Khi “em yêu anh” chỉ là phép thử…
Cách đây hơn 2 năm, một cô gái đã đăng trên FB cá nhân như sau: “Chơi trò này không các chị ơi. Bây giờ lấy điện thoại nhắn tin cho chồng ‘Em yêu anh’. Đợi xem phản ứng của các ông ý thế nào rồi chị em mình post kết quả lên đây ha”.
Ngay lập tức cả cộng đồng mạng sốt xình xịch không chỉ bởi sự hưởng ứng đầy hào hứng của các bà vợ, mà còn là những tin nhắn “reply” không thể bá đạo hơn của các ông chồng. Nhẹ thì “Đang ăn xém sặc”; “Đã nộp lương rồi mà”, nặng thì: “Vợ bị điên như thế từ bao giờ?”; “Làm gì có lỗi phải không”; “Định giở trò gì đây”; “Nhắn nhầm cho thằng nào?”; “Bệnh hả?”…, còn những tin nhắn đối đáp kiểu như: “Anh cũng yêu em” được chị em trầm trồ ganh tị và liệt vào hàng “quý hiếm”.
Sau khi cười ngả nghiêng với những tình huống hài hước, người ta mới nhận ra một sự thật không hề đáng… cười, ấy là vì sao một tin nhắn với ba chữ thiêng liêng “Em yêu anh” lại bị phản ứng theo trăm ngàn cách dị thường, đầy nghi hoặc, thậm chí tiêu cực đến thế, nhất là với các cặp đôi mà “gạo đã nấu thành cơm”.
Lý do có lẽ là từ lâu người ta quên mất thói quen bày tỏ yêu thương một cách tự nhiên và cần thiết, quên mất cách nói lời yêu thường xuyên với bạn đời. Ngay cả cô gái khởi xướng phong trào gửi tin nhắn “Em yêu anh” cũng như các bà vợ đều coi đó là “trò chơi” đấy thôi, vậy trách chi những phản ứng tiêu cực của phe bị lôi vào “phép thử” một cách bất đắc dĩ!
… và khi “Em yêu anh” là bí quyết giữ lửa
Bạn biết vợ chồng nhà thiết kế Hà Trương chứ? Nếu bạn chưa biết thì bạn có thể hình dung rằng đó là cặp vợ chồng lãng mạn đến mức, mỗi khi xuất hiện họ đều khiến không gian trở nên đặc quánh vị ngọt và những người xung quanh không cách nào thoát khỏi cảm giác ngưỡng mộ, ghen tị vì những cử chỉ họ dành cho nhau. Hà Trương từng chia sẻ, sự lãng mạn là điều chưa bao giờ đi vắng trong cuộc hôn nhân 15 năm và có với nhau 2 mặt con của vợ chồng cô ấy.
Sự lãng mạn của vợ chồng Hà Trương được định nghĩa theo rất nhiều cách. Đó có thể là buổi hẹn hò sau giờ làm và trước khi về nhà cùng các con, là món quà nhỏ không nguyên do dành cho đối phương, là những chiếc bánh quy thơm lựng ngọt ngào bên ly cà phê khởi đầu một ngày mới, hay khơi mào cho những câu chuyện chưa bao giờ bớt thú vị của hai vợ chồng trên chiếc sô-pha buổi tối…
Sự lãng mạn của Hà Trương có khi phải chuẩn bị rất cầu kỳ, như cách cô vờ rủ chồng ra ngoài đi dạo rồi đưa thẳng anh ấy đến sân bay, bắt đầu một kỳ nghỉ riêng tư mà cô đã âm thầm tự lo từ A đến Z. Nhưng cũng có khi, sự lãng mạn lại chỉ mất vài giây và chẳng tốn một đồng xu, ấy là những tin nhắn mỗi ngày mang kí hiệu #LU (Love U) trong điện thoại hay trên mẩu giấy nhắn nhủ yêu thương đặt sẵn ở bàn ăn.
Vì chồng Hà Trương là người Pháp, nên cái “lãi” lớn nhất mà cô học được trong suốt 15 năm ấy là cách yêu và hưởng thụ cuộc sống một cách trọn vẹn nhất, đồng thời cũng kiểu cách nhất của người Pháp. Kiểu cách – chắc hẳn không ít người nghĩ đó là sự rườm rà, sến súa, khách sáo… Cũng chính vì sợ kiểu cách mà hầu hết các cặp đôi đều trì hoãn lời yêu, ngại thể hiện tình cảm với người đầu gối tay ấp, từ đó quên mất rằng kiểu cách trong tình yêu hóa ra lại rất cần.
Bởi lời yêu cần phải nói, như đói cần phải ăn, chứ không chỉ là phép thử để đổi lại những nụ cười… ra nước mắt!