Việc đầu tiên là kiểm tra xe ô tô thật kỹ, đảm bảo đầy đủ các yếu tố an toàn cho xe. Ở các nước ôn đới, xe ô tô thường có lốp chuyên dụng chạy vào mùa đông. Lốp này được thiết kế bám đường tốt, thậm chí có cả những gai kim loại để phá vỡ băng tuyết. Ở Việt Nam, đa phần dùng lốp chạy mùa hè mà rất ít xe trang bị lốp mùa đông do hiện tượng băng tuyết hiếm khi xảy ra. Do đó nếu có điều kiện, bạn hãy lắp lốp chuyên dụng chạy băng tuyết để được an toàn, còn không thì phải xả bớt hơi trong lốp giúp xe bám đường tốt hơn và lái xe cẩn trọng.
Băng khác tuyết, tuyết trắng rất dễ nhận ra nhưng băng thì khác. Băng thường trong suốt và bám một lớp mỏng, vào cả các khe của mặt đường và như bạn đã biết, nếu vô ý lái xe nhanh vào đây thì chẳng khác nào đi trượt băng… không phanh. Cần giảm vận tốc để xe không bị văng trượt, hạn chế tăng tốc, không di chuyển ở tốc độ cao, tăng khoảng cách với xe trước mặt. Đặc biệt, hạn chế phanh, không nên đạp thắng (phanh) một cách quá đột ngột gây hiện tượng trượt mất kiểm soát.
Hãy bật đèn chiếu gần kết hợp đèn sương mù, nếu không có đèn vàng, thì bạn có thể lấy các tấm đề can hoặc giấy màu dán vào đèn pha (cos), thậm chí là dán ở nhiều nơi khác trên xe sẽ giúp bạn quan sát tốt hơn và cảnh báo cho các xe khác biết. Lúc này cũng là lúc chức năng sấy kính quan trọng hơn bao giờ hết, hãy bật chức năng sấy kính để tránh kính lái bị mờ cũng như giữ không cho hơi nước bám nhiều vào kính. Nếu vô lăng có chức năng sấy hãy bật nó lên, tương tự với ghế ngồi của bạn, tìm phím bấm sưởi ghế.
Nếu trời bị mù, hãy nhìn theo ánh đèn của xe phía trước để có thể định hướng đường đi dễ hơn. Nhưng nhớ giữ khoảng cách an toàn hơn mức bình thường, vì có thể xe bạn cũng là xe dẫn đường cho những xe phía sau. Hãy chú ý quan sát vạch sơn, lề đường, biển báo, hạn chế dừng xe giữa đường, nếu phải dừng nên bật đèn cảnh báo để các xe khác biết.
Trường hợp xe bị sa lầy, lún trên tuyết, đừng cố tăng ga rồ máy bởi như thế chỉ làm xe lún sâu hơn mà thôi. Nếu xe của bạn là hai cầu có khóa vi sai (hoặc dẫn động 4 bánh) thì đây là lúc cần nhất để sử dụng chúng. Hãy xoay tay lái để bánh xe đẩy tuyết ra khỏi đường đi của bạn, nếu vẫn không được thì kiếm một ít cát, rơm, muối, sỏi đá… để xe có điểm bám.
Nếu bạn bị sa lầy, hoặc trượt quá mức mà không thoát xe ra được khỏi khu vực tuyết thì cũng hãy bình tĩnh. Đừng rời khỏi chiếc xe (nếu không gặp nguy hiểm), mở hé cửa kính, bật đèn khấp cấp, có thể đặt thêm tấm biển báo phản quang để thu hút sự chú ý. Đừng tắt máy quá lâu nếu bạn không muốn ống xả bị băng tuyết phủ kín, nếu không đủ xăng hãy mở máy cách quãng. Luôn giữ ấm cơ thể bằng găng tay, áo giữ nhiệt, áo phao…
Những thứ bạn cần chuẩn bị + Một bình xăng đầy. + Lốp xe dự phòng, dây câu bình ắc-quy, bơm xe, bộ dụng cụ sửa xe cơ bản, dây kéo… + Xẻng gấp, chổi, dụng cụ cào tuyết, một túi cát, muối hoặc búi rơm là cần thiết + Túi y tế với đầy đủ thuốc cơ bản, miếng dán giữ nhiệt, bật lửa, đèn pin đủ điện + Có thể mang thêm cồn khô để sử dụng khi cần thiết, đồ ăn khô nhiều năng lượng, nước uống và có thể cả nước dinh dưỡng. + Về trang phục, nên mặc áo giữ nhiệt bên trong, áo phao chống gió phía ngoài, găng tay, quần ngăn gió có lớp giữ nhiệt, mũ, chăn mỏng và nếu còn chỗ thì nên mang theo một chiếc lều. |
Nhưng nơi có băng tuyết tại Việt Nam Theo những thông tin mới nhất mà Đẹp cập nhật, những nơi hay có băng tuyết nhất là: SaPa, Y Tý của Lào Cai; Mẫu Sơn của Lạng Sơn; Phia Oắc ở Cao Bằng; Tà Xùa ở Sơn La; Đồng Văn – Mèo Vạc ở Hà Giang; miền Tây của Nghệ An (đỉnh núi cao), đèo Ô Quy Hồ (giữa Lào Cai và Lai Châu)… |