Bến tàu cảng Tuần Châu đã có một ngày đặc biệt ngay khi vừa bước sang tháng 6, giữa tiết trời mùa hè. Gần 200 chiếc xe hai cầu, trong đó có 34 chiếc xe đánh số thi đấu, đến từ 4 quốc gia là Việt Nam, Lào, Canada và Malaysia cùng nhau quy tụ để làm nên không khí cho một giải đua xe địa hình mang tầm quốc tế và lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.
Đây là lần thứ 2 giải đua xe địa hình diễn ra ở đảo du lịch Tuần Châu, nhưng lại là lần đầu tiên giải này được tổ chức với quy mô mở rộng. Phối hợp tổ chức với ban điều hành Câu lạc bộ Ôtô Địa hình Thành phố Hà Nội là ban tổ chức giải RFC tại Malaysia. Cũng từ năm nay, RFC Vietnam chính thức trở thành sự kiện trong chuỗi giải RFC toàn cầu và theo format của giải ở nơi mà nó được khai sinh.
Khốc liệt từ khi khởi động
Không giống như Halong Challenge 2012 và các kỳ VOC các năm trước, các bài thi (Special Stage, gọi tắt là SS) tại RFC Vietnam 2013 đặt ra những tình huống thách thức và khốc liệt ngay từ khi khởi động. Trong khi SS 1 có vẻ khá thuận lợi với những mô đất cao và hố nước sâu nhưng không quá hiểm, thì SS 2 lại trở thành “cửa tử”. Địa hình nghiêng tới gần 45 độ khiến một số xe bị “phơi bụng”, trong khi đoạn xuyên rừng lắt léo với những khúc cua gấp giống như một tấm lưới làm mắc kẹt hầu hết những chiếc xe dài. Nhưng đoạn bùn lầy ở gần cuối SS 2 mới là điểm mấu chốt bởi nó “nuốt chửng” cả những bộ lốp Extreme, hạ gục hàng loạt chiếc xe, khiến hơn nửa số đội đua phải đầu hàng.
Đội 129 để tuột mất chức vô địch ở SS cuối cùng do hỏng máy
Theo tính toán, SS 3 với dốc xuống và lên tới 45 độ và dài hun hút sẽ là trở ngại lớn nếu trời mưa, nhưng thời tiết lại ủng hộ và địa hình khô ráo đã không gây khó khăn cho những chiếc lốp Extreme. SS 4 là thay lốp sử dụng Hi-lift – một thao tác chẳng xa lạ gì với những người chơi offroad nhưng là bài thi hoàn toàn mới từ trước đến nay – tưởng như một bước nghỉ giữa các “hiệp” đấu, hóa ra cũng rất gay cấn khi các đội phải ganh đua nhau từng giây.
Sự khốc liệt tiếp tục tăng lên khi sang ngày thi đấu thứ 2. Mưa lớn tầm tã trong buổi sáng khiến cho đấu trường vốn đã giống như một chảo lửa lại được đổ thêm dầu. Hàng nghìn ánh mắt từ khán đài và các vị trí theo dõi từng động thái nhúc nhích của các xe trong SS 6. Trong khi con dốc lên thách thức những cỗ máy không đủ mạnh, những bộ lốp không đủ độ bám hay tời thiếu uy lực, thì con dốc xuống với đoạn đầu gần như dựng đứng sẽ là “tường lửa” với những người yếu tim hoặc với những xe có trọng tâm quá cao. Những chiếc xe dài như Triton lại lợi thế, trong khi hầu hết các xe ngắn đều phải hết sức thận trọng, bởi chỉ cần hơi chéo xe (không vuông góc) khi đổ dốc cũng có thể lật xe.
Rất nhiều côn trùng độc hại ở rừng – Xe dài sẽ lợi thế ở bài thi số 6
Rừng rậm và thử thách tột bậc
Nét mới đáng chú ý nhất của RFC Vietnam 2013 chính là đây. Sau khi đã “chiến đấu” với những bài thi ở Tuần Châu, tất cả các đội di chuyển vào khu rừng bảo tồn thuộc xã Đồng Sơn, huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh để Mẹ thiên nhiên thử thách khả năng và lòng can đảm của họ.
