Mù Cang Chải nằm cách Hà Nội chỉ hơn 300km, nghe tên có vẻ là xa xôi lắm, nhưng giờ đây là điểm đến của rất nhiều đoàn khách du lịch cả trong nước lẫn quốc tế. Với chúng tôi, xứ Mù không hề xa lạ, mỗi mùa lúa đổ nước rồi lúa chín chúng tôi đều qua đây.
Nhưng chuyến đi lần thứ mấy mươi này vẫn làm cho cả đoàn chộn rộn. Hà Nội tiễn chúng tôi bằng cơn nắng nhẹ giữa mùa thu, đi ngược lại dòng người hối hả từ ngoại thành vào nội đô cho kịp giờ làm. Trong nắng sớm, chúng tôi nhanh chóng qua Thanh Sơn với những đồi chè xanh ngút tầm mắt, vượt đèo Khế, rồi đèo Ách. Nếu ai mê mẩn hương vị của chén trà shan tuyết thì Suối Giàng là nơi lý tưởng để thưởng thức, những gốc chè cổ thụ cả người ôm nằm trên đỉnh núi quanh năm mờ sương cho ra thứ chè thượng hạng nhất. Cả đoàn lại xuôi dốc Bồ Hòn hướng về Nghĩa Lộ đến khi thoảng nghe trong gió mùi của rơm rạ, của lúa chín là lúc xứ Mường Lò chào đón.
Chỉ mới giữa thu thôi mà thung lũng Tú Lệ đã bắt đầu lạnh se sắt, cái hơi lạnh phả ra từ ba ngọn núi Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song vây quanh. Chúng tôi đi giữa thung lũng khi ánh chiều tà đã về, từng tia nắng cuối ngày chiếu xuống cả cánh đồng càng làm dậy thêm mùi của lúa nếp. Nếp Tú Lệ đã nổi tiếng khắp cả vùng Tây Bắc, cái thứ gạo mà không nơi nào có, được bà con người Thái, người Mông trồng một năm một vụ. Thứ xôi được nấu lên từ loại nếp này chẳng cần phải thêm đỗ, thêm lạc, thêm dừa mà vẫn đem lại vị ngọt rất riêng của rừng núi. Vị ngọt ngào, vừa đủ ngậy mà không quá béo, vừa đủ độ mềm dẻo mà không hề ướt hay khô để người sành ăn nhất cũng phải tấm tắc.
Con đường lên Lìm Mông nằm lọt mình giữa những nương lúa đang được đất trời nhuốm lên một màu vàng rực, dòng suối chạy xuyên qua giữa thung lũng càng làm cảnh vật trở nên kỳ ảo hơn. Chúng tôi nhích ga thật chậm để lên đèo Khau Phạ – có nghĩa là “chiếc sừng trời”, một trong tứ đại đỉnh đèo của nước Việt khi mặt trời vừa kịp ló sau dãy núi và chiếu xuống những con đường. Đứng trên đỉnh đèo nhìn xuống thung lũng Cao Phạ mới thấy được màu no ấm.
Thật khéo khen cho bàn tay những người nông dân, qua bao đời chỉ gắn bó với mảnh đất này mà vẽ nên giữa đất trời những đường cong đẹp đến thế. Lẫn giữa màu vàng của lúa là màu của váy áo, cô gái người Mông váy sặc sỡ đang khom mình gặt lúa, cô gái Thái với tà áo trắng tinh khôi đang đập lúa cùng những chàng trai. Đó, bức tranh mùa gặt của miền núi luôn đầy màu sắc như thế. Từ xa xưa cho tới tận bây giờ, dường như vẫn không có gì thay đổi.
Chúng tôi đi giữa con đường 32 thênh thang nên đâu có gì vội vã. Rẽ vào La Pán Tẩn, rồi từ đó men theo con đường mòn của người dân đi làm nương để lên Tả Chí Lừ. Tuyến đường đất rất nhỏ với nhiều dốc cao, có cả nước chảy giữa đường làm chúng trở nên trơn trượt. Con đường mòn nhỏ khiến chúng tôi khá chật vật. Tuy nhiên, ông trời luôn rất công bằng. Bù đắp lại những mệt nhọc của cung đường là cảnh sắc nơi đây. Cả thung lũng Tả Chí Lừ bừng lên trong nắng, nhuộm vàng cả một góc trời.
Chúng tôi dường như không thốt được nên lời, chỉ biết ngồi xuống bên vệ đường và ngắm cho thỏa thích. Ông bạn đi cùng vốn cũng là dân nhiếp ảnh, sau vài cú bấm máy xạch xạch cũng đã chịu ngồi yên, rồi ông nói là không biết làm sao để chụp hết được vẻ đẹp nên thôi đành giữ lại bằng mắt vậy. Cả xứ Mù mùa này đều bừng lên những sắc màu, màu của nắng thu miền núi, màu của lúa vàng, của váy áo, của cả cuộc sống bình dị nơi miền sơn cước.
Tú Lệ, Khau Phạ, La Pán Tẩn, Tả Chỉ Lừ… cũng chỉ là những góc nhỏ của đất trời nơi đây. Nếu có thời gian, tôi khuyên bạn hãy đi xe máy vào sâu trong Chế Cu Nha, Thào Chua Chải, Dế Xu Phình… để “cảm” và “thấm” hơn vẻ đẹp của núi rừng cũng như sự tài hoa của những bàn tay người Mông. Những bàn tay từ ngàn đời đã vẽ những đường nét, tô màu no ấm cho cả khung trời Tây Bắc. Đừng ngại ngần, hãy sà vào căn nhà ven đường, người Mông vốn rất hiếu khách, bữa cơm mới sẽ khiến bạn không thể nào quên mà cứ muốn ăn mãi không thôi….
Mù Cang Chải, 21/09/2017