Có lẽ mơ ước “máy làm thay người” luôn là động lực của mọi phát minh, ngay cả cái điều khiển tivi từ xa cũng là từ lười biếng mà ra, số tự động cũng không ngoại lệ. Nó là thành quả của bao nhiêu bàn tay và khối óc tài hoa, không chê vào đâu được.
Tuy nhiên, trong thời buổi “thắt lưng buộc bụng” mỗi đồng tiền đều mồ hôi, nước mắt. Nhiều chị em và cả các anh em nữa dù biết “Lái số tự động đúng cách rất sướng” cũng đành lòng vậy cầm lòng vậy mà vật lọn với số sàn.
Ấy là với những “tài nhà” còn non. Người viết bài này xin chia sẻ một vài kinh nghiệm, hy vọng những người chưa biết sẽ thêm tự tin khi ngồi sau vô-lăng.
Những kỹ năng cần thiết khi đi số sàn
Tập “ru ga”
Bất cứ khi nào trong đầu nghĩ cần “ru”, chân chỉ cần tựa vào bàn đạp ga, vòng tua máy đạt 1.000 – 1.200 vòng/phút là đạt. Đó là mức tối thiểu để đi các số mà xe không giật. Nếu đường đông, không cần “mức đấy hoặc hơn thế nữa” thì chuyển sang chờ ở chân thắng là vừa.
Nhận biết điểm sang số
Tùy vào đời xe với thiết kế động cơ và hộp số mà có ngưỡng chuyển khác nhau. “Mẫu số chung” khi leo lên xe lạ thường là tua máy.
Depa từ số 1: chả cần lên ga, cho côn bắt chầm chậm. Khi xe lăn bánh thì đệm ga là vừa. Đấy gọi là “đi côn trước”, khởi động dịu dàng. Đối với người chân côn chưa chuẩn, chỉ cần “đi ga trước” bằng cách cho ga tua lên 1.000 vòng/phút rồi mới nhả côn, xe sẽ không chết máy.
Từ số 1 – 2: tua máy khoảng 1.400 – 1.800 vòng/phút chuyển sẽ được. Từ 2 – 3 tua khoảng 1.300 – 1.700. Khi ở số 2 nếu không khéo các bác tài sẽ cho những người đồng hành gật gù. Từ 3-4, 4-5 nói chung lên số khá êm, vòng tua để khoảng 1.200 – 1.600 vòng/phút.
Sau bước làm quen giúp tìm được điểm sang số thích hợp cho mỗi xe. Chỉ cần nhớ “vận tốc ở 1.000 vòng/phút của số lớn sẽ là điểm êm ái tiếp nhận số nhỏ”. Ví dụ, khi xe bạn chạy trên đường bằng, ru ga 1.000 vòng/phút ở số 2, bạn thấy nó chạy khoảng 10-12 km/h. Chuyển về số 1, vòng tua máy đạt 1.500 vòng/phút. Vậy khi đi số 1 mà vòng tua đến 1.500 vòng/phút ta chuyển sang số 2. Thực hiện các tương tự để tìm điểm rơi cho các số 3, 4…
Về số là khi chạy xe cao xe bị phanh lại, ga xuống 1.000 vòng/phút. Nếu đường đông, vẫn phải tiếp tục giảm tốc, bạn cần rà thắng, nhả côn để nó bắt êm ái. Nếu đường cho phép duy trì tốc độ ấy chứ không giảm hơn nhiều thì bỏ thắng giữ ga cao một tí (khoảng 1.200 vòng/phút) mới bắt côn để xe không khựng lại. Khi tăng tốc cũng thế, nhưng nếu lỡ “rú” ga cao hơn so với mức cần thiết, thì vê côn để việc tăng số được êm ái.