Khi bước vào các phần thi trong rừng, các đội thi sẽ phải cắm trại và chuẩn bị tất cả những phương tiện cần thiết để tồn tại trong suốt quá trình thi đấu. Họ sẽ tự lo ăn nghỉ 2 ngày trong rừng, cùng mưa rừng nhiệt đới, ẩm thấp, bùn lầy và rất nhiều côn trùng độc hại. Họ cũng sẽ phải tự lo bảo dưỡng sửa chữa xe nếu có hỏng hóc, bởi đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật không thể tới. Chính vì vậy, đồ đạc mang theo (vừa đồ ăn thức uống đến dụng cụ sửa chữa xe) phải đủ nhưng cũng hết sức gọn nhẹ.
Xe thi đấu bẩn, cả người xem cũng bị vạ lây – Các nhóm thi phải tự sửa xe giữa rừng
4 SS trong rừng trong điều kiện mưa lớn tiếp tục đẩy bầu không khí lên cao độ với những chướng ngại vật bất ngờ như treo và thả xe xuống trên dốc dựng đứng, vượt lòng suối đầy đá hộc lớn lổn nhổn, chạy lắt léo hình chữ M hẹp trong rừng,… Tuy nhiên, chặng thi được mong chờ nhất, hứa hẹn sẽ gay cấn nhất chính là chặng đặc biệt Twillight Zone (TZ). Các đội sẽ được ghép thành nhóm (mỗi nhóm có 3 đội) để cùng phối hợp, xuyên qua khu rừng tre mọc trên một quả đồi lớn và cùng về đích. Chỉ cần một đội của nhóm bị tụt lại và không thể về đích thì kết quả của cả nhóm sẽ chỉ đạt tối thiểu như những đội có check-in mà không thi.
Trong số 6 nhóm đăng ký tham dự chặng đặc biệt TZ, hai nhóm đã bỏ cuộc ngay từ đầu do tự nhận thấy không đủ khả năng để vượt qua. Các nhóm còn lại lần lượt nối đuôi nhau xuất phát, khiến cho bầu không khí trong khu rừng bảo tồn bao năm nay vốn âm u tĩnh mịch bỗng chốc vỡ tung do tiếng động cơ gầm rú xen lẫn tiếng hò reo của hàng nghìn người cổ vũ.
SS 2 trở thành “cửa tử” với nhiều đội thi do dốc nghiêng và bùn ngập sâu
TZ thực sự là một phần thi của tời và tời. Không thể không tính đến yếu tố động cơ mạnh mẽ ổn định hay thân xe nhẹ, nhưng tời đóng vai trò quyết định. Dốc cao tới 45 độ, dài hàng trăm mét và vô cùng trơn trượt khiến cho các xe phải dựa vào sức tời để nhích lên từng tí một. Sự phối hợp theo nhóm lúc này đóng vai trò vô cùng quan trọng, bởi xe đi trước sẽ là điểm tựa để kéo xe đi sau lên, thậm chí có những xe nặng phải nhờ đến hai tời kéo.
Trước thử thách của thiên nhiên, chỉ có 3 nhóm hoàn thành chặng TZ và kết quả đó đã làm nhiều vị trí trong bảng xếp hạng thay đổi, nhưng đó vẫn chưa phải là kết quả cuối cùng.
Kịch tính đến phút chót
Cũng giống như format của giải RFC tại Malaysia, đồng thời với mục đích quy tụ lại một lần nữa tất cả các đội thi trở lại Tuần Châu, ban tổ chức đã tạo thêm 2 SS cuối cùng trên bãi cát ven biển ngay cửa ngõ vào đảo du lịch này. Trong số các đội đăng ký tham gia 2 SS trên bãi biển có những đội thi đã bỏ chặng TZ và mong gỡ lại điểm số, còn những đội thi đã hoàn thành chặng TZ thì mong kịp trở về để giành giật thêm những điểm số cuối cùng.
