Nhiều người bức xúc, bởi không hiểu những người có trách nhiệm của Hiệp hội đã suy nghĩ như thế nào mà lại muốn đưa vào Việt Nam thứ phương tiện vận chuyển lạc hậu ấy.
Trong khi đó, ai cũng biết những phương tiện cùng thế hệ và thậm chí cùng một loại công nghệ với nó, như xe lam, xe ba gác máy đã bị chính thức loại bỏ, bằng luật, khỏi hệ thống giao thông đô thị ở Việt Nam từ mấy năm trước. Đề nghị triển khai sản xuất xe tuk tuk trong nước đã có thể bị coi là rất không hợp thời. Đằng này người ta lại lăm le đi nhập, nghĩa là đi dùng những đồng ngoại tệ được tích cóp rất khó khăn, nhất là trong hoàn cảnh hiện tại, để mua thứ xe đó: ý tưởng càng tệ hơn.
Bức xúc xã hội sẽ còn lên cao, khi ý kiến đề xuất này được đặt bên cạnh những ý tưởng hoặc việc đã làm tương tự, diễn ra liên tục trong không gian và trong thời gian, được phản ánh trên các phương tiện truyền thông.
Ở nơi này, cả một công nghệ đóng tàu mà mọi người, kể cả người mua, đều biết là đã bị đào thải vì đắt đỏ và độc hại, được mang về. Ở nơi kia, người ta tranh giành nhau trong việc mua bản quyền truyền hình bóng đá quốc tế, đẩy giá mua lên cao ngất; hậu quả người trong nước xem bóng đá qua tivi lãnh đủ.
Nơi kia nữa, người ta lại tranh giành thị phần bán thuỷ sản bằng cách đua nhau hạ giá bán đến mức có thể được; rốt cuộc, người nuôi cá chịu hết phần thiệt. Còn ở nơi nọ, các trường đại học dỏm đến từ nước ngoài được tiếp đón như những thượng khách, được tạo điều kiện thuận lợi để cung ứng một thứ dịch vụ đào tạo chất lượng rất thấp, nhưng lại với mức học phí trên trời; người học bị móc túi, trong khi xã hội chỉ có được thứ sản phẩm giáo dục không xài được…
Dễ có cảm giác, từ tất cả những chuyện ấy, về sự thoải mái, dễ dãi kỳ quặc đến khó hiểu của không ít những người có trách nhiệm trong hoạch định chính sách, trong quan hệ hợp tác, đối tác làm ăn với nước ngoài, xuất hiện trên mọi lĩnh vực, từ kinh tế đến văn hoá, giáo dục.
Sự dễ dãi đã khiến bên đối tác trong nước, khi đứng trước đối tác nước ngoài, mang bộ dạng hơi tội nghiệp: chất phác, cả tin, dễ bị dụ dỗ, thuyết phục, dễ bị gạ gẫm để chấp nhận những giao kèo bất lợi rành rành.
Không thể nói bệnh thành tích là nguyên nhân chính của xu hướng ứng xử đáng buồn này, dù đúng là trong rất nhiều trường hợp trong khu vực quản lý, người ta gật đầu rất nhanh sau khi nghe báo cáo dự kiến về sự cải thiện của các chỉ số tăng trưởng kinh tế – xã hội rất ấn tượng. Chỉ cần đặt và trả lời câu hỏi liệu nếu người có thẩm quyền không chạy theo thành tích, thì bức tranh đối tác có khả quan hơn, có thực sự được vẽ trên một nền các nguyên tắc đối tác cơ bản như sòng phẳng, bình đẳng và hai bên cùng có lợi, là sẽ thấy.
Rõ hơn, có lý do để tin rằng không ít vị trí trong hệ thống quản lý đang được (hay bị) chiếm lĩnh bởi những con người yếu kém, cả về năng lực chuyên môn, bản lĩnh, sự nhạy bén, đĩnh đạc, tự tin trong cuộc chơi toàn cầu. Không có tầm nhìn sâu rộng, bao quát; không có khả năng phân tích, dự báo chính xác; không có khả năng ghi nhận, đánh giá và cân phân lợi hại trong dài hạn.
Với những “phẩm chất” ấy mà được trao quyền quyết định về các giải pháp quản lý trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, người ta có thể đẩy xã hội, cộng đồng vào chỗ rủi ro mất mát, thiệt hại. Sẽ thật buồn nếu ngày mai, đất nước được nhắc đến như một nơi cạn kiệt tài nguyên và trở thành bãi chứa rác công nghệ của thế giới.
Nhưng buồn nhất là khi phải nhận thấy ở bên đối tác nước ngoài, ánh mắt, thái độ ứng xử chỉ dành cho những thân phận nhược tiểu, chiếu dưới, lúc đối diện với bên đối tác trong nước.
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện
Vietnamnet