– Chị có thấy thoải mái khi người ta gọi mình là hoa hậu không?
– Tôi chưa quen với danh xưng đó đâu. Tôi vẫn là kiểu hứng chí lên thì lái xe rong ruổi, tự sơn tường, sửa ống nước, câu dây điện. Hoa hậu thì phải làm nhiều việc to tát và có ý nghĩa hơn dành cho cộng đồng chứ.
– Điều gì khiến chị tham gia vào một cuộc thi nhan sắc khi đã ở tuổi 30?
– Chắc là do… ông bác sĩ. Tôi mắc bệnh di truyền osteogenesis imperfecta (xương thủy tinh); nếu không phẫu thuật, xương của tôi chỉ cần bị chạm nhẹ vào cũng gãy. Cả nước Mỹ chỉ có 3 bệnh viện nhận chữa bệnh này và cũng không chắc chắn sẽ thành công. Vài tháng trước khi vào phòng mổ, bác sĩ hỏi tôi còn điều gì chưa làm. Lúc đó, tôi hoảng. Trong đời, những chuyện mình muốn như đi hát, mở khách sạn,… tôi đều đã làm được, duy có catwalk là chưa. Trùng hợp là cuộc thi “Mrs. Asia USA International 2017” (Hoa hậu Châu Á Quốc tế tại Mỹ) lúc đó đang sơ tuyển. Tôi liên lạc ngay với nhà thiết kế Hoàng Minh Hà để lên ý tưởng, thiết kế trang phục tham dự cuộc thi. Dù chỉ là thi cho vui nhưng mình cũng phải chuẩn bị chỉn chu nhất có thể. Ai ngờ đâu tôi lại đạt vương miện.
– Có phải danh xưng hoa hậu khiến chị có ý định trở về nước, để dấn thân vào showbiz?
– Làm người nổi tiếng thì cũng thích đấy, nhưng tôi về Việt Nam trước hết chỉ vì muốn ở gần gia đình. Ngoài ra, tôi cũng có kế hoạch mở nhà hàng và lập thương hiệu thời trang riêng.
– Còn 5 năm trước, vì sao chị lại ra đi?
– Tôi phát hiện chồng mình phải lòng người khác. Chưa đầy 24 giờ sau thời điểm đó, tôi mua vé máy bay sang Mỹ. Tôi biết nếu mình không dứt khoát ra đi, câu xin lỗi của chồng sẽ khiến tôi mềm lòng. Dù tha thứ nhưng chắc gì mình đã có thể quên.
– Cuộc sống bên kia đại dương của chị như thế nào?
– Ông tôi vốn là “vua cao ốc” ở Sài Gòn những năm đầu thập niên 70 nên tôi theo nghiệp kinh doanh của gia đình. Sang Mỹ, tôi bắt đầu bằng việc mua nhà rồi sơn sửa, bán lại lấy tiền chênh lệch. Thời gian đầu, tôi gần như thất bại vì cấu trúc nhà, gu thẩm mỹ của họ khác hoàn toàn nước mình. Nhưng khác thì mình học. Tôi còn trả 50USD cho những khách xem nhà chỉ để nghe lí do vì sao họ không mua. Ở đâu mở chợ đồ cổ là tôi lái xe mấy tiếng đến chờ; món nào người ta vứt, tôi lụm về tự sửa chữa để tạo điểm nhấn độc đáo cho ngôi nhà mình bán.
– Vẻ như chị không phải kiểu phụ nữ chịu ngồi yên nhỉ?
– Tính tôi nếu không làm thì thôi, đã làm thì phải cho tới. Chẳng hạn lúc còn là sinh viên ngành kiến trúc, học 5 năm rồi nhưng tôi vẫn không muốn ra trường. Tôi không cần một tấm bằng để lồng kính treo tường. Tôi thích được gặp gỡ các bạn sinh viên mới, để ồ à trước sức sáng tạo của họ. Nhờ thế mà không bao giờ tôi bị lặp lại ý tưởng trong các thiết kế của mình, cả nhà ở lẫn trang phục.
– Phong cách thời trang nào ghi dấu ấn của Saila Nguyễn?
– Cổ điển. Cũng chính vì vậy mà tôi vật lộn cả tháng liền với giấy, thậm chí khoét cả rổ nhựa đặt vào ma-nơ-canh để làm cho bằng được rập đầm phom cong trứ danh của Dior. Phần lớn khách hàng của tôi là người nước ngoài, họ mua theo sở thích chứ không quan tâm nhãn hiệu hay chạy theo trào lưu như người Việt. Khách ở đâu, tôi đến tận nơi lấy số đo, rồi bay sang Linton – xưởng sản xuất vải tweed của Chanel ở Anh để lựa họa tiết, chất liệu. Tiền lời chẳng nhiều nhặn gì, nhưng thấy ai đó mặc trang phục của mình tôi rất vui. Thôi thì cứ sống hết mình với niềm say mê của bản thân.
– Những lúc cạn kiệt tinh thần nhất, chị vin vào điều gì để vượt qua?
– Bạn tin không, tôi chưa từng ủ rũ hay buồn bã. Đi qua lằn ranh sinh tử rồi, tôi thấy cuộc đời mình không có chỗ cho những bi quan. Tôi thuộc típ người nhìn thấy cái thùng rác cũng khen nó đẹp, hoặc chưa đẹp thì tôi sẽ làm cho nó đẹp.
10S Q&A
Cái tên Saila có ý nghĩa gì?
Là từ ghép của Sài Gòn và Los Angeles – nơi tôi đang sống
Tủ đồ của chị có nhiều món gì nhất?
Giày
Dòng nhạc yêu thích?
Jazz, blues
Bộ phim xem nhiều lần không chán?
Tất cả các phim của Audrey Hepburn
Số quốc gia đã đặt chân đến?
30
Điều muốn làm nhất?
Làm cho mẹ vui