Thập cẩm và đặc sản
Đêm nhạc của Mỹ Linh không có “chiêu trò”, chỉ tập trung phô diễn giọng hát của chủ nhân. |
Nhìn lại showbiz Việt hiện nay người ta tạm phân loại ra hai chiều hướng làm live show: “lẩu thập cẩm” và “lẩu đặc sản”.
Cái ước vọng phải làm show “để đời” và có thật nhiều tiết mục lạ mắt, lạ tai đã khiến các ca sĩ nhuộm màu live show của họ thành những chương trình tạp kỹ. Màu sắc đâu chưa thấy, chỉ thấy hậu quả nhãn tiền là nghệ sỹ và khán giả nghiễm nhiên trở thành nạn nhân của sự ôm đồm, tạp nham, khi các tiết mục “đá nhau chan chat”.
Một trong những live show thuộc hàng “tạp kỹ kinh điển” những năm gần đây là show của ca sỹ nhạc sến Dương Ngọc Thái. Xen giữa những bài nhạc sến thê lương với những mảng miếng sân khấu đầy những chi tiết gây phản cảm (như xe tang kết hoa diễn tả nỗi đau chia ly) là những màn tấu hài lễnh loãng nhạt vị của Hoài Linh, anh em danh hài Tấn Beo – Tấn Bo – Tấn Hoàng. Không ít khán giả ngơ ngác không biết cái mình đang xem được gọi là show ca nhạc hay show tấu hài hay gì gì nữa?
Cũng “hổ lốn” chẳng kém, live show Tự tình quê hương 3 của Cẩm Ly (diễn ra ngày 28, 29/9 tại Nhà hát Hòa Bình) là một “nồi lẩu thập cẩm” nhiều mùi vị. Giống như hai chương trình trước, ca sĩ Cẩm Ly tiếp tục thử sức mình với việc hóa thân thành nhân vật Mộc Quế Anh nổi tiếng trong vở tuồng cổ Loan Phụng Hòa Minh. Tham gia diễn xuất còn có ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Đan Trường và NSƯT Kim Tử Long. Ngoài vở tuồng cổ chiếm thời lượng 1/3 chương trình, màu sắc chủ đạo của chương trình vẫn là những ca khúc âm hưởng dân ca Nam Bộ mộc mạc. Cẩm ly khiến khán giả choáng khi chứng kiến cô “chơi” đủ bốn thể loại: dân ca, nhạc trẻ, trữ tình và tuồng cổ.
Đàm Vĩnh Hưng, người được phong là ông hoàng của những chiêu trò trên sân khấu và cả trên mặt báo, trong buổi họp báo ra mắt live show Số phận (diễn ra ngày 21-22/7 tại sân khấu Lan Anh) đã phát cáu với câu hỏi: “Liệu chương trình này có trở thành một show tạp kỹ?” Chẳng phải vô duyên vô cớ mà người ta lại hỏi thế, bởi xưa nay trong các live show của Mr Đàm luôn có những màn tạp kỹ điển hình. Đơn cử ở live show Số phận ekip thực hiện đã gom nhiều thể loại nghệ thuật khác nhau vào một chương trình như: múa ba lê, múa rối Nga, múa lửa, kungfu…Thậm chí Đàm Vĩnh Hưng còn đi học xiếc trong một tuần lễ và có một màn đu dây lơ lửng trên không trung cùng bốn siêu mẫu. Chưa hết, hàng loạt những bối cảnh hoành tráng được bê lên sân khấu như: một dòng sông giả, bối cảnh La Mã với hàng trăm diễn viên quần chúng. Độc đáo hơn là 500 con bướm được thả ra để tạo “ép phê” cho người xem, tiếc là bướm không bay được mấy.
