Chiếc xe đã ghi tên Ford Motor vào lịch sử của ngành công nghiệp ôtô thế giới là chiếc xe mà giờ đây chúng ta rất khó có thể nhìn thấy (trừ khi vào bảo tàng), nhưng tên nó vẫn sống mãi: Model T Ford. Là chiếc xe đầu tiên trong lịch sử ngành công nghiệp ôtô được lên dây chuyền sản xuất hàng loạt – giúp giá thành xe giảm đáng kể lúc bấy giờ (năm 1913), khiến Model T trở thành một trong những chiếc xe thành công nhất mọi thời đại.
Năm 1918, tức là 5 năm sau khi xuất xưởng, Model T chiếm tới 50% số xe ôtô tại Mỹ. Đến khi ngừng xuất xưởng vào năm 1927, đã có trên 15 triệu chiếc Model T xuất xưởng. Sau Model T, Model A tiếp tục chuỗi thành công vang dội của Ford trên thị trường Mỹ với trên 4 triệu chiếc xuất xưởng trong vòng 4 năm.
Ford Motor trở thành một biểu tượng của nước Mỹ trẻ trung và hùng mạnh. Ngày nay Ford Motor có trụ sở chính – Glass House tại Dearborn, thuộc bang Michigan, Mỹ. Ngoài ra các nhà máy của Ford trải rộng trên toàn thế giới, từ Canada, Mexico, Brazil, Argentina, tới Anh, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, sang cả châu Phi, Úc, Trung Quốc và Đông Nam Á.
Tiêu biểu cho sức mạnh và văn hóa Mỹ, Ford đơn giản thể hiện vẻ đẹp hiện đại, khỏe khoắn và sức mạnh, không màu mè và cũng không căn cơ tiết kiệm. Truyền thống trong một thời gian dài của Ford là những chiếc xe bán tải và xe thể thao đa dụng to lớn, có không gian rộng rãi, trang bị động cơ mạnh mẽ. Có bộ khung vững chắc, xe Ford được đánh giá cao ở độ đầm chắc, an toàn khi xảy ra va chạm và có độ bền cao (mặt trái của nó là các thế thệ trước của Ford bị “định kiến” hao xăng hơn xe Nhật).
Thập niên 1990 là thời kỳ hoàng kim của thương hiệu đặc Mỹ này. Số lượng xe khổng lồ của Ford bán ra thị trường toàn cầu được ví với quả bom trong nền kinh tế Mỹ. Giá nhiên liệu xuống thấp khiến cho Ford thả sức phô diễn sức mạnh với Escort, Taurus hay chiếc SUV hạng trung Explorer. Thời gian này, bên cạnh việc tiếp tục phát triển dòng xe Ford bình dân, Ford đã vung tiền mua hàng loạt các thương hiệu sang trọng như Jaguar, Aston Martin, Land Rover và Volvo.
Gắn với thời hoàng kim là mẫu xe danh tiếng nhất của Ford: Mustang. “Con ngựa hoang” này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1964 và sau đó đã trở thành huyền thoại của Ford và cũng là huyền thoại của nền công nghiệp xe hơi Mỹ. Mustang nổi tiếng nhờ thiết kế phá cách và đi trước thời đại. Cùng với Chevrolet Camaro và Dodge Challenger, Mustang đại diện cho thời hoàng kim của ngành công nghiệp xe hơi Mỹ, đây cũng là ba trong số những chiếc xe Mỹ danh tiếng nhất.
Nhưng rồi qua thập niên 1990, giá xăng dầu leo thang, nền kinh tế khủng hoảng đã dội nước lạnh vào “quả bom” của nước Mỹ. Để đối phó với những thay đổi của thị trường, Ford phải từ bỏ truyền thống gắn liền với những chiếc pick up và SUV cỡ lớn để chuyển sang những dòng xe thực tế hơn, thực dụng hơn: SUV “biến thành” Crossover SUV như Edge hay Escape, phát triển dòng xe nhỏ như Focus, Fiesta, Ka và bắt đầu bước vào kỷ nguyên của xe hybrid.
Từ phong cách Mỹ thuần chủng cơ bắp, Ford chuyển sang phong cách toàn cầu với thiết kế trau chuốt, mềm mại hơn và áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất để tăng cường sức mạnh động cơ nhưng lại tiết kiệm nhiên liệu. Nhờ những thay đổi linh hoạt này Ford được dự đoán sẽ nhanh chóng thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế nặng nề đang kéo chìm toàn bộ nền công nghiệp ô tô nước Mỹ, trong khi cả GM lẫn Chrysler đều phải tuyên bố phá sản!
