Công viên thủy cung Sea Life ở thành phố Sydney của Australia ngày 26/10 thông báo hai con chim cánh cụt Nam Cực là Sphen và Magic đang “hạnh phúc thay phiên nhau chăm sóc con chim non của chúng,” chào đời ngày 19/10 với cân nặng 91 gram.
Trước đó, Sphen và Magic đã thu hút sự chú ý của các nhân viên làm việc tại công viên trên khi liên tục quấn quýt bên nhau, bơi lội cùng nhau và tha đá cuội để tạo một chiếc ổ chung.
Các nhân viên tại đây đã đặt vào đó một quả trứng giả để thử phản ứng của “cặp đôi” này. Khi xác thực được sự chăm sóc tận tâm của “cặp đôi” với quả trứng giả, họ đã đặt một quả trứng thật vào ổ.
Người giám sát loài chim cánh cụt tại Sea Life, Hannan, cho biết hai con chim cánh cụt này có mối liên kết chặt chẽ với nhau bởi chúng có thể nhận ra tiếng kêu và “tiếng hát” của nhau – điều mà chỉ những “cặp bạn tình chim cánh cụt” mới có thể làm được.
Không giống như nhiều loài động vật có vú, chim cánh cụt đực và chim cánh cụt cái đều gánh vác vai trò làm cha mẹ như nhau khi cùng phân chia đều việc ấp trứng và chăm sóc chim con.
Do đó, việc các cặp chim cánh cụt đực hoặc cái kết đôi và thể hiện hành vi sinh sản là điều khá phổ biến.
Tuy nhiên, trong thế giới hoang dã, “mối tình” như trên không cho ra kết quả là một chim con, do đó, nó thường rất ngắn ngủi và rồi các cặp sẽ tự động tách đôi để tìm kiếm cho mình một bạn tình khác.
Quản lý Hanna nhấn mạnh vì đội ngũ nhân viên tại Sea Life đã trao cho Sphen và Magic cơ hội có được một mùa sinh sản thành công, nên rất có thể “cặp đôi” này sẽ tiếp tục ghép đôi với nhau vào mùa sinh sản năm sau.
Đây không phải lần đầu tiên các cặp chim cánh cụt đồng giới bị nuôi nhốt ấp trứng thành công, bởi trước đó, một số vườn thú trên thế giới từng thông báo các trường hợp tương tự.
Tiêu biểu phải kể tới trường hợp 2 con chim cánh cụt đực Z và Vielpunkt tại vườn thú ở Berlin (Đức) vào năm 2009, hay câu chuyện ấp trứng thành con của cặp cánh cụt đực khác có tên Roy và Silo tại vườn thú ở New York (Mỹ).