Nhưng kịch tính vẫn chưa hết, không chỉ do thiết kế đường thi quá hiểm mà còn do địa hình đất pha cát bồi. Sau trận mưa lớn đêm hôm trước, có hố sâu nhất tới gần 2 mét đã trở thành thách thức không dễ dàng đối với những chiếc xe chiều dài cơ sở lớn, góc tới và góc thoát không tốt hoặc tời không đủ uy lực. Lần lượt từng đội vào cuộc, nhưng rồi đành ra khỏi đường thi bằng cứu hộ. Đội thi đấu ấn tượng nhất và cũng là ngôi sao của SS 11 và nhiều SS khác là đội 130 với tất cả các lợi thế của một chiếc xe offroad chuyên nghiệp.
Dốc cao và trơn trượt khiến các đội thi phải nhích từng tí một với sự hỗ trợ của tời
Tuy nhiên, làm cho khán giả hồi hộp và căng thẳng nhất ở SS 11 phải kể đến là đội 129 và cũng là đội thi đấu chót của RFC Vietnam 2013. Họ đang dẫn đầu bảng tổng sắp sau chặng TZ và bài thi này sẽ quyết định chức vô địch có thuộc về họ hay không.
Lái phụ Mervyn Lim – đương kim vô địch RFC 2011 tại Malaysia – một lần nữa cho thấy rằng sự thận trọng là điều vô cùng cần thiết trong môn thể thao này. Anh đi bộ một vòng dọc theo đường thi, theo dõi từng đội bạn xung trận, rồi lại khảo sát đường lần cuối trước khi nhập cuộc. Anh cũng tiên đoán đến tình huống phải cứu hộ bằng tời và đã chuẩn bị sẵn cuộn cáp trên ca-pô để có thể tung cáp ra nhanh nhất. Chiếc Land cộc nguyên bản trang bị máy xăng gầm gào vượt qua vũng lầy đầu tiên không một trở ngại. Chuẩn bị đến hố nước sâu, lái phụ ra hiệu lệnh dừng xe, rồi thoăn thoắt như một con thoi đã được lập trình, cột dây tời, đặt miếng chặn cáp, rồi chèn thêm hai lốp xe xuống dưới cáp để tối ưu hóa lực kéo. Toàn bộ đấu trường như nín thở trong lúc dây tời căng lên. Đầu xe chúi xuống nước, lục bục… lục bục… rồi động cơ tắt ngỏm. Không dừng lại, lái phụ ra hiệu tiếp tục tời “chay” qua hố nước để cố tới điểm cân bằng và khô ráo rồi mới khởi động lại máy. Tuy nhiên, thần may mắn đã không mỉm cười, chiếc xe của họ bị hỏng máy do ngập nước. Đội 129 đành tuyên bố bỏ cuộc khi phía trước còn vài hố sâu nữa, nhưng những tràng vỗ tay giòn giã vẫn vang dội, tán thưởng cho tinh thần thi đấu của họ.
SS 11 là bài thi cuối cùng của giải – Mervyn luôn khảo sát đường rất kỹ
Kết thúc một tuần thi đấu, đội thi số 130 đã xứng đáng ngôi vị vô địch RFC Vietnam 2013 với số điểm là 975, trong khi đội số 129 giành giải nhì chỉ kém đội dẫn đầu vỏn vẹn 2 điểm. Đội chủ nhà Quảng Ninh mang số 113 cũng là một bất ngờ lớn tại giải với thành tích 933 điểm và đứng vị trí thứ ba.
RFC Vietnam 2013 đã kết thúc, nhưng rất nhiều điều liên quan đến cuộc chơi dường như mới bắt đầu mở ra. Giải đua đã giúp offroad Việt Nam đặt một dấu chấm đậm nét trên bản đồ chơi xe địa hình toàn cầu, như lời tuyên bố của ông Luis J.A. Wee – nhà sáng lập giải RFC tại Malaysia. Và những người đã bén duyên với môn thể thao đặc thù này thì không còn giới hạn nào cho niềm đam mê cháy bỏng.
Bài và ảnh: Trần Việt Anh