Lo lắng nhất là doanh thu bán vé
– Tính đến thời điểm hiện nay, anh đã đạo diễn bao nhiêu live show âm nhạc? Chương trình nào anh thích nhất và chương trình nào khiến anh vất vả nhất?
– Tôi không thuộc dạng làm quá nhiều show (trừ các show event thì không kể) nên vẫn nhớ và có thể kể: Người đàn ông trong bóng đêm – Phương Thanh; Chuyện hôm qua – Lam Trường; Mỹ nhân ngư – Mỹ Lệ; Live show Tuấn Hưng; Ngày không em – do ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng tổ chức; Đêm nhạc ngày mất của nhạc sĩ Bảo Phúc; Đêm nhạc nhạc sĩ Hồng Đăng; Tour kỷ niệm 10 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn; Duyên dáng Việt Nam 22, 24 và 25 và phần thi Bikini của Miss Universe… Có lẽ tôi thích nhất là những show tác giả. Vì ở các show đó có màu sắc rõ ràng nhất và âm nhạc được quan tâm lên hàng đầu.
– Live show từng là những cột mốc đáng giá trong đời mỗi ca sĩ, như một cách đánh dấu và nhìn lại sự nghiệp. Mỗi khi nhận được những lời mời cộng tác với những live show như vậy, điều làm anh lo lắng và hào hứng nhất là gì?
– Điều tôi lo lắng nhất là doanh thu bán vé, bởi những show không phải event miễn phí áp lực lớn nhất là doanh thu. Vì khổ lỗi, người ta sẽ nhụt chí và thiếu tự tin làm những gì thuộc về chính mình.
– Tôi rất ủng hộ các show tự giới thiệu mình hay giới thiệu album, đó là bản chất của live show. Người có tiền nhiều thì show lớn, người ít tiền thì làm show nhỏ, chuyện đó bình thường. Cuộc đời ca sĩ cần có show riêng của mình, vì khi đó họ mới hát được những gì họ yêu thích.
– Điều mà anh chú trọng nhất trong một live show ở vai trò đạo diễn là gì? Hình ảnh ca sĩ, yếu tố hút khách hay thẩm mĩ âm nhạc của chủ nhân đêm diễn?
– Tùy theo yêu cầu của nhà tổ chức. Nhưng khi làm cho ca sĩ, tôi chú trọng nhất là làm sao cho ca sĩ thể hiện đúng phong cách của họ, khán giả phải thấy rõ cá tính âm nhạc cũng như tính cách của họ.
– Anh từng nói anh không thích MV Dạ khúc cho tình nhân của Đàm Vĩnh Hưng vì nó giống lẩu thập cẩm. Nhiều live show âm nhạc hiện nay giống như một show tạp kỹ với thập cẩm các thể loại. Anh nghĩ sao về những chương trình ca nhạc mà kết hợp cả tuồng, chèo, cải lương, nhạc trẻ lại thêm thời trang… nữa?
– Tôi nhớ nguyên văn của mình là “MV của anh Đàm Vĩnh Hưng giống như sầu riêng trộn với cá hồi và hầm với tổ yến”. Tôi cũng không bàn thêm mà người nghe tự bàn và suy luận thêm đấy chứ. Bởi vì tôi thật sự choáng ngợp sự đầu tư của MV đó, tôi thấy anh Hưng rất tâm huyết với MV đó, anh đã đầu tư nhiều đến nỗi với tôi là hơi quá tay. Dù là tôi không thích MV đó lắm nhưng tôi rất tôn trọng sự đầu tư của anh với tư cách người bàn luận tôi chọn cách nói đó để nói lên chính kiến của mình nhưng tôi không hề và chưa bao giờ có lời nào đả kích MV đó. Bởi tôi hiểu mỗi người có một cách riêng để tiếp cận khán giả và có đối tượng riêng của họ, không thuyết phục mình không có nghĩa với người khác thì không, ngược lại có nhiều người thích điên cuồng đấy chứ. Tạp kỹ có cái hay riêng của tạp kỹ và có đối tượng khán giả của họ. Nhưng đừng biến tất cả các show thành show tạp kỹ. Tôi cũng đã từng làm rất nhiều show tạp kỹ. Với vai trò đạo diễn bạn phải làm những gì mà nhà đầu tư mong muốn, một đạo diễn chuyên nghiệp là bạn biết rõ bản chất, yêu cầu của từng show mình làm. Còn về nghe nhạc tôi thích những show đầu tư về âm nhạc, âm thanh và rõ nét cá tính của nghệ sỹ.
– Trong khi những ca sĩ đàn em ngày ngày làm live show thì những đàn chị lại khá e dè trong việc tổ chức những đêm nhạc như vậy, dù họ đã có những live show để đời trước đó. Với con mắt của một người trong nghề, anh lí giải “nghịch cảnh” này thế nào?
– Có lẽ bây giờ làm show khó sướng hơn ngày xưa. Ngày xưa vừa được làm cái mình thích mà còn có lãi. Ai đã ở cái thời hoàng kim đó rồi thì bây giờ họ ít tìm thấy được ý nghĩa trong làm show, nhất là bây giờ mọi chi phí đều cao hơn rất nhiều. Show event miễn phí thì đầy rẫy nên khán giả cũng kén những show mua vé. Nên các nghệ sĩ có tên thì họ đâu cần lấy tên nữa? Họ cũng không thấy khả năng lợi nhuận, mà đầu tư không tới thì chưa chắc họ đã “sướng”, vậy thì làm để làm gì.
Nhiều người thích làm show khoa trương
– Hình như nghệ sĩ, ngôi sao của chúng ta không đủ dũng cảm để tổ chức các đêm nhạc đơn giản từ cách tổ chức đến hình thái biểu diễn, đúng không anh?
– Theo tôi để có một show hấp dẫn và có chất lượng thì không thể đơn giản được. Chỉ có điều là đầu tư vào cái dễ nhìn thấy hay không nhìn thấy thôi. Chúng ta hay gọi các show hoành tráng là những show đầu tư vào những thứ bề ngoài khoa trương. Tiền thì có bấy nhiêu, người làm phải chọn đầu tư thiên về hướng nào. Đa phần người ta thích tô vẽ sân khấu, bày chiếu minh họa chứ hiếm người nghĩ một show âm nhạc điều đầu tiên cần đầu tư là tất cả phải ưu tiên cho âm nhạc. Mà những thứ đầu tư cho âm nhạc nhiều khi lại là cái chẳng ai thấy mà lại tốn kém. Tôi ví dụ show Việt Nam người ta rất ít đầu tư cho hệ thống âm thanh monitor bởi vì khán giả không cảm nhận được điều đó, nhưng nghệ sĩ biểu diễn là người phải nghe âm thanh đó, khi họ nghe chuẩn, nghe hay thì họ mới trình diễn hay và chuẩn được. Có lẽ chúng ta nghèo nên thành thói quen cái gì đã bỏ tiền vào phải là những thứ khoe cho người ta thấy mới được.
– Hiện có nghệ sĩ nào mà anh mơ ước được đạo diễn cho live show của họ?