10 ngày 3.000km xuyên... Lào! - Tạp chí Đẹp

10 ngày 3.000km xuyên… Lào!

1 tháng chuẩn bị cho 10 ngày

Từ lâu mình đã nung nấu một kế hoạch “xuyên Đông Dương”. Từ bữa tự lái Focus từ Manila đi Subic (Philippines) càng thấy xuyên Đông Dương không quá xa tầm tay.

“Bỏ qua” Campuchia vì đường bên ấy “uni-tay lái”, thuận-nghịch họ lái tuốt, xe thậm chí chẳng cần đeo biển số, nhìn mà thấy ngán, Lào “là sự lựa chọn cuối cùng” vì nghe nói bên ấy đường thì tốt mà người thì hiền, lại cùng tay lái thuận giống Việt Nam (đi nhiều mới biết hóa ra trên thế giới này “bọn nghịch” (tay lái) đông lắm, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Nhật Bản toàn lái nghịch cả).

Quyết định điểm đến rồi, bắt đầu “bơi” trên mạng để tìm kiếm thông tin và search bản đồ đường đi, nhảy vào cả chục diễn đàn để tìm “đồng bọn”. Dân đi bụi bằng xe tự lái sang Lào cũng không đến nỗi quá hiếm và rất nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm. Có điều, hình như chưa có người nào làm một tour trọn vẹn từ Hạ Lào ngược lên Thượng Lào hay ngược lại vì vậy rất nhiều đoạn đường mịt mù thông tin.

Không còn cách nào khác là tự sắm hai quyển guide book rất hữu ích: một là cuốn Laos của Lonely Planet, hai là cuốn Rough Guide to Southeast Asia, mờ mắt để đọc và đánh dấu những thông tin rất cần thiết sau này! Và hữu ích nhất là những thông tin giúp điền vào tờ khai xin xuất nhập cảnh cho “con ngựa sắt” – chiếc xe Terios thân yêu của mình.

Điểm này vô cùng quan trọng: lộ trình vạch sẵn định đi qua cửa khẩu nào, tỉnh thành nào của Lào thì phải nhớ điền đầy đủ và chính xác, nếu không, qua đó sẽ bị giữ xe lại như chơi !

Cũng không thể quên một “thủ tục” quan trọng không kém: mang xe đi khám sức khỏe tổng quát (làm dịch vụ ở Toyota Bến Thành rất chuyên nghiệp và mau lẹ, thử rồi biết), chuẩn bị một bơm điện đề phòng xịt lốp, roaming điện thoại đề phòng có chuyện gì cần… cấp cứu (vụ này có chuyện, để kể sau) và… khăn gói lên đường.

TP.HCM – Kontum 600km

Xuất phát từ TP.HCM thì cửa khẩu sang Lào thuận lợi nhất là Bờ Y (có chỗ còn ghi là Pờ Y), thuộc thị trấn Pleikần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kontum. Bờ Y được mệnh danh là “ngã ba Đông Dương”, nối liền 3 tỉnh Kontum (Việt Nam) với Attapeu (Lào) và Se Kong (Campuchia). Nhưng trước khi qua Bờ Y, thì thị xã Kontum quả là một chốn dừng chân đáng giá trên suốt cuộc hành trình. Trước hết, con đường 14 từ TP.HCM đi Kontum khoảng 600 km (băng qua các tỉnh Bình Dương, Đak Nông, Đak Lak, Gia Lai) ngốn trọn vẹn 1 ngày sau tay lái, đặc biệt là khúc TP.HCM – Bình Dương “nghẹt” các trạm soát vé và khá đông xe.

Sau nữa, địa hình dốc quanh co của Tây Nguyên, với hai bên là những rừng tếch, rừng cao su và rừng thông bạt ngàn, sẽ là “bài khởi động” rất quan trọng và thú vị cho cả một hành trình dài phía trước. Và thị xã Kontum có lẽ là thị xã Tây Nguyên nhất còn lại trong các thị xã Tây Nguyên nổi tiếng khác nhưng màu bazan đã phai nhạt nhiều: Tòa Tổng giám mục, Nhà thờ gỗ, Cầu treo, hay chỉ là những ngôi nhà sàn đặc trưng của văn hóa Tây Nguyên vẫn hiện diện ngay trên các con phố…

Bờ Y – Attapeu – Pakse: 600km băng qua rừng đại ngàn

Ngã ba Đông Dương xem ra thua xa Mộc Bài về sự tấp nập. Bên mình thì nhà xây hoành tráng, nhưng chỉ có mỗi… hai anh nhân viên ngồi làm việc, một bên hải quan, một bên công an, thủ tục nhanh gọn, vèo một cái là xong dấu xuất cảnh.

