Sách hay tháng 9 - Tạp chí Đẹp

Sách hay tháng 9

Sự Kiện

1. “Văn mới 2011 – 2012”

Văn tuyển.
Người tuyển chọn: Hồ Anh Thái.
Đông A & NXB Hội Nhà Văn.

Nếu lâu nay bạn chỉ chăm chắm đọc “văn Tây” vì mất tin vào “văn Việt” thì đây là cuốn sách ít nhiều có thể giúp lấy lại lòng tin nơi bạn. Trước hết, là nhờ vào những người quen, với những sáng tác mới nhất của họ: Lê Minh Khuê với “Đồ cũ”, Ma Văn Kháng – “Người làm câu đối ở tỉnh lẻ”, Nguyễn Thị Thu Huệ – “Không biết nói với ai”, Nguyễn Ngọc Tư – “Biến mất ở Thư Viên”, Phan Thị Vàng Anh – “Hà Nội tháng 7 năm 2011”, Nguyễn Ngọc Thuần – “Hố tử thần”… Nguyễn Ngọc Tư, chẳng hạn, trong cái cách chị xui nhân vật của mình “biến mất”: “… Hảo không biết đó là lần cuối cùng chị nhìn thấy tôi. Hôm ấy tôi mặc áo kẻ màu xanh xám, tóc tôi cắt cao. Biến mất như một phụ diễn trong màn ảo thuật, tôi đi vào khe của những cuốn sách, náu trong thứ bóng tối trong suốt, với ý nghĩ chỉ khi biến mất mình mới được tìm…”

2. “Chỉ dòng sông biết”

Tiểu thuyết.
Tác giả: Amanda Quick.
Người dịch: Nhiệt Xích.
Nhã Nam & NXB Phụ Nữ.

Thực ra thì không phải chỉ mình “dòng sông biết”, trừ khi bạn không chịu đọc cuốn sách. Nhưng nếu như không chịu đọc thì coi như bạn đã bỏ qua mất một cơ hội đi du lịch tới… “thành phố sương mù” mà chỉ mất chưa tới 100 ngàn. Lại là một London của thời Victoria nhưng những câu chuyện thì như vừa mới: những cuộc hôn nhân vì tiền, những tên côn đồ, những cuộc hẹn hò vụng trộm… – dần dần hiện ra sau lớp sương mù và tài “vén sương” của người kể chuyện: Amanda Quick – người đầu tiên được nhận giải thưởng Jane Austen của tạp chí Romantic Times và mang lại “vinh dự cho cộng đồng các nhà văn theo đuổi thể loại tiểu thuyết lãng mạn”.

3. “Có một kẻ rời bỏ thành phố”

Tản văn.

Tác giả: Nguyễn Quang Thiều.
Phương Nam Book & NXB Hội Nhà Văn.

“Buổi sáng chúng ta vội vàng đi làm, vội vàng kiếm tiền, vội vàng mua sắm phương tiện, vội vàng mua đất, vội vàng chơi chứng khoán… Chúng ta hãy tự hỏi: Mỗi ngày chúng ta dành bao nhiêu thời gian cho con cái? Quá ít. Bạn có biết có bao nhiêu nội dung mà cha mẹ nói với con cái trong một ngày không? Quá ít và quá vô cảm. Đó chỉ là những câu hỏi giống như của một thanh tra với nghi phạm: Sao mày lại về muộn, bạn cùng lớp mày về hết cả rồi? Mới cho tiền hôm kia mà tiêu gì đã hết? Điện thoại để đâu mà mẹ gọi không thấy trả lời? Sinh nhật sinh nhẽo gì mà bây giờ mới về? Xem gì trên mạng mà đến 2 giờ sáng? Có chuyện gì mà đứa nào gọi điện cho mày khuya thế?…”. Riêng mỗi việc bị “đọc vị” thế kia cũng đã đủ để bạn khó “rời bỏ” cuốn sách này rồi, phải vậy?

 

Thực hiện: depweb

11/09/2012, 10:40