Tiếng ồn trong xe sinh ra từ đâu?
Những tiếng ồn khó chịu và lớn nhất trong khoang lái ô tô thường đến từ động cơ xe, sàn xe, được tạo ra bởi ma sát chuyển động giữa kính trước xe và gió. Hay từ hốc bánh xe – nơi “hứng” âm thanh sinh ra do lốp xe tiếp xúc với mặt đường và cả tiếng ống xả. Bên cạnh đó, các tác nhân bên ngoài gây ra tiếng ồn có thể kể đến là tiếng còi hay âm thanh xe cộ lưu thông bên ngoài tràn vào qua cửa xe hay trong những ngày mưa, người lái và hành khách trên xe cũng sẽ cảm nhận rất rõ tiếng mưa đập vào trần xe. Độ ồn cũng phụ thuộc vào vật liệu và chất lượng chế tạo, lắp ráp cũng như tính khí động học của xe.
Bài toán cách âm trên xe cho các nhà sản xuất
Không chỉ đơn giản là một phương tiện di chuyển, nhu cầu của người tiêu dùng đã thay đổi khi mong muốn ô tô là một môi trường đủ yên tĩnh để tập trung lái xe và thư giãn. “Cách âm trên xe” là một từ khóa nhận được sự quan tâm của nhiều người. Vấn đề là hạn chế tiếng ồn thì dễ, nhưng để giải quyết triệt để tiếng ồn lại là một bài toán không hề đơn giản.
Nhiều khách hàng chưa hài lòng về cách xử lý của nhà sản xuất, sau một thời gian sử dụng sẽ tìm cách giảm bớt tiếng ồn trong xe thông qua các cách can thiệp kỹ thuật như phủ gầm, thêm lớp cách âm, gia cố gioăng cao su,… tại các gara chuyên dụng. Kết quả chưa chắc đã như ý mà lại còn khiến chủ nhân mất thời gian, công sức và đặc biệt là không có được một trải nghiệm trọn vẹn. Theo ghi nhận thực tế thì các phương pháp này cũng đã giảm được đáng kể tiếng ồn vọng vào từ lốp hay khoang động cơ, nhưng nhiều tiếng ồn do gió tạo ra bởi quá trình di chuyển (khí động học) thì chưa thực sự hiệu quả.
Dĩ nhiên, các hãng xe luôn tìm mọi cách để khoang cabin êm ái như khoang hạng nhất của máy bay. Một chiếc xe có khả năng cách âm tốt sẽ được nhà sản xuất “đo ni đóng giày” từ các chi tiết nhỏ nhất cho đến toàn bộ cấu tạo xe nhằm đảm bảo tiêu giảm tối đa các âm thanh không mong muốn đến từ cả bên ngoài và bên trong xe.
Một số công nghệ hạn chế tiếng ồn
Mỗi hãng đều có công nghệ giảm thiểu tiếng ồn riêng. Ví dụ như với Outlander của Mitsubishi, hãng có tới 30 chi tiết chống ồn giảm xóc cho xe. Mỗi chi tiết đều có nhiệm vụ riêng nhằm loại bỏ các tiếng ồn từ thân xe, động cơ và môi trường bên ngoài. Các vật liệu cách âm và hấp thụ âm được tích hợp đồng bộ trên khắp dọc thân xe từ trần xe, mui xe, sàn xe, chụp hai cửa, ron silicon trên cửa xe, dọc hai bên hông xe, chắn trước và sau, bọng dè trước và sau… Việc cách âm còn được tính toán ở những chi tiết nhỏ như: thêm buồng cộng hưởng vào đường ống khí xả, bảo vệ đường dẫn máy lọc khí bằng loại cao su bền và hấp thụ tiếng ồn. Thậm chí kính chắn gió, kính sau cũng được trang bị lớp cách âm dày để tạo trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Với chiếc Ford Everest thì lại sử dụng công nghệ chống ồn chủ động lấy cảm hứng từ những loại tai nghe triệt tiêu tiếng ồn. Các micro cực nhạy sẽ được đặt để đo tiếng ồn từ động cơ phát ra, sau đó hệ thống âm thanh sẽ tiếp nhận thông tin từ các cảm biến này, xử lý và phát ngược vào khoang cabin một dải sóng âm có cùng tần số, biên độ, âm sắc giống như dải sóng âm mà động cơ tạo ra nhưng lệch pha một góc so với âm từ động cơ. Hai dải âm này tự triệt tiêu lẫn nhau khiến khoang cabin trở nên yên tĩnh hơn.
Hay như hãng Bose đang phát triển công nghệ kiểm soát tiếng ồn trên đường yên tĩnh RNC với mục tiêu giảm thiểu tối đa tiếng ồn trên đường bằng cách triệt tiêu nó. Cũng như Ford, Bose sử dụng các micro để cảm nhận âm thanh từ ngoài vào và tạo ra âm thanh ngược để triệt tiêu, nhưng sẽ có thêm gia tốc kế để liên tục theo dõi những rung động tạo ra tiếng ồn. Hệ thống này cũng tự động điều chỉnh theo thời gian hay hoàn cảnh vận hành cụ thể.
Mẫu Honda Accord được trang bị hệ thống chủ động kiểm soát tiếng ồn Active Noise Control giúp triệt tiêu tiếng ồn bằng cách phát ra tần số âm thanh tương đương nhưng ngược pha từ hệ thống loa để tạo không gian cabin yên tĩnh.
Chính vì thế, nếu bạn đang băn khoăn trước một chiếc xe hơi đời mới và thích một không gian yên tĩnh thì nhất định phải xem kỹ các công nghệ mà hãng xe sử dụng để giảm ồn, hãy lái thử để cảm nhận và nếu có thể hay đo độ ồn bằng máy giữa các xe để so sánh.
Còn nếu chiếc xe của bạn không được trang bị các công nghệ này mà muốn giảm tiếng ồn thì cần tìm chính xác nguồn ồn để xử lý, ví dụ như ồn lốp có thể sử dụng các loại lốp “mềm” hơn để giảm âm, ồn từ mặt đường thì gia cố thêm các lớp cách âm trong xe hoặc sơn phủ cách âm gầm…