Bên phía bạn thì đủng đỉnh hơn nhiều: chỗ này đóng dấu hộ chiếu, chỗ kia đóng dấu xe, chỗ khác đóng tiền, chỗ nữa bán bảo hiểm xe, tất cả đều cặm cụi viết tay chứ không thao tác trên máy vi tính như các anh hải quan, công an nhà mình. Nói chung cuộc sống ở Lào và người Lào là như vậy. Họ chẳng có gì sốt ruột cả, cứ đủng đỉnh, kiểu gì cũng tới nơi.

Nhưng đường Lào thì khác hẳn. Con đường 18, sau đó nhập với đường 13, nối hai tỉnh cực nam Hạ Lào là Attapeu và Champasak do Việt Nam giúp Lào xây dựng cách đây không lâu, như một dải lụa len lỏi giữa rừng đại ngàn. Khá nhiều dốc, nhiều cua tay áo, nhưng chất lượng đường “chuẩn”, lại đặc biệt vắng, đi cả giờ đồng hồ gần như chẳng gặp một chiếc xe nào, cũng không thấy một ai trên đường, nên cảm giác xe lướt như ru, không lo tránh, không lo đạp phanh và cũng không lo… bị bắn tốc độ.

Lái xe ở Lào, phải nói là lý tưởng cho tất cả những ai thích lái xe, kể cả những người mới biết lái. TP.HCM lên Kontum ngốn trọn 1 ngày nhưng chỉ cần một nửa thời gian như thế để đặt chân Pakse, thủ phủ tỉnh Champasak, dù quãng đường có độ dài tương đương. Bình yên nằm bên dòng sông Mekong, Pakse và Champasak là chốn du lịch khám phá lý tưởng. Nơi có đền Wat Phou, di sản thế giới, chốn phát tích của Angkor; có thác Khôn lớn nhất Đông Nam Á, có quần thể 4.000 hòn đảo…

Uống bia Savannakhet và massage trong đền thờ ở Vientiane

Từ Pakse đi Savannakhet 300 km, từ Savannakhet đi thủ đô Vientiane 450 km, băng qua toàn bộ miền đất Trung Lào hoàn toàn bằng phẳng, nên đây là đoạn đường dễ lái nhất và có thể lái nhanh nhất. Lời cảnh báo duy nhất trên đoạn đường này là: cẩn thận ngủ gật (do đường êm ái quá, vắng vẻ quá) và cẩn thận với… bò (chúng rất thích dạo chơi trên đường, thậm chí điềm nhiên nằm nhai cỏ ngay chính lộ nữa!).

Savannakhet, cái tên ấy từ lâu đã quá quen thuộc với người Việt, là một trong 3 thành phố lớn của Lào, cũng là thành phố gần kề Việt Nam nhất. Nếu lái xe từ Đông Hà, qua cửa khẩu Lao Bảo buổi sáng thì buổi chiều đã có thể gác chân uống bia Lào ở Savannakhet.

Bia Lào, chỉ nói chuyện bia Lào thôi đã có thể hết ngày. Để ngắn gọn thì chỉ có thể khuyên bất cứ ai qua Lào, hãy quên ngay Heineken hay Tiger hay bia gì gì đó đi, mà phải gọi: BeerLao, để rồi cái hương vị đậm đà ấy sẽ còn ám ảnh suốt! Tất nhiên nếu còn phải lái xe thì nên nhịn tới Vientiane.

Vientiane, biết nói thế nào trong mấy dòng chữ đây, một thủ đô nhỏ bé nhất trong những thủ đô mình đã từng đi qua, mà mỗi ngóc ngách dịu dàng, thanh tịnh của nó đều có những điều thú vị để khám phá.