Nhìn một cách khách quan sẽ thấy hiện các live show của Đàm Vĩnh Hưng đang ở đỉnh cao nhất trong số những “nồi lẩu thập cẩm” khi luôn được đầu tư một cách tử tế. Xét trên phương diện công nghệ tổ chức thì những live show mang thương hiệu Mr Đàm đã thành công vang dội. Bằng chứng là hàng loạt show như: Người tình, Dạ tiệc trắng, Mr Đàm’s show, Số phận… show nào cũng “cháy vé”. Thế nhưng công nghệ làm live show của Đàm Vĩnh Hưng đã “nhuốm màu thời gian”. Lần cuối cùng live show mang thương hiệu Mr Đàm được vinh danh là ở Giải cống hiến 2009, hạng mục Chương trình của năm, live show Người tình. Ở thời điểm hiện tại, người ta khó lòng vinh danh một lần nữa cho công nghệ tổ chức live show nặng màu tạp kỹ như trên, bởi giờ đây, công nghệ làm live show đã bước sang một kỷ nguyên khác.
Cũng “đu dây, thổi lửa, lắc vòng” nhưng thời hiện tại, công nghệ làm live show đã chuyển từ “lẩu thập cẩm” sang “lẩu đặc sản”. Live show Hồ Ngọc Hà (diễn ra ngày 15/12/2011) là chuẩn mực mới khi tính tạp kỹ được nâng lên thành nghệ thuật sân khấu. Sân khấu được thiết kế vô cùng đẹp mắt với hiệu ứng âm thanh, ánh sáng hoàn hảo được đổi thay liên tục. Rất nhiều chiêu trò, mảng miếng đã được đạo diễn Việt Tú sử dụng và gây ấn tượng cho khán giả nhất là màn Hồ Ngọc Hà “hạ cánh” xuống sân khấu từ phi thuyền. Không phải Hà Hồ là kẻ duy nhất dám đốt tiền, nhưng ở live show của cô hội tụ đầy đủ những yếu tố khiến người xem có thể thỏa mãn và quan trọng hơn nó tiệm cận với công nghệ và ý tưởng tổ chức show hiện đại đang thịnh hành trên thế giới.
Tùy vào con đường của mỗi nghệ sĩ, người ta chọn cho mình một cách rất đặc trưng để làm live show. Người giỏi hát thì chỉ lấy giọng ca làm thứ trang sức lộng lẫy nhất cho những live show của mình. Kẻ thiếu tài năng âm nhạc hơn sẽ tìm cách khỏa lấp những yếu tố nghe bằng việc mang đến những no đủ trong phần nhìn cho công chúng đến với các đêm nhạc của họ. Nhưng để live show cá nhân của mình thành “lẩu thập cẩm” hay “lẩu đặc sản” lại phụ thuộc rất nhiều vào tư duy và gu thẩm mỹ của mỗi ngôi sao, dù rằng chưa chắc “đặc sản” đã đắt khách hơn “thập cẩm”.
Live show của Hồ Ngọc Hà vẫn được xem là chương trình “dữ” nhất từ trước đến nay. |
Tự sướng hay thỏa mãn số đông?
Ngoại trừ một vài live show của những ngôi sao hot nhất đương thời, còn lại đa số cầm chắc cái chức danh… kẻ ném tiền qua cửa sổ, ấy thế nhưng chứ mỗi khi bắt tay vào làm live show, các ngôi sao không khỏi phân vân: làm cho bản thân hay làm cho khán giả?
Tùng Dương là một điểm hình cho sự thay đổi trong cách nghĩ khi làm live show. Chàng ca sĩ quái này biết cách tách bạch giữa nhu cầu thỏa mãn bản thân và thỏa mãn khán giả.
Anh đã có một đêm thăng hoa cùng toàn bộ khán giả trong Nhà hát Lớn Hà Nội tại live concert đầu tiên trong sự nghiệp ca hát mang tên Những chuyến đi ngày 2/12/2011. Tổng thể sân khấu, sắp đặt âm thanh, ánh sáng được đạo diễn Việt Tú dàn dựng đơn giản nhưng tạo chiều sâu, nhấn mạnh sắc thái âm nhạc cô đọng, phiêu trên nền visual art độc đáo. Tùng Dương đã tiết chế bớt những nét dữ dằn, xù xì, anh nhẹ nhàng, điềm đạm và tạo được sự giao thoa hợp lí của một nghệ sĩ trình diễn. Với Những chuyến đi, Tùng Dương đã chơi hết mình để thỏa mãn cá nhân.
