Dân “đi bụi” trước đây vẫn xếp Y Tý là một trong những cung đường off-road phải chinh phục một lần trong đời. Những cái tên như Lũng Pô, A Lù, Khu Chu Lìn, Mường Hum, Hồng Ngài, Dền Thàng, Thiên Sinh… gần như thuộc lòng trong tâm trí của những ai đã lỡ bước chân tới vùng đất này.
Như một viên ngọc thô ráp còn ẩn giấu giữa đại ngàn, Y Tý đẹp bốn mùa, xuân đầy sắc hoa đào mận, hạ xanh như tấm thổ cẩm của những thửa ruộng mùa đổ nước, thu lại vàng ruộm đầy ấm no của mùa gặt, đông lại là mùa của những biển mây bồng bềnh như tiên cảnh.
Chúng tôi bắt đầu cuộc “săn mây, đuổi nắng” khi cơn gió mùa Đông Bắc mang theo mưa lạnh bao trùm cả vùng. Một kinh nghiệm mà dân “đi bụi” vẫn hay thường truyền tai nhau rằng mây sẽ nhiều sau các đợt không khí lạnh, khi đó nắng sẽ lên “rất ngọt” và mây sẽ rất trắng. Còn nếu tính theo mùa, thì mùa mây ở Y Tý là từ khoảng tháng 11 đến tháng 2 hàng năm và đẹp nhất là vào mỗi dịp Tết.
Hôm đầu tiên, Y Tý chào đón chúng tôi với cái lạnh tới 2 độ C khiến dòng nước suối chảy qua kẽ tay lạnh buốt. Sau giấc ngủ vùi trong chăn ấm, sáng hôm sau Y Tý hết mưa, chúng tôi tỉnh giấc rồi chỉ ít phút sau đã lao mình xuống triền dốc ở Choản Thèn. Dưới hai gốc cây cổ thụ, bữa sáng được bày ra nhanh chóng, một bếp lửa nhỏ đủ để đun nồi nước pha café, bếp kia là nước nấu mỳ với nắm xôi mua vội, thêm chút nhạc, dăm ba loại quả cùng những người bạn đồng hành hợp gu, tất cả đã sẵn sàng cho một bữa tiệc giữa đất trời.
Trước mắt chúng tôi, từng đám mây trắng kéo về đầy ắp thung lũng, thửa ruộng mùa khô đang chờ đổ nước, dòng suối róc rách chảy, người dân Hà Nhì gùi củi về nhà trong giá rét. Cuộc sống đời thường vẫn bình yên trôi qua khiến đám lữ khách chúng tôi bị cuốn vào cơn say chuếch choáng. Say cảnh, say đất trời, say mây, say cả tiếng lá xào xạc mỗi cơn gió qua. Ly café hôm đó có lẽ là ly café ngon nhất từ trước tới nay…
Ngải Thầu Thượng là điểm săn mây quá quen thuộc. Tới đây rồi ngược dốc lên tiếp, ta như đã ở một thế giới khác. Những cung đường quanh co, bé nhỏ dẫn thẳng lên đỉnh núi không dành cho các tay lái non kinh nghiệm đèo dốc. Khi đủ độ cao, vượt lên trên đám sương mù dày đặc ấy là ánh nắng vàng như mật ong, nhìn qua ô cửa kính xe lại là cả biển mây đang bồng bềnh. Bao mỹ từ mà chúng tôi cố dùng để miêu tả có lẽ đều bất lực trước cảnh sắc như thần tiên giữa chốn nhân gian này.
Những đỉnh núi cao nhô lên xanh thẫm giữa biển mây bồng bềnh trắng muốt, ánh mặt trời chiếu rọi mang sức sống cho vạn vật. Dưới mái hiên nhà, cụ già người Hmong đang khâu vá, ngoài sân lũ trẻ con nô đùa, bên vệ đường trên các hòn đá tảng lớn, bao đôi tình nhân đang thì thầm… Trên những chặng đường qua, Y Tý tặng chúng tôi dăm cánh đào sớm đã nở thắm, chút khói bếp nhà ai, tiếng mõ trâu lóc cóc, tiếng gió khẽ qua rừng cây, mây thì cứ tràn qua kẽ tay…
Đã đến Y Tý thì tuyệt nhiên không thể bỏ qua một nét kiến trúc độc đáo, không chỉ giúp người Hà Nhì chống choọi với mùa đông khắc nghiệt, mà còn thể hiện bản sắc văn hóa của họ. Đó chính là nhà trình tường “hình nấm”. Toàn bộ tường nhà được trình từ đất với độ dày chừng 40 – 60cm, có một cửa chính (nếu bếp liền nhà thì có thêm cửa phụ để xuống), không có cửa sổ mà là ô nhỏ thông gió, mái lá lợp bằng cỏ dày tương đương tường nhà. Chúng tôi ngồi đùa vui với lũ trẻ dưới mái nhà mà ngay ngoài vườn kia là cả biển mây trắng như bông, câu chuyện chẳng đầu chẳng cuối vì bất đồng ngôn ngữ nhưng nụ cười trên đôi má ửng hồng ấy thì đẹp, thánh thiện vô cùng.
Y Tý, mảnh đất còn quá hoang sơ được bao bọc bởi dãy núi cao ấy vẫn là chốn lý tưởng để chạy trốn khỏi những xô bô về với thiên nhiên. Nếu thích leo núi, bạn có thể chinh phục Nhìu Cồ San (Sừng Trâu), Lảo Thẩn (Hâu Pông San)… xuyên qua những khu rừng rậm rạp để được đứng trên đỉnh núi nhìn bốn bề là biển mây. Với ai thích tìm hiểu văn hóa sẽ tha hồ “ngó nghiêng” phong tục tập quán, kiến trúc của người Hà Nhì, Hmong, Dao…
Còn bạn, chần chừ gì nữa mà không lập kế hoạch “săn mây, đuổi nắng” ở Y Tý? Lên đường đi nào, tuổi trẻ sẽ chẳng trở lại lần thứ hai đâu…
+ Thời gian: Mùa săn mây Y Tý từ tháng 11 – 2 hàng năm, đây cũng là mùa hoa đỗ quyên.
+ Di chuyển: Bạn có thể đi xe ô tô tự lái lên thẳng Y Tý, hoặc đi tàu (xe giường nằm) để tới Lào Cai (hoặc Sapa) rồi thuê xe máy tới Y Tý. Lộ trình lý tưởng cho cung đường này kéo dài 2-3 ngày…
+ Lưu trú: Y Tý hiện nay đã có nhiều chỗ nghỉ, từ các homestay (cô Si, cô Mỷ, Minh Thương, A Hờ, Anh Thắng… đến phòng nghỉ ngay trong đồn biên phòng Y Tý).
+ Điểm tham quan: Lũng Pô, các cột mốc biên giới, A Lù, Ngải Thầu, Y Tý, Sim San, Hồng Ngài, Lao Chải, Choản Thèn, Nhìu Cồ San, Sàng Ma Sáo, Dền Thàng, Mường Hum, Tả Giàng Phìn, Can Quy Hồ, Ô Quy Hồ, Sa Pa…
+ Kinh nghiệm săn mây: Thường sau đợt gió mùa khi độ ẩm cao tạo nên mù và nắng ngay sau đó, lúc ấy xác suất gặp mây nhiều nhất. Điểm săn mây mà xe ô tô có thể tới được là Ngải Thầu Thượng, còn với xe máy thì có nhiều điểm hơn.
+ Lưu ý: Mặc ấm vì nhiệt độ vào mùa đông rất lạnh, găng tay và mũ là rất cần thiết.