Theo phóng viên TTXVN tại New York, trong nghiên cứu được công bố ngày 18/10, nhóm nhà khoa học của Đại học Harvard (Mỹ) và một số các trường Đại học Trung Quốc cho biết chất formaldehyde (ở Việt Nam thường gọi là formol), chủ yếu thải từ xe cộ và các nhà máy hóa dầu, thực chất đóng vai trò lớn trong việc gây ra ô nhiễm khói bụi dày đặc và độc hại vào mùa Đông, khiến người dân nước này cảm thấy khó thở.
Nghiên cứu nêu rõ phần lớn lượng sulfur (lưu huỳnh) có trong khói mù là kết quả phản ứng hóa học giữa formol và sulfur dioxide (SO2) đc thải ra từ than đốt.
Trưởng nhóm nghiên cứu Jonathan M. Moch thuộc Đại học Havard cho rằng nghiên cứu của họ cũng chỉ ra cách có thể cải thiện không khí nhanh hơn thông qua việc cải thiện khâu khởi động xe ôtô và đậy nắp cao su vào các đầu ống bơm xăng ở các trạm xăng.
Ông nhấn mạnh những việc làm này tuy đơn giản song phần nào giúp giảm bớt khí độc hại thoát ra môi trường.
Những năm gần đây Trung Quốc đã nỗ lực giảm khói mù bằng cách giảm lượng SO2 thải ra môi trường và nỗ lực này cũng mang lại những cải thiện nhất định về chất lượng không khí ở đây.
Tuy nhiên, với kết quả mới công bố này, giới khoa học đề xuất Trung Quốc chú trọng thêm việc giảm thải chất formol từ xe cộ và ngành công nghiệp hóa dầu vào không khí.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng mặc dù việc giảm khí thải từ các nhà máy hóa dầu, tập trung chủ yếu ở Thiên Tân gần thủ đô Bắc Kinh, sẽ giúp cải thiện tình hình, song điều này được đánh giá là khó khả thi.
Ngoài ra, giải pháp cải thiện môi trường bằng việc giảm đốt than và cắt sản lượng lọc hóa dầu có thể mâu thuẫn với chủ trương phát triển kinh tế của chính phủ Trung Quốc, nhất là trong thời điểm tranh chấp thương mại Mỹ-Trung đang đe dọa tới tăng trưởng kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới này.