Chân côn linh hoạt – thách thức tài non
Nổ máy, vào số và nhả côn, bạn sẽ thấy nó có 3 khoảng khác nhau. Khoảng đầu từ khi chân côn kịch sàn tới khoảng 1/4 hành trình, côn chưa bắt nên có thể chuyển số. Đây là khoảng “chết” của côn, nếu với dân mê tốc độ, cái khoảng này rất lợi hại. Khoảng dài 1/2 hành trình tiếp theo, côn bắt tăng dần, xe tăng tốc theo mức tăng ga.
1/4 hành trình còn lại, dù nhả chân côn hay không thì xe vẫn thế. Đó là khoảng trượt dùng để “đỡ côn” khi qua đường xấu hoặc lỡ đi số cao mà vận tốc hơi thấp nhưng không tiện về số vì tăng tốc ngay sau đó. Nếu đỡ quá khoảng này vào cùng hoạt động của côn thì xe sẽ giảm tốc. Nguyên tắc khi nhả côn là nhanh dần đều. Khi đang nhả chân côn mà cần cắt ngay thì đạp dứt khoát rồi sau đó tiếp côn lại chứ đừng ngập ngừng xe sẽ giật.
Ấn ga thay vì đạp ga
Cư xử dịu dàng với chân ga, xe sẽ tăng tốc mượt mà. Một số bác xe tải quen vù ga dồn số khiến em nó gầm nên nghe chả dịu dàng chút nào. Bản thân mình chỉ dùng cạnh giày để đi ga trong phố chứ hiếm khi để bàn đạp ga ở giữa bàn chân.
Rà phanh để tránh phải rửa nội thất
Trừ trường hợp có sự cố, còn bình thường nên “rà” thắng và cảm nhận sự giảm tốc chứ đừng đạp hứ hự. Vì bạn sẽ có nguy cơ rửa nội thất xe đấy! Rà cho đến khi nào gần đứng hẳn thì nhả ra một tí cho xe tự dừng chứ đừng “cầm cự đến phút cuối”. Bạn cứ thử và cảm nhận sự khác biệt, làm thế nào mà hành khách trong xe không hề biết xe đã dừng là đạt.
Tăng ga, nhả côn và “nghe” xe tăng tốc
Ấn ga làm sao khi nhả côn đến khoảng chừng 1/2 hành trình là xe đạt ngưỡng chuyển số tiếp theo, đạp nhẹ côn nhưng dứt khoát chỉ cần vào khoảng chết là tiếp tục sang số và lại nhả côn.
Nếu bạn nhả hết rồi lại đạp côn kịch sàn, bạn sẽ nghe tiếng “khục” khi bắt côn số mới. Cảm giác khi chân côn khi ấy giống như lúc “nhồi bóng rổ”. Bóng đi lên, tay vừa chạm vào bóng, vừa nương theo nó lên đỉnh rồi mới nhấn xuống.
Nguyên tắc 10 giây trong phố
Đi trong phố, tài xế cần dựa vào tính huống giao thông và dự đoạn tốc độ tối đa sẽ đi. Bạn chỉ có 10 giây để đạt tốc độ này. Sau đó bỏ hẳn chân côn, “bây giờ ai bảo số càn không bằng số tự động”! Đường thoáng, có thể đi số 3 hoặc 4, đệm ga khoảng 1.500 vòng/phút.
Các trường hợp đặc biệt
Vê côn khi tắc đường
Với ai ở TP. HCM và Hà Nội, đây là “chuyện thường ngày ở huyện”. Bạn cứ để ga-răng-ti, chờ sẵn chân thắng. Thấy xe trước nhích thì nhả côn cho xe nhích theo. Nếu đi đều, chậm thì ra côn đến đâu giữ nguyên đấy và thêm ga, còn nếu ra hết ở số 1 được và ru ga 1.000-1.200 để đi đều thì càng tốt.