Và mặc dù đã phải chia tay với hàng loạt thương hiệu danh tiếng mà Ford đã mua về trước đó như Jaguar và Land Rover được bán cho Tata Motors (hãng xe lớn nhất Ấn Độ), Aston Martin được bán cho một nhóm nhà đầu tư khác, nhưng hiện tại Ford vẫn còn nắm giữ ba thương hiệu cao cấp là Lincoln, Mercury và Volvo, 13,4% cổ phần của Mazda, bên cạnh thương hiệu Ford với nhiều model thuộc các dòng xe du lịch, xe nhỏ, xe thể thao việt dã SUV và xe bán tải pick up.
Xe Ford khá quen thuộc ở Việt Nam từ trước năm 1975, đặc biệt là khu vực phía Nam, với nhiều model thuộc loại “cổ kính” như Galaxie, Falcon, Mercury, thậm chí cả Mustang và Thunderbird. Năm 1995, liên doanh sản xuất xe hơi Ford Việt Nam chính thức thành lập với nhà máy đặt tại Hải Dương và là liên doanh sản xuất xe hơi có vốn đầu tư lớn nhất (110 triệu USD) với các sản phẩm phong phú ở nhiều dòng xe.
Ở dòng xe du lịch, đáng chú ý là Focus (compact sedan – xe du lịch cỡ nhỏ) và Mondeo (midsize sedan – xe du lịch hạng trung). Cả hai mẫu xe này đều được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu, trong đó Focus là chiếc xe bán chạy nhất của Ford tại thị trường châu Âu nổi tiếng khó tính, được thiết kế trẻ trung và thời trang, rất phù hợp với các tay lái nữ.
Focus cũng là chiếc xe Mỹ bán chạy nhất tại châu Âu kể từ năm 2000. Trong khi đó Mondeo phiên bản mới nhất vừa ra mắt bản lắp ráp trong nước vào cuối tháng 7 vừa qua là hình ảnh tiên phong của ngôn ngữ thiết kế mới – thiết kế Kinetic, độc đáo, sang trọng và ấn tượng.
Ở dòng xe thể thao đa dụng SUV, một thời gian dài Ford Việt Nam độc chiếm phân khúc xe SUV nhỏ (compact SUV) với chiếc Escape – đây cũng là con át chủ bài của Ford ở nhiều thị trường khác trên thế giới. Ở phân khúc xe SUV cỡ lớn, Ford có Everest, một trong những chiếc xe đa dụng SUV 7 chỗ bán chạy trên thị trường thời gian qua.
Tương tự với dòng compact SUV, Ford cũng độc chiếm thị trường xe bán tải pick up ở Việt Nam với chiếc Ranger, một trong nhưng sản phẩm chiến lược toàn cầu của Ford Motor. Thế mạnh của các mẫu xe đương đại của Ford là sự tiên phong về thiết kế hiện đại, cá tính. Nhà sản xuất này cũng chú trọng đến vấn đề tiết kiệm nhiên liệu – trên đường đi Philippines, người viết bài này đã thử test nhiên liệu chiếc Focus 2.0L diesel và kết quả thật đáng kinh ngạc: chiếc xe chỉ tiêu thụ hết 5,6 lít dầu/100km! Tuy nhiên, điểm mạnh trong thiết kế tiên phong với ngôn ngữ mới của Ford đôi khi lại là điểm yếu trong phát triển khách hàng của thương hiệu này ở châu Á, trong đó có Việt Nam.
Khác với châu Âu, thị trường châu Á khá dè dặt với những thiết kế mới lạ. Đó có lẽ là lý do khiến một số mẫu xe Ford được ưa chuộng tại châu Âu về tính đột phá như Focus hoặc Mondeo lại không ăn khách ở Việt Nam (chủ yếu dành cho nhóm khách hàng trẻ, ưa lối sống Âu châu) bằng những mẫu thiết kế riêng cho khu vực như Everest.
Giá xe Ford tại Việt Nam
Focus 1.8L: khoảng 424.000.000đ (24.800USD); Focus 2.0L: khoảng 590.000.000đ – 602.100.000đ (34.400USD – 35.200USD)
Mondeo 2.3L (nhập khẩu): khoảng 930.512.000đ (54.400USD)
Escape 2.3L: khoảng 600.386.000đ – 666.000.000đ (35.100USD – 38.900USD)
Everest: khoảng 632.000.000đ (36.900USD) (1 cầu) – khoảng 785.119.000đ (45.900USD) (2 cầu)
Ranger: khoảng 437.900.000đ (25.600USD) (1 cầu) – khoảng 526.840.000đ (30.800USD) (2 cầu)
Hoàng Nam