Sau Những chuyến đi, Tùng Dương lại chuyển hướng với live show Tình ca hướng đến công chúng. Anh lãng mạn trong những bài hát về tình yêu, hoàn toàn khác với một Tùng Dương trong những ca khúc đương đại, mang tính thể nghiệm. Sự tách bạch trên đã mang lại hiệu quả bất ngờ với ngay chính tác giả live show khi Những chuyến đi, khá đương đại nhưng vé hai đêm bán hết veo, Tình ca sau đó thì khỏi nói.
Thế nhưng, không phải ca sĩ nào cũng đủ thông minh để tách bạch được như Tùng Dương. Không thiếu những live show được vạch ra để đánh “dấu son chói lọi” vào sự nghiệp ca hát của một ngôi sao, nhưng nó lại khiến chính chủ nhân phải hổ thẹn.
Trong live show Chuyện diễn ra vào cuối năm ngoái, chiêu làm mới mình với dàn nhạc giao hưởng của ca sĩ Thanh Thảo bỗng hóa thành chiêu chơi khó chính chủ nhân khi ai cũng rõ khả năng hát live với dàn nhạc của “búp bê” ở mức nào. Đó là chưa kể vì lúc hát rock, lúc diễn kịch, hát nhạc vàng khiến giọng của Thanh Thảo như muốn hụt hơi. Thật là “gậy ông đập lưng ông”.
Cũng chọn cách làm sang bản thân tương tự Thanh Thảo, cách đây ba năm Mỹ Lệ khiến người ta thấy ái ngại với Mỹ Lệ in Symphony. Với tên gọi Mỹ Lệ in Symphony, nhiều khán giả hồi hộp chờ đợi được thưởng thức không khí đậm chất giao hưởng xuyên suốt, nhưng chỉ được đáp ứng ở 4 tiết mục cuối cùng. Việc chọn dòng nhạc giao hưởng làm chủ đạo là nét mới, giúp live show của Mỹ Lệ không bị hòa lẫn với nhiều chương trình ở thời điểm đó. Tuy nhiên, áp lực làm mới những bài hát quen theo bản hòa âm mang hơi thở blue, jazz… cùng việc liên tục trễ nhịp, quên lời của “mỹ nhân ngư” khiến live show này không để lại nhiều ấn tượng.
Làm show để thỏa mãn cá nhân thì lo ế vé (mà dù đắt vé cũng chẳng mấy show thu hồi được vốn), làm show hướng đến nhu cầu khán giả thì sợ bị coi là rẻ tiền. Chọn hình thức làm show đơn giản, gọn nhẹ thì sợ mất đẳng cấp, nhưng đầu tư tiền tỷ thì lại “buốt ruột”, chẳng phải ai cũng dám chơi. Chỉ có một vài ca sĩ như Hồ Ngọc Hà, Mỹ Linh, Lệ Quyên… tránh được vết xe đổ này khi làm live show. Đêm nhạc của Mỹ Linh không có “chiêu trò”, chỉ tập trung phô diễn giọng hát của chủ nhân. Hồ Ngọc Hà tuy gây ấn tượng với khán giả bằng màn đáp xuống sân khấu từ phi thuyền nhưng cô không quá sa đà vào vai trò diễn viên xiếc. Lệ Quyên mang đến một không gian vừa đủ sang trọng nhưng cũng không quá xa hoa cho thể loại nhạc bình dân mình đang theo đuổi.
Chính sự mâu thuẫn giữa việc tự thỏa mãn cá nhân và hướng đến đáp ứng nhu cầu của khán giả cũng như việc phân hóa “chiếu trên”, “chiếu dưới” một cách đầy hình thức trong việc chọn phương thức thể hiện live show đã đẩy các ca sĩ đến bờ vực của sự tuyệt vọng.
Phương Thanh là một trong những ca sĩ từng thực hiện nhiều live show. |
Tử tế thì… ế?!
