Hiểu xe như hiểu bạn đời - Tạp chí Đẹp

Hiểu xe như hiểu bạn đời

 

Lần đầu tiên trong đời được sở hữu xe hơi, đó có lẽ là một cảm giác đặc biệt mà không giống với bất kỳ việc sở hữu một vật dụng nào. Có lẽ, cũng chính vì sự đặc biệt ấy, chiếc xe ô tô được ví như bạn đường, thậm chí hầu hết cánh mày râu đều ví chiếc xe như “vợ 2”.

Cũng giống như người bạn, người ngồi sau vô-lăng của chiếc xe phải hiểu được những đặc điểm, bản tính, khả năng, thậm chí là cả những hạn chế của chiếc xe của mình. Thật sai lầm khi cho rằng khả năng tăng tốc của một chiếc xe chẳng có tầm quan trọng gì đối với hệ thống giao thông yếu kém và còn nhiều bất cập như ở Việt Nam.

Bạn có thể chăm chỉ đọc hết cuốn sổ tay hướng dẫn sử dụng xe và bị loạn trước hàng loạt thông tin liên quan đến kỹ thuật dài dằng dặc. Còn người mua xe đã qua sử dụng thì làm gì để hiểu về chiếc xe của mình trong khi toàn bộ sách hướng dẫn sử dụng có thể đã bị mất? Làm sao để biết xe có được trang bị các hệ thống như ABS hay ESP hay không? Vậy nếu là chủ nhân của chiếc xe, bạn sẽ phải hiểu gì về nó? Và những điều gì ảnh hưởng lớn đến hành vi của bạn trên những chặng đường, trong qua trình sử dụng xe?

Trước tiên, thông số mà mỗi chủ xe cần quan tâm là sức mạnh của động cơ và những thông tin liên quan. Những con số như công suất hay mô-men xoắn cực đại nói lên điều đó, nhưng chưa phải là tất cả. Một động cơ mạnh mẽ và một hộp số mượt mà trên một chiếc xe có trọng lượng nhẹ sẽ càng làm cho chiếc xe linh hoạt và nhạy bén mỗi khi nhấn ga. Chẳng hạn, để vượt một xe container với chiều dài hàng chục mét, một chiếc xe cỡ nhỏ thông thường có thể phải mất khoảng 5 – 7 giây, nhưng một chiếc xe thể thao có thể vút qua chỉ trong tích tắc. Rõ ràng là điều này đôi khi có ý nghĩa sống còn trên một xa lộ đông đúc.

Điều có ý nghĩa sống còn tiếp theo là quãng phanh, nghĩa là độ dài quãng đường kể từ khi đạp phanh hết cỡ đến khi xe dừng hẳn. Những người ngồi sau vô-lăng cần lưu ý rằng tốc độ trước khi phanh và quãng phanh không hề tỷ lệ theo cấp số nhân. Chẳng hạn, trường hợp của chiếc xe Mazda6 trên xa lộ Việt Nam, đường khô ráo, để phanh từ 50km/h về 0 phải mất 7,1 mét, nhưng khi tốc độ lên tới 70km/h (tốc độ tăng 40%) thì quãng phanh cho xe dừng hẳn lên tới 14,5 mét (quãng phanh tăng gấp đôi). Khi muốn phanh từ tốc độ 100km/h (tốc độ tăng gấp đôi) đến khi dừng hẳn, quãng phanh sẽ là 33,0 mét (tăng gần 5 lần).

Chính vì vậy, tốc độ di chuyển sẽ quyết định khoảng cách với xe phía trước. Bạn chẳng biết bao nhiêu là chính xác, đơn giản là hãy nghĩ đến quy tắc 3 giây. Hãy lấy một vật mốc nào đó trên đường, như cột điện, cây xanh hay cột mốc nào đó. Ngay khi xe trước đi qua vật mốc đó, 3 giây sau xe bạn mới đi qua thì mới an toàn và đủ để bạn kịp xử lý khi có tình huống bất ngờ.

