Tương truyền rằng Domenic, người được coi là vị Thánh bảo hộ làng Cocullo, có khả năng chữa khỏi nhiều trường hợp bị rắn cắn vào thế kỷ 11. Vì vậy, kể từ năm 1392 trở đi, người dân Cocullo, vốn chủ yếu làm nghề thợ săn, thợ rừng, nơi có nhiều loài rắn sinh sống, đã tạc tượng và tổ chức lễ hội rước tượng Thánh Domenic cùng những con rắn sống để tưởng nhớ và mong sẽ được bình an trước “nọc rắn” trong suốt cả năm.
Sự kiện chính của lễ hội kéo dài khoảng 90 phút, là khi dân làng cùng người chủ lễ rước tượng Thánh Domenic từ nhà thờ chính của làng diễu hành qua tất cả các con phố. Cảnh tượng lễ rước thật kỳ lạ và làm du khách sởn da gà khi người dân nơi đây vắt tất cả những con rắn mà họ bắt được trong các khu rừng lân cận lên bức tượng Thánh Domenic. Những người đi rước tượng cố gắng để các con rắn không rơi khỏi bức tượng Thánh Domenic vì cho rằng điều đó là không may mắn. Khi lễ rước kết thúc, người dân và du khách sẽ được chứng kiến một màn pháo hoa rực rỡ và đẹp mắt.
Khuyến khích phóng viên TTXVN khoác lên cổ một con rắn khá lớn và nói rằng điều đó sẽ mang lại may mắn, Alexandro, một thanh niên tham gia lễ hội chia sẻ: “Số lượng rắn bắt được hàng năm để tham gia lễ hội không cố định. Để bắt được rắn, người đi bắt thường phải là người địa phương và có kinh nghiệm. Việc tìm bắt rắn diễn ra vào khoảng tháng 3 hàng năm và được tiến hành rất cẩn trọng. Những con rắn bắt được chủ yếu là loại không có nọc độc.
Năm 2018, những người đăng ký bắt rắn, được gọi là các “serparo”, chỉ bắt được 92 con rắn trưởng thành cho lễ hội. Ngay sau lễ hội, các con rắn này lại được trả về môi trường tự nhiên với ý nghĩa sẽ che chở cho người dân khỏi những tai ương trong suốt một năm mới.
Điều đáng nói là từ người già, trẻ em cho đến thanh niên sinh sống quanh vùng này đều rất dạn dĩ với loài rắn. Họ thay nhau vuốt ve, khoác những con rắn lớn lên cổ, lên tay trong suốt lễ hội và cho rằng điều đó sẽ mang lại may mắn. Cho đến nay, Lễ hội rước rắn ở Cocullo vẫn được coi là lễ hội kỳ lạ nhất ở đất nước mang hình chiếc ủng.