Sau thời gian bùng phát các show tạp kỹ hoành tráng, với đủ các thể loại đông tay kim cổ kết hợp “đu dây, thổi lửa, lắc vòng”, một tín hiệu vui là trong vài năm trở lại đây đã có những đêm nhạc tử tế, thuần chất âm nhạc ra đời tạo được hiệu ứng lớn trong lòng công chúng.
Phát pháo đầu tiên là Không gian âm nhạc (do NSX Việt Tú, Giám đốc nghệ thuật Chu Minh Vũ và Giám đốc âm nhạc Thanh Phương thực hiện), diễn ra định kỳ mỗi tháng một lần (bắt đầu từ tháng 4/2011), tại khán phòng Ngụy Như Kom Tum (Hà Nội). Đạo diễn Việt Tú từng cho biết: “Chúng tôi mong muốn hay nói đúng hơn là ước mơ về một không gian âm nhạc đúng nghĩa, nơi các ca sĩ, nhạc công và nghệ sĩ có thể coi đó là ngôi nhà của mình, không gian của mình và khán giả cũng có một không gian để tới đó và thưởng thức âm nhạc của người nghệ sĩ mà họ yêu quý. Không gian âm nhạc bao hàm “không gian” lẫn “âm nhạc”, cả hai yếu tố sẽ tương tác với nhau để tạo ra cảm xúc tổng thể cho người thưởng thức âm nhạc.”
Khi những chương trình biểu diễn đang bùng nổ về mức độ hoành tráng trong phần đầu tư sân khấu, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng để tạo sự mới lạ về “nghe” và “nhìn” nhằm thu hút khán giả thì Không gian âm nhạc dựa vào yếu tố “xưa cũ” – giọng hát – để làm rung động con tim khán giả. Và họ đã thành công. Thị trường ca nhạc đẳng cấp tại Hà Nội được đánh thức. Đáng tiếc là sau 11 số, Không gian âm nhạc đã khép lại khi bài toán thu chi vẫn là một vấn đề lớn với ekip thực hiện.
In The Spotlight có tham vọng làm nên một chuỗi những live show khắc họa các gương mặt ca sĩ đương đại của Việt Nam. Không quá cầu kỳ vào hiệu ứng sân khấu, In The Spotlight chọn cách làm mới những ca khúc gắn liền với tên tuổi của các ca sĩ/nhạc sĩ.
Nhưng cũng giống như Không gian âm nhạc, In The Spotlight đang đối mặt với bài toán chi phí. Những người yêu nhạc đích thực hẳn sẽ buồn lòng khi thấy sự teo tóp về số lượng sau mỗi lần chương trình diễn ra.
Một series mới gây được cơn sốt ngay từ số đầu tiên là Hòa nhạc Việt Nam. Chuỗi live show này mở màn bởi Bằng Kiều in Concert 2012 tại TP.HCM (26/10) và Hà Nội (28/10). Hòa nhạc Việt Nam quy tụ một đội ngũ sản xuất uy tín, gồm tổng đạo diễn Phạm Hoàng Nam, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh trong vai trò giám đốc sản xuất, nhạc sĩ Vũ Quang Trung từ Úc về cùng Hoài Sa đạo diễn âm nhạc. Có lẽ Hòa nhạc Việt Nam sẽ có khả năng sống sót lâu bền hơn khi được “chống lưng” bởi một thương hiệu lớn như Bà Nà Hills.
Sự ra đời và bước đầu thành công của ba không gian âm nhạc chất lượng cao trên đã mở ra một khái niệm mới cho thị trường âm nhạc. Đã qua rồi cái thời khán giả chỉ cần đến để nghe một vài bài và nhìn mặt ca sĩ mình yêu thích. Họ cần một không gian âm nhạc đích thực nơi đó đủ sức thỏa mãn những đam mê âm nhạc của họ và của người nghệ sĩ họ thần tượng. Câu chuyện đường dài còn ở thì tương lai, nhưng chí ít người yêu nhạc cũng được an lòng khi còn có thứ tử tế để xem. Giữa thời loạn giá trị nghệ thuật này, vậy chẳng phải là điều trân quý rồi sao?
Thu Minh trong live show Không gian âm nhạc. |