Khi thấy xe trước đỏ đèn thì xe sau phải đạp côn kịch sàn một cách dứt khoát, rồi cứ để xe trôi thậm chí nhả nhẹ một tí thay cho rà thắng. Nếu họ lại đi thì bắt côn trở lại. Chừng nào xe trước dừng hẳn mới phải đạp phanh, ra côn nhẹ nhàng cắt phải dứt khoát, (cũng có thể ra nửa chừng rồi ấn một tí nhưng bạn phải “cảm” xe tới độ “người xe như một” thì mới làm được mà người khác không “gật gù”). Như thế bạn sẽ ít thắng hơn xe trước. Nếu đường tốt, có thể lên số 2 và làm tương tự cho đến khi ra chỗ thông thoáng lên số 3 bỏ chân côn.
Cho xe sau hít khói
Nếu bạn ngồi trên em Buổi sáng (Kia Morning) mà trước có một chú Cam 3.0G thì lái kiểu “êm dịu” có khi cơ bị thúc còi khi đèn xanh. Các chú choai choai không thích thế tí nào.
Làm sao bạn có thể tăng tốc nhanh hơn con Camry kia chứ? Câu trả lời là có thể bằng cách “đi ga trước” côn bắt đều theo nhịp thậm chí ga có thể rồ lên 2.000 – 2.500 vòng/phút cho số 1. Sau đó “nhá” côn về điểm chết và giữ ga 1.200 vòng/phút hoặc hơn tùy vào vận tốc trước đó, vào số 3, bắt nhịp và tiếp tục rồ ga. Xe lao đi như tê, nhưng nhớ đừng lao lên vỉa hè nhé! Các bác tài bảo đó là mài côn cho mau hỏng. Nếu máy khỏe khi mài côn ở số 1, bánh dẫn động thậm chí sẽ “tua” trên mặt đường nghe đánh soạt một cái và sẽ để lại phía sau một bác tài già với câu lẩm bẩm “Mấy thằng choai choai thiệt tình”!
Drift – món không dành cho tài non và người ít tiền.
Chắc các bạn đã thấy chiếc BMW biểu diễn ở Q7, TP. HCM dở tệ đến mức nào! Bạn không thể kém như thế! Đầu tiên là chọn nơi an toàn và hướng cua trước, thường thì drift qua trái dễ hơn drift qua phải (tùy tay thuận), nhưng với mình là thế vì khi drift buộc bạn phải sử dụng chuẩn kỹ thuật “xoa vô-lăng”.
Tăng tốc bằng số 1 và tiếp tục “mài côn” cho xe lao lên (drift bằng số 3 trở lên xe sẽ chết máy khi bạn quay đầu). Khi đạt vận tốc khoảng trên 35 km/h rồi đánh lái sang trái cho xe xoay ngang khoảng vừa hơn 60 độ so với hướng đi ban đầu, kéo (giật) thắng tay dứt khoát. Kéo sớm, bạn có nguy cơ lao lên vỉa hè hoặc lật xe. Kéo trễ bạn sẽ thả không kịp và cảm giác không “đã”. Kéo không dứt khoát, xe sẽ ì ra như con bò già, chả trượt!
Khi bạn có cảm giác “bồng bềnh” rồi thì thả ngay thắng tay và lo chỉnh lái, xe bạn sẽ quay đủ 180 độ. Thả thắng tay sớm quá, xe quay ngang chả giống ai và bạn phải thắng nếu không muốn hôn cột điện. Thả muộn xe bị “văng đuôi” như chú BMW kia mất.
Yêu cầu không quá khắt khe đâu, nếu kỹ thuật tốt, em Buổi sáng drift cũng ngoạn mục không kém siêu xe. Ngoài ra còn các kiểu đốt lốp khác nhưng nó lại cần yêu cầu khắt khe hơn.
Có lẽ bấy nhiêu chuyện đấy bạn tập cho đến khi tự hài lòng thì bạn thành “tài già” mất rồi.
Chúc các bạn lái xe an toàn!
Theo Thegioioto