Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, số vàng trên sẽ sớm được đưa ra thị trường nhằm bổ sung nguồn cung vàng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, việc nguồn cung vàng được bổ sung sẽ kéo giá vàng trong nước về sát với giá thế giới.
Nói như thế, liệu có phải giá vàng tăng đợt vừa qua chỉ là do người mua bỗng dưng thích vàng nên mua nhiều, khiến cán cân cung cầu bị lệch dẫn đến giá vàng tăng.
Thực ra không phải như vậy. Giá vàng trong nước luôn theo sát diễn biến giá vàng thế giới. Đợt vừa qua cũng không là ngoại lệ. Xem biểu đồ giá vàng có thể thấy rõ, gần cả tháng vàng tăng giá ở Việt Nam cũng là đi theo đà tăng chung của thế giới. Đặc biệt, vàng thế giới tăng mạnh và đều sau khi Fed tung ra gói QE3. Gói tiền khổng lồ sẽ tràn ngập thị trường, gây mất giá đồng USD, khiến vàng trở nên lựa chọn thay thế cho USD. Giới đầu tư tính toán như vậy và đã tăng mua, khiến vàng tăng giá. Vàng Việt Nam vì thế tăng theo là chuyện bình thường.
Vàng thế giới tăng trong tháng trở lại đây…
… tương đồng với biểu đồ đi lên của vàng trong nước.
Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết: “Có thể thấy thị trường vàng trong nước biến động phức tạp chủ yếu là do ảnh hưởng biến động của giá vàng thế giới, bắt nguồn từ hai sự kiện gần đây: việc Ngân hàng Trung ương châu Âu công bố quyết định mua trái phiếu để hỗ trợ nền kinh tế các nước trong khu vực đồng tiền chung châu Âu vượt qua khó khăn của cuộc khủng hoảng nợ và đặc biệt sau thông báo ngày hôm 13/9/2012 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ về việc thực thi chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ và cam kết giữ lãi suất ở mức thấp ít nhất đến giữa năm 2015, giá nguyên liệu, giá vàng và các kim loại quý trên thị trường tăng đột biến”.
Ngày 17/9, Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng thay mặt Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân: “Người dân cần bình tĩnh khi tham gia mua bán trên thị trường để tránh những thiệt hại không đáng có”.
Người dân hầu hết bình tĩnh. Nhờ bình tĩnh nên họ biết rõ, việc giá vàng trong nước và thế giới chênh nhau chủ yếu là do quá trình cập nhật giá của doanh nghiệp vàng không “nhanh nhạy”, kịp thời. Giá thế giới tăng một chút thì trong nước tăng xa hơn thế để cho chắc ăn, tránh thiệt hại cho danh nghiệp vàng. Giá thế giới đã hạ song có thể doanh nghiệp cố tình điều chỉnh chậm hơn để tiếp tục bán ra với giá cao số vàng còn lại, tránh thiệt hại cho mình. Còn giá mua vào, họ đã để khoảng cách rất rộng so với giá bán ra từ trước, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhà cái.
Vậy nên, điều công chúng quan tâm hiện nay không phải là can thiệp vào cung cầu vàng như hiện nay. Những đợt can thiệp bằng cách tăng cung để bình ổn giá vàng trong năm ngoái cũng không hề phát huy tác dụng. Giá vàng sốt thì vẫn sốt. Chỉ các doanh nghiệp tham gia bình ổn là được lợi lớn sau những đợt can thiệp như vậy.
Một lãnh đạo NHNN mới đây cũng thừa nhận, vàng tại thị trường Việt Nam không phải là mặt hàng thiết yếu như phân bón, xăng dầu… để đặt ra yêu cầu ngang giá và bình ổn. Bởi nếu giá các mặt hàng thiết yếu biến động quá lớn sẽ gây ảnh hưởng tới nền kinh tế và ổn định vĩ mô, cần phải bình ổn trong khả năng có thể để hạn chế tác động; còn với giá vàng, những biến động mạnh vừa qua và hiện nay không gây những xáo trộn bất lợi.
Thực ra, sự bất lợi cho người dân không đến từ biến động giá vàng, bởi họ cũng nhanh nhạy và đủ trình độ nắm bắt, chịu trách nhiệm với những quyết định đầu tư của mình. Cái bất lợi mà họ biết nhưng không làm gì được, đó là người chơi vừa họ trên sân chơi vàng đồng thời cũng cầm còi thổi cho trận đấu đó.
Cái mà công chúng cần ở Ngân hàng Nhà nước là sự can thiệp của họ vào việc xử lý mức chênh lệch khá lớn giữa giá trong nước với thế giới. NHNN phải làm sao để giá trong nước biến động theo quy luật nhất quán, Nếu đã theo giá thế giới (mà chắc chắn phải như vậy trong thời buổi toàn cầu hóa) thì phải theo triệt để, phải tăng giảm kịp thì, không được lạc nhịp với thế giới, gây thiệt hại cho người dân và tạo khó khăn trong việc tính toán của nhà đầu tư vàng.
Quan trọng hơn, NHNN với vị thế là người điều tiết thịt rường vàng, lại nắm quyền quản lý doanh nghiệp vàng lớn nhất nước là SJC, hòan toàn có thể đưa SJC và các doanh nghiệp vàng đi theo hướng kinh doanh chân chính. Nghĩa là, họ phải cùng chịu rủi ro và cơ cơ hội hưởng lợi nhuận như người chơi vàng bình thường. Không thể họ vừa tham gia chơi trực tiếp trong một thị trường vàng, lại vừa nắm quyền chủ động hoạch định giá bán và luật chơi.
Đặc biệt, với những chính sách mới tạo chủ động hơn trong điều hành giá vàng, Ngân hàng Nhà nước cần sớm loại bỏ những nhân tố gây bất ổn như: Huy động và cho vay vàng của các ngân hàng, tình trạng làm giá và ổn định tâm lý của người dân để… từ đó tạo ra một thị trường ổn định về dài hạn.
Theo Vietnamnet