Chỉ tiêu tăng trưởng: thế thời phải thế?
Mức tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng nhỏ được điều chỉnh lên đến 27%, 30%, tính ra số tuyệt đối là không cao và vẫn thấp so với mức tăng trên 100% của một ngân hàng thương mại cổ phần thời kỳ vàng son trước đây (2007-2009). Xin được là xin.
Thực ra không ít ngân hàng có tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm chỉ dưới 10%. Tổng tăng trưởng tín dụng của toàn ngành, theo con số được đưa ra hôm 8/8, là 1,07% so với cuối năm 2011. Và để đến được đích là 8-10% vào cuối năm thì còn một quãng quá xa, nếu không muốn nói là không thể. Thế nên con số 27% hay 30% đó không có ý nghĩa thực tế nhiều, có chăng chỉ là chiêu PR. Cũng có NHTM không những không xin tăng mà còn xin giảm hoặc giữ nguyên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Chính điều này khiến NHNN lo ngại. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong 10 NHTM được tăng chỉ tiêu nổi lên những cái tên mà theo “thông tin vỉa hè” là nằm trong nhóm “mươi” ngân hàng cần sắp xếp lại. Trong bối cảnh hiện nay, dù hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho mỗi NHTM không còn mấy ý nghĩa, nhưng có lẽ NHNN không nên để một số tổ chức tín dụng biến lệnh mình thành… trò đùa.
Sao bắt áo cổ cồn đi với quần xắn móng lợn?
Sốt ruột trước tình trạng tín dụng gần như không tăng, NHNN đã triệu tập các tổ chức tín dụng, nhưng lần này không phải là nhóm các NHTM lớn (G12) mà là các ngân hàng chưa chịu đưa lãi suất về 15%/năm.
Con số thống kê từ NHNN cho thấy, cùng với việc một số NHTM giảm mạnh lãi suất cho vay, đưa ra hàng loạt gói tín dụng ưu đãi… thì vẫn còn không ít ngân hàng quyết đứng ngoài cuộc chơi, tỷ lệ tín dụng được giảm lãi suất về 15%/năm rất thấp, kể cả tại những ngân hàng lớn. Nhớ lại những năm trước đây, khi cuộc đua lãi suất không ngừng leo thang, NHNN đã gọi các ngân hàng thuộc nhóm G12 đến để đi đến “đồng thuận” giảm lãi suất. Biện pháp này giờ không còn tác dụng. Vì sao? Điểm danh những NHTM lớn, nhất là NHTM nhà nước, chỉ còn Agribank chưa cổ phần hóa. Những ngân hàng đầu tàu như BIDV, Vietcombank, Techcombank, ACB… đều đang phải lo chạy đua do áp lực lợi nhuận. Tăng trưởng tín dụng thấp, nếu tiếp tục bị ép giảm lãi suất, ngân hàng không thể đảm bảo kế hoạch lợi nhuận. Họ sẽ trả lời thế nào với cổ đông? Hơn nữa trước đây, NHNN kêu gọi đồng thuận là cũng giảm lãi suất huy động, giảm bớt lợi nhuận từ cho vay trên thị trường II. Còn giờ, tiếp tục giảm lãi suất cho vay, ngân hàng sẽ lỗ.
Chính phủ, NHNN lại vừa chỉ thị các NHTM tiếp tục hỗ trợ chăn nuôi, thủy sản. Mức lãi suất đề nghị của cơ quan quản lý là 11%/năm; đồng thời giảm lãi suất cho vay các khoản tín dụng cũ. Chăn nuôi, thủy sản vốn nằm trong nhóm đối tượng được ưu tiên từ trước đến nay. Nhưng với mức lãi suất cho vay này, cộng thêm những rủi ro thiên tai, dịch bệnh, NHTM nào “gánh” nổi, nhất là khi ngành này đang trong tình trạng thua lỗ trầm trọng. Hỗ trợ tam nông là cần thiết, nhưng đến mức bắt tất cả các “cổ cồn trắng” xắn quần móng lợn, e rằng chưa thực sự ổn.