Một quán ăn đặc Lào với cá Mekong nướng, món lạp Lào, cơm xôi hay một chút rau rừng có cái tên khó nhớ…, tất cả đều thơm ngon lạ lùng. Ở đây phải mở ngoặc giải thích là đồ nướng ở Lào thì hơn đứt ở ta, kể cả chân gà nướng. Đơn giản vì người Lào nướng đồ ăn (hay làm bất cứ cái gì) cũng chậm rãi hết, nướng chậm, than vừa, không sốt ruột, không cần chín ngay, nên đồ nướng chín thật từ từ, thật thấm.

Tất nhiên, vì thế nên gọi món ở Lào đừng có sốt ruột! Một quán bia với đồ Tây tuyệt ngon và không gian bài trí xét về độ văn minh thì hơn đứt khối nhà hàng tên tuổi ở Sài Gòn hay Hà Nội. Và san sát những đền đài, chùa chiền, bảo tàng hàng trăm năm tuổi nằm yên bình trên những con phố yên bình.

Ở một ngôi đền như thế, nằm gần ngoại vi Vientiane, tôi đã thử massage truyền thống của Lào, một kiểu sauna và massage lạ lùng có lẽ… chỉ có ở Lào (sẽ dành kể vào một dịp khác)!

Nhưng không thể không nói tới giao thông ở Vientiane văn minh đến không ngờ. Lái xe trên đường phố Vientiane có cảm giác như đang lái xe ở một vùng đất nhỏ nào đó trên đất… Mỹ hay châu Âu vì cách lái xe điềm đạm, nhường nhịn và tôn trọng luật lệ giao thông của mọi người. Không có tiếng còi xe trong thủ đô Vientiane và hình như cũng không có tiếng còi xe trên cả nước Lào!

Mua xăng vỉa hè và choáng ngợp Luang Prabang

Từ Vientiane ngược cố đô Luang Prabang không còn đường bằng, mà bắt đầu là những cung đường đèo dốc, cua tay áo, nơi thử thách những tay lái lụa và sự mạnh mẽ của những “con ngựa sắt”, đặc biệt là hơn 100 km từ ngã ba Phou Khoun. Về độ khó, có thể không bằng đèo Hải Vân, nhưng nếu Hải Vân chỉ có 22 km, thì ở đây là 100 km liên tục đèo. Song nhờ cung đường thử thách này vòng eo của bạn sẽ nhỏ đi trông thấy (!) và Luang Prabang hiện lên ở cuối chặng đường càng trở nên vô cùng giá trị!

Nhưng có một chi tiết ai đi sau cần lưu ý, là suốt quãng đường gần 400 km từ Vientiane lên Luang Prabang sẽ không có cây xăng nghiêm chỉnh nào. Bắt buộc phải mua “xăng của nhân dân” đong 5 lít một và đắt hơn “xăng nhà nước” một tí (xăng ở Lào đắt hơn ở Việt Nam, khoảng 15.000 đồng/lít).

Từng là kinh đô của đất nước Lan Xang thời vua Fa Ngum, Luang Prabang là nơi “không thể không tới” của nước Lào ngày nay. Choáng, không bởi những đền đài tráng lệ, mà ngược lại, Luang Prabang đẹp một cách bình thản và giản dị, đẹp vì sự hài hòa của quá khứ đền đài và hiện tại thành phố du lịch được UNESCO liệt vào danh sách Thành phố di sản thế giới, bình thản trên từng bước chân của các tăng lữ bắt đầu nghi lễ khất thực vào mỗi buổi tinh mơ, khi mặt trời chưa lên, bình thản cả nơi chợ đêm chơi chợ nhiều hơn là để buôn bán. Có lẽ hiếm nơi nào trên thế giới quay cuồng này còn giữ được nhịp sống bình thản như vậy…

Cửa khẩu Lào – Namsoi. Đền tháp cổ nhất Luang Prabang.

