Thống kê từ hãng sản xuất đèn Sylvania cho thấy 90% lái xe quan tâm tới các nguy hiểm tiềm ẩn khi lái xe trong đêm, khoảng 50% lo lắng đâm phải chướng ngại vật trên đường do tầm nhìn hạn chế hoặc thời tiết xấu.
Điều ngạc nhiên, chỉ có 25% số người lo sợ va chạm hoặc sự cố trên đường. Một nghiên cứu khác chỉ ra khoảng 20% đèn trên xe có thể bị cháy sau 2 năm sử dụng. Hiện tượng bóng cháy không phải là tính huống hy hữu. Công tác kiểm tra hoạt động của hệ thống đèn trước khi khởi hành sẽ hạn chế rủi ro, nâng cao an toàn giao thông.
Là thiết bị an toàn chủ động thiết yếu, đèn pha hỗ trợ quan sát đêm hoặc thời tiết xấu. Hiện tượng đèn cháy, sáng lệch gây ra khó khăn cho quá trình điều khiển. Việc kiểm tra đèn pha ôtô cần thực hiện ở hai chế độ: chiếu sáng xa (pha), chiếu sáng gần (cốt). Bật đèn pha đồng thời đèn hậu cũng sáng để thông báo cho các phương tiện phía sau biết về sự hiện diện của xe trước.
Để người tham gia giao thông hình dung rõ hơn về kích thước xe trong đêm, nhà sản xuất thường lắp thêm đèn giới hạn dọc theo thân và trên nóc xe. Đèn phanh có công suất lớn hơn đen hậu, sáng khi đạp phanh. Cháy đèn phanh dễ dẫn tới các va chạm từ phía sau.
Đèn xi-nhan và đèn cảnh báo nguy hiểm hoạt động trong trạng thái nháy với một tần số nhất định kích thích sự chú ý của con người. Hiện tượng nháy quá nhanh hoặc quá chậm đều là dấu hiệu hư hỏng cần phải kịp thời sửa chữa.
Theo khuyến cáo từ nhãn hàng lốp xe Bridgestone Việt Nam, ngoài việc kiểm tra hệ thống chiếu sáng ngoài trước khi khởi hành, các Bác Tài cũng cần quan tâm tới một số loại đèn sáng nháy khác khi khởi động xe như:
– Đèn báo phanh nháy sáng có thể do phanh đỗ chưa nhả hoàn toàn, mức dầu của hệ thống phanh quá thấp hoặc mất áp suất dầu vì thệ thống dẫn động bị rò rỉ;
– Đèn báo bên cửa cảnh báo việc cửa chưa được đóng hoàn toàn;
– Đèn báo dây an toàn chưa được cài chặt;
– Đèn báo nhiệt độ của nhiên liệu đang ở mức cao;
– Đèn báo túi khí đang có vấn đề;
– Đèn báo ABS: hệ thống chống bố cứng phanh đang có vấn đề
Theo VnExpress