Dự luật này sẽ cho phép chính phủ Mỹ áp đặt các án phạt tài chính với những công ty lạm dụng hoặc để rò rỉ dữ liệu người dùng.
Cùng ngày, một tiểu ban của Ủy ban Thương mại, Khoa học và Giao thông Thượng viện Mỹ đã thảo luận các yếu tố của dự luật, bao gồm khả năng Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) có thể được trao quyền giám sát các công ty viễn thông và phi lợi nhuận, xử phạt hành chính dân sự và ban hành các quy định dưới luật bảo vệ quyền riêng tư trên Internet.
Gần đây, giới lập pháp Mỹ của cả hai đảng đã chỉ trích Facebook, Alphabet (công ty mẹ của Google) và Twitter vi phạm dữ liệu, thiếu các tùy chọn bảo mật trực tuyến và thiên vị chính trị.
Trong diễn biến khác liên quan, ngày 27/11, một liên minh các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng ở Hà Lan, Ba Lan và năm nước Liên minh châu Âu (EU) khác gồm Cộng hòa Séc, Hy Lạp, Na Uy, Slovenia và Thụy Điển đã yêu cầu cơ quan chức năng hành động chống lại Google với cáo buộc lừa dối và âm thầm theo dõi hoạt động đi lại của hàng triệu người dùng, vi phạm quy định bảo vệ quyền riêng tư mới của EU.
Cụ thể, các văn bản đã viện dẫn một nghiên cứu của Hội đồng người tiêu dùng Na Uy, trong đó kết luận rằng Google đã sử dụng “thiết kế lừa bịp và các thông tin sai lệch, dẫn tới hậu quả người dùng chấp nhận bị theo dõi thường xuyên.” Đại diện của Hội đồng người tiêu dùng Na Uy đã chỉ trích Google sử dụng các dữ liệu cá nhân chi tiết và toàn diện mà không có nền tảng pháp lý phù hợp, và thu thập những dữ liệu này bằng nhiều kỹ xảo lừa gạt.
Dựa trên Quy định bảo vệ dữ liệu tổng quát của EU (GDPR) có hiệu lực hồi tháng Năm vừa qua, một công ty vi phạm có thể bị bị phạt tới 4% doanh thu toàn cầu.