3 album gần đây của Bằng Kiều tại Mỹ đều do người bạn từ thời sinh viên này thực hiện.
– Điều gì khiến anh và Bằng Kiều gắn bó với nhau dài hơi như thế?
– Chúng tôi trưởng thành chung từ một môi trường âm nhạc của Nhạc viện Hà Nội, rồi gắn kết lại với nhau. Kiều được công chúng biết đến thực sự vào giai đoạn 1996-1998, khi nhạc Hà Nội và ca sĩ Hà Nội chiếm lĩnh “Làn sóng xanh”, nhưng ít người biết Kiều đã tham gia sinh hoạt văn nghệ với anh em chúng tôi từ những năm 1987. Năm bảy năm trời làm việc với nhau, tình cảm thân thiết phát triển từ âm nhạc đến cuộc sống…
– Với tư cách là người có thời gian làm việc chung với Bằng Kiều có lẽ là dài nhất, anh nói gì về anh ấy?
– Dường như trời sinh ra Kiều là để hát. Ngay từ những bước đi đầu tiên, cũng là cái thuở sơ khai của nhạc trẻ Việt Nam, thì Kiều đã lộ ra những tố chất tuyệt vời của một ca sĩ có cá tính. Cho đến thời điểm này, nhạc Việt đã trải qua những giai đoạn vàng – thăng hoa nhất, rồi phát triển như một ngành công nghiệp giải trí… thì tôi cho rằng Bằng Kiều lại càng trở nên đặc biệt. Thị trường âm nhạc cả hải ngoại và trong nước đều có những nhóm đối tượng khán giả khác nhau, những phong cách âm nhạc khác nhau… Có lẽ, Bằng Kiều là giọng nam duy nhất có thể thỏa mãn được hầu hết các nhóm khán giả đó. Từ nhạc thính phòng cho tới nhạc trẻ… theo cách nhìn của tôi, trong những giọng nam sinh ra cùng thế hệ của Bằng Kiều thì khó có thể tìm thấy một giọng hát nào đặc biệt khác nữa ngoài cậu ấy.
– Anh đánh giá thế nào về vị trí và phong cách của Bằng Kiều?
– Đến thời điểm này, so sánh Kiều với bất kỳ giọng nam nào khác cũng khó. Mỗi ca sĩ thành danh có một giọng hát, phong cách riêng biệt định hình. Tuấn Ngọc – không ai có thể thay thế được. Khánh Ly – cũng không ai có thể thay thế được… Bằng Kiều cũng vậy. Có thể cậu ấy hát một bài hát cũ nhiều người hát, nhưng cách thể hiện và nhất là có những khoảnh khắc trình diễn hết sức đặc biệt mang đậm dấu ấn Bằng Kiều.
– Đã xuất hiện rất nhiều phiên bản ca sĩ học tập, ảnh hưởng thậm chí như bản sao Bằng Kiều cũng có… Thì chính công chúng cũng khẳng định sự “không thể thay thế” của Bằng Kiều đó!
– Sự thành công tại hải ngoại của Bằng Kiều có phải là một điều dễ hiểu – một giọng hát đẹp đương nhiên là nổi tiếng, hay đó là một sự nắn mình uyển chuyển hợp thời?
– Bằng Kiều thành công tại hải ngoại là do rất nhiều yếu tố. Ngoài tố chất giọng hát thì Kiều có thế mạnh mà hiếm người có là hát được nhiều thể loại khác nhau. Đối với một thị trường âm nhạc, đương nhiên công chúng phải chia ra cho nhiều dòng nhạc, nhưng Kiều quá giỏi khi có thể chinh phục được nhiều nhóm công chúng như thế… Kiều đã lựa chọn đúng và rất thông minh khi đưa ra những bài hát cho thị trường hải ngoại. Còn thời gian tới, nếu Kiều hát ở Việt Nam nhiều hơn thì tôi tin Kiều sẽ hát nhiều những tác phẩm âm nhạc mới, trẻ hơn… Với bản lĩnh của Kiều thì tôi tin hát cái gì cũng vẫn là Bằng Kiều.
– Đã lâu không thấy anh có sáng tác mới cho Bằng Kiều?
– Tôi vẫn viết ca khúc, một số bài mới gần đây giao cho Nguyễn Hồng Nhung hát. Còn hiện tại thời điểm này Bằng Kiều đang chọn những tác phẩm nhạc xưa hoặc nhạc Pháp kinh điển lời Việt để hát. Tôi không viết nhạc cho Kiều nhưng vẫn làm hòa âm, thu âm và sản xuất album cho cậu ấy… Tôi tin rằng, những ca khúc mới mà tôi viết, để lại vài năm nữa đưa Kiều thì nó cũng vẫn là những tác phẩm mới và hấp dẫn công chúng.
– Đây là điều đáng mừng cho cá nhân Kiều. Bằng Kiều đã biểu diễn hàng trăm ngàn buổi diễn mà tôi vẫn nhìn thấy sự hồi hộp của cậu ấy trước giờ mở màn tại Việt Nam. Đây là lần trở về chính thức của Kiều, cũng là lần đầu tiên Kiều có một concert quy mô riêng thế này… Chúng tôi được làm việc với nhau, gặp lại rất nhiều bạn bè, người thân từ thời sinh viên… rất xúc động… Điều đáng mừng nữa là khán giả. Nghe nói ở Hà Nội cháy vé sau 2 ngày phát hành, điều đó chứng tỏ khán giả Hà Nội yêu Bằng Kiều thế nào.
Bài: Hoàng Trung
Ngày Trở về của Bằng Kiều Các bài viết đã đăng: >> Tôi không phải người vô ơn với cuộc đời >> Nhạc sĩ Vũ Quang Trung: “Bằng Kiều không thể thay thế” |