trụi.
Nói cho cùng, “Marriage story” không phải một tuyệt tác như những gì người ta ca ngợi, một người xem nhiều phim chắc chắn sẽ thấy những công thức cài cắm lồ lộ trong cách xây dựng mâu thuẫn, hóa giải, lấy nước mắt của đạo diễn Noah Baumbach. Nhưng nó vẫn có những phút giây khải huyền, như phút giây mà Nicole và Charlie đối diện nhau, cố gắng tìm một tiếng nói chung để cứu vãn tình thế đã bị những tay luật sư đưa đi quá giới hạn, để rồi chính vào lúc họ nghĩ sẽ cố gắng giao tiếp với nhau, thì lại là lúc mối quan hệ nổ tung và sụp đổ. Họ đấu tố, họ vạch tội, họ nguyền rủa, và đến điểm căng cuối cùng, khi Charlie nói rằng đã luôn mong Nicole bị xe cán và chết quách đi, Nicole lặng người, Charlie thì bật khóc. Trong tiếng khóc và sự câm nín của họ là sự câm nín của chính chúng ta, bởi sự đốn ngộ rằng, thói tầm thường ác độc đã luôn bắt rễ thật sâu trong con người, từ bao giờ không rõ, nhưng nó hiện hình mỗi khi ta bị đẩy tới chân tường, dẫu ta đinh ninh nó đã bị ta chế ngự.
Bên ngoài Hollywood
Bài thanh minh của Martin Scorsese cũng nhắc tới một số đạo diễn mà ông ngưỡng mộ, những người vẫn đang làm nghề, miệt mài, và chưa từng phản bội lý tưởng nghệ thuật của họ, trong đó có Claire Denis. 2019, Claire Denis cũng cho ra mắt một bộ phim điện ảnh: “High life”, bộ phim nói tiếng Anh đầu tiên của bà, với những gương mặt quen trong dòng phim nghệ thuật là Robert Pattinson và Juliette Binoche. Và “High life” chỉ có thể miêu tả bằng hai từ: kiệt tác.
Cũng như “The Irishman”, “High life” dấn thân vào một đề tài mà ta tưởng như các nhà làm phim đã khai thác kiệt cùng: con người trong vũ trụ. Nhưng vũ trụ dường như chỉ là cái cớ, để Claire Denis thả trôi nhân vật của bà vào một sự thăm thẳm mà chật chội của kiếp người, để họ mặt đối mặt với cái sống, cái chết, với dục tính và bản thể. Có quá nhiều những phút khải huyền trong “High life”: là khi nhân vật của Pattinson ném từng cái xác trên chiếc phi thuyền vào không trung đen đặc khiến chúng lửng lơ rơi giữa mênh mông tầng trời, là khi nhân vật của Juliette Binoche quằn quại tìm khoái cảm tình dục cho cái âm hộ bằng nhựa của mình, là khi đứa con gái lớn ôm lấy cha trong tư thế đầy phức cảm Oedipus – và từ em chảy ra những giọt máu đánh dấu tuổi dậy thì. Một bộ phim như thế lật mở con người và xé toang con người. Bởi bằng cách gông các nhân vật vào một không gian tù túng như chiếc tàu vũ trụ, “High life” làm ta không ngừng băn khoăn tại sao, tại sao tất cả họ đã biết định mệnh cuối cùng sẽ đi về đâu, mà vẫn không thể thắng nổi những dục vọng, thèm khát, cám dỗ, tội lỗi, dằn vặt của thì hiện tại.
Và một nghịch lý nữa trong điện ảnh, dường như ngày nay, ở những nền điện ảnh khiêm tốn hơn so với Hollywood, nơi đồng tiền chưa thâu tóm tất cả, người ta lại dễ tìm thấy những giây phút khải huyền lớn hơn. Bên cạnh nữ đạo diễn người Pháp Claire Denis, đạo diễn người Tây Ban Nha Pedro Almodóvar cũng có màn tái xuất không thể tuyệt vời hơn với “Pain and Glory”, bộ phim chắc chắn nằm trong số những trải nghiệm điện ảnh đáng nhớ nhất năm 2019.
“Pain and Glory” theo chân một nhà văn, một nhà làm phim đã ở phía bên kia sườn dốc sự nghiệp. Nhân dịp một bộ phim cũ của ông được vinh danh, ông bắt đầu kết nối lại với miền thơ ấu và tuổi trẻ. Từng ký ức được lật mở một cách tế nhị và dịu dàng, không để dẫn giải nguyên nhân cho tình cảnh đương thời nào, mà chỉ nhắc nhớ những êm đềm, ngây thơ, những người thân, người bạn, người tình, những yêu đương và tan vỡ, những mối ràng buộc ngỡ lỏng lẻo mà không thể cắt đứt của quá khứ. Những bộ phim như thế, con người trong đó hiện ra không phải anh hùng cũng chẳng phải tội đồ, không phải kẻ xấu cũng không phải người tốt, họ chỉ là một con người ở nghĩa cơ bản nhất, vừa lương thiện vừa phi nhân, không nhét vừa một khuôn khổ hay một chủ nghĩa nào.
Nhân vật chính của Almodóvar viết: “Những bộ phim thời tuổi thơ tôi, chúng có mùi của nước tiểu và hoa nhài trong cơn gió mùa hạ”. Đó hẳn là tự sự của chính Pedro Almodóvar, người đã lớn lên trong thời những rạp chiếu lưu động ngoài trời, và chính những ký ức ấy đã cấu kết nên những thước phim mai này của ông, luôn cùng một lúc, đẹp và buồn, mơ mộng và tàn nghiệt.
Và phải chăng đó chính là sự khác nhau trong cách làm phim của những người làm nghệ thuật điện ảnh và những người đang công nghiệp hóa điện ảnh? Sự khác biệt không nằm ở tài năng, như Scorsese viết, ông biết có những đồng nghiệp xuất sắc nhất đang làm những tác phẩm bom tấn cho Marvel. Sự khác biệt có lẽ nằm ở chỗ, một số người tiếp cận điện ảnh với một mục tiêu thuần túy tư bản, một số người tìm đến điện ảnh bằng một lối đi rất mực biệt lập, để tự khai phóng, tìm cho mình những câu trả lời. Và cũng như trong tôn giáo, chỉ những người đơn độc tìm đến Thượng Đế mới được khải huyền để trở thành đấng tiên tri, thì trong điện ảnh, chỉ những người kết nối với điện ảnh bằng một tình yêu rất riêng tư mới được khải huyền.