Nếu Agribank được coi là ngân hàng tam nông thì cần cho họ cơ chế đặc thù để thực sự là bạn của nhà nông. Thay vì tất cả các NHTM phải dành ít nhất 20% dư nợ cho tam nông, sao không chuyển toàn bộ số dư nợ này về một vài ngân hàng chuyên trách? Như vậy sẽ thuận lợi hơn cho các NHTM và nông dân có những người bạn đồng hành thực sự để vực nông nghiệp lên, giữ vững thị phần xuất khẩu trong bối cảnh khó khăn này. Từ vấn đề này cũng cho thấy, đã đến lúc NHNN nên chia các NHTM không phải theo nhóm, mà theo khu vực, các mảng, các lĩnh vực…
Tìm đường cứu tín dụng
Làm thế nào để tín dụng tăng, chỉ còn 4 tháng nữa là hết năm, mà vẫn chưa có giải pháp mang tính đột phá. Nếu vướng mắc không còn ở lãi suất, thì điểm nghẽn là đâu? Nợ xấu? Chưa hẳn. Chính phủ, NHNN vẫn chưa đưa ra giải pháp cụ thể cho vấn đề xử lý nợ xấu của ngân hàng. Nhưng trước mắt, “hòn đá tảng” chặn dòng chảy của tín dụng này coi như tạm gác qua một bên. Còn lãi suất, theo nhận định của nhiều chuyên gia, khó có thể hạ thêm. Vậy lối thoát là đâu?
Hàng tồn kho cao là mấu chốt của vấn đề. Muốn giải phóng hàng tồn kho chỉ có thể tăng sức mua. Ai mua? Việt Nam có hơn 80 triệu dân, nếu mỗi gia đình, mỗi cá nhân tăng sức mua một chút, lượng cầu sẽ tăng đáng kể. Nhưng tiền đâu mua? Giá xăng, nước sạch, điện thay nhau tăng… người dân đang phải thắt lưng buộc bụng. Với tình hình lãi suất huy động không giảm, lại chưa thể đầu tư vào đâu khi các thị trường vàng, bất động sản, sản xuất hàng hóa… đều ngưng trệ, lượng vốn sẽ dồn về ngân hàng. Sẽ là sức ép lớn hơn cho các NHTM nếu không nhanh chóng giải phóng vốn tồn kho.
Vì vậy, ngoài việc tạo cú hích cho cầu tiêu dùng trong nước, có ý kiến cho rằng đã đến lúc các NHTM phải tìm đường ra nước ngoài. Thị trường các nước như Lào, Campuchia, Myanmar… đang rất ưu đãi các nhà đầu tư. Không những thế, nhu cầu đầu tư của họ lại khá hợp với khả năng của doanh nghiệp Việt Nam: làm đường, trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp (lúa, mía, sắn…). SHB vừa công bố mở chi nhánh tại Lào, tiếp sau đó họ sẽ mở ngân hàng con tại đây. Trước SHB, đã có 4 NHTM khác là Vietinbank, Sacombank, BIDV, MB khai phá thị trường Lào. BIDV cũng đang nỗ lực tìm đường sang Myanmar. Mở được cửa này, sẽ là thị trường lớn cho doanh nghiệp và các ngân hàng Việt Nam.
Thế nhưng, lâu nay chúng ta mới chỉ quen với việc nhận vốn đầu tư, chưa thành thạo chuyện chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài. Để đường đi thuận lợi, sẽ cần một hành lang pháp lý tốt. Việc này lại nằm ở cơ quan quản lý, mà trước hết là vướng ở Pháp lệnh quản lý ngoại hối đang quá lỗi thời hiện nay. Thêm vào đó, phải chuyển đổi được một phần khối lượng tiền đồng mà các NHTM huy động được sang ngoại tệ. Điều này không ai làm được ngoài NHNN.
Tính đến cuối tháng 6/2012: Tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tăng 1,51% so với cuối năm 2011, trong