Phiêu lưu ngược dốc Xam Nua

Tạm biệt Luang Prabang, mình đã không quay lại Phou Khoun để rồi về Xam Nua theo đường Xieng Khoang như lời khuyên của một vài người bạn. Một phần vì không muốn quay lại đường cũ, phần nữa muốn tiếp tục lên cao, nên chiếc Terios lại quay đầu ngược lên phía Bắc. Hành trình này sẽ băng ngang tỉnh Hua Phan để đến Xam Nua ở độ cao 1.500 mét. Không phải là chặng đường dài nhất, nhưng là chặng đường “kinh hoàng” nhất, vì dốc cao, cua gắt và đường hẹp.

Người bị vặn lắc kinh khủng và có những lúc xe ì đến mức tưởng có chuyện gì trục trặc. Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/Hồn về Sầm Nứa (Xam Nua) chẳng về xuôi (thơ Quang Dũng) chính là đây. Mình chưa lái xe qua đèo Pha Đin, còn tất cả các con đèo khác ở Việt Nam cộng lại chưa chắc bằng… một đèo Xam Nua! Chưa ở đâu những con dốc 10 độ, thậm chí 12 độ lại liên miên đến như vậy. Nhưng lên tới “đỉnh” thì cảm giác của người chinh phục thật tuyệt vời.

Na Mèo ơi Na Mèo

Cuối cùng thì mình cũng đã vượt một chặng đường dài, chỉ còn 80 km nữa từ Xam Nua tới cửa khẩu Na Mèo là chạm bánh xe tới đất Việt Nam. 10 ngày, từ vùng nắng chói, áo cộc tay vẫn còn thấy bức đến nay áo lông áo da giày cao cổ mà môi vẫn còn run. Quãng đường ngắn nhất trong suốt 10 ngày qua, lại là quãng đường đi chậm nhất, vì cảnh hai nên đường quá đẹp, những thung lũng hoang vắng, những thác nước trắng lóa, những cây cổ thụ kỳ ảo… nên cứ phải dừng lại để xuýt xoa chiêm ngưỡng.

Còn cái vụ điện thoại roaming, bây giờ mới kể, là sau khi đặt cọc cho Mobifone 5 triệu để hí hửng “kết nối mọi nơi mọi lúc”, qua tới biên giới và suốt 10 ngày ở “ngoại quốc” thì “em điện thoại” luôn báo với mình rằng: Dịch vụ giới hạn! May mà mua thẻ điện thoại bên Lào cũng rẻ mà tiện, gọi thoải mái cả về Việt Nam trong 10 ngày vừa hết 100.000 đồng!

Về tới cửa khẩu Nam Soi (bên Lào) và Na Mèo (bên Việt) mới biết: suốt 3 ngày qua chưa có xe nào qua cửa khẩu, nên cán bộ hai bên tranh thủ… nghỉ ngơi và đi chơi chúc Tết. “Tóm” được vị khách mở hàng đầu năm, anh em hải quan công an như gặp được người nhà. Tíu tít pha trà tiếp khách, lại còn ép ở lại ăn cơm, tặng phong lan rừng… Ôi chao, có lẽ duy nhất nơi đây du khách làm thủ tục xuất nhập cảnh được hưởng đặc ân rất con người này. Na Mèo ơi Na Mèo!

Xe vừa lăn bánh qua cửa khẩu, cảm giác hụt hẫng như vừa bị mất một cái gì rất lớn. Thầm nhủ: mình sẽ quay lại, mình sẽ quay lại, Na Mèo ơi!

Thủ tục mang xe qua Lào rất đơn giản

Chỉ cần tới Sở GTCC thành phố (TP.HCM ở 63 Lý Tự Trọng, Q.1) để được hướng dẫn và cấp phép liên vận Việt Nam – Lào. Hồ sơ gồm: đơn đề nghị cấp giấy phép liên vận Việt – Lào, tờ khai đề nghị cấp giấy phép liên vận Việt – Lào, giấy chứng nhận đăng ký phương tiện (bản sao), giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (bản sao), giấy phép lái xe (bản sao). Thời hạn cấp phép cho xe cá nhân đi việc riêng tối đa không quá một tháng.

Lệ phí cấp giấy phép là 50.000đồng/lần/xe. Thời gian giải quyết không quá hai ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Thủy Phạm

Thực hiện: depweb

11/03/2009, 23:25