Nếu chiếc xe của bạn trang bị hộp số tự động, bạn sẽ cảm thấy nhàn nhã hơn đặc biệt là khi lái xe trong đô thị. Nhưng để tiết kiệm nhiên liệu, người điều khiển xe cần biết cách kiểm soát chân ga như khi sử dụng hộp số sàn, không nên ghìm chân ga liên tục khi muốn tăng tốc từ từ, mà ngớt ga ở thời điểm thích hợp để hộp số tự động chuyển lên số cao hơn, giảm số vòng tua.

Nhìn lướt nhanh bảng đồng hồ ngay khi bật chìa khóa điện, người lái sẽ biết chiếc xe của mình được trang bị những gì

Nhóm công nghệ an toàn tiêu chuẩn khác trên xe cũng sẽ góp phần quan trọng đến sự an nguy của bạn trong những tình huống khẩn cấp. Hãy tìm hiểu xem xe bạn được trang bị những gì bằng cách xem sách hướng dẫn hoặc nhìn lướt nhanh trên bảng đồng hồ ngay khi bật chìa khóa điện về nút ON. Các đèn báo như ABS (hệ thống chống bó cứng phanh), ESP (hệ thống cân bằng điện tử), BA (hệ thống hỗ trợ phanh khẩn cấp) hay đèn báo túi khí,… sáng lên trong vài giây sẽ cho biết xe của bạn có những hệ thống này. Hãy yên tâm rằng những hệ thống này không thể lắp thêm, và các đèn báo cũng không thể làm giả. Bên cạnh đó, hãy tận dụng mọi cơ hội để phát huy triệt để những công nghệ khác nếu có, chẳng hạn như công nghệ hỗ trợ khởi hành ngang dốc, hỗ trợ đỗ xe vào chỗ hẹp…

Tuy nhiên, đừng kỳ vọng quá nhiều vào sự hỗ trợ của những công nghệ trên xe mà dẫn đến chủ quan. Hãy nhớ rằng tất cả những hệ thống an toàn trên xe chỉ phát huy đúng tác dụng của nó khi bạn điều khiển xe ở trong giới hạn nhất định. Chẳng hạn, khi đi trên đường khô, bạn có thể vào cua gấp với tốc độ 50km/h và thân xe vẫn cân bằng, độ bám tốt. Nhưng tất cả có thể sẽ trở nên vô hiệu nếu tốc độ khi ôm cua lên đến hơn 80km/h và hậu quả là xe bị văng ra khỏi đường do lực ly tâm vượt quá giới hạn của độ bám.

Đừng bỏ lỡ cơ hội tận hưởng mọi tiện nghi trên xe, và đó cũng là cách để bạn hiểu hết những giá trị mà chiếc xe có thể mang lại

Hãy thưởng thức hệ thống âm thanh trên xe, công nghệ Bluetooth điều khiển bằng giọng nói, tích hợp thêm hệ thống dẫn đường cho màn hình DVD hay những tiện nghi khác. Nhưng trong khi tận hưởng vẫn phải lưu ý rằng những hệ thống này đang tiêu tốn nguồn năng lượng từ ắc quy và có thể làm cho ắc quy bị hết điện nếu không nổ máy, và hậu quả là động cơ không khởi động lại được.

Khi đã hiểu được những khả năng cũng như hạn chế của bạn đường, người lái sẽ yên tâm hơn khi tận hưởng từng giây phút đồng hành với nó. Chiếc xe càng hiện đại thì đòi hỏi người sử dụng càng phải quan tâm và hiểu nó nhiều hơn.

 

Bài: Hoàng Nam
(Bài viết được thực hiện với sự hỗ trợ của Gara Thành – 120 Trần Quốc Hoàn – Cầu Giấy – Hà Nội)

Thực hiện: depweb

25/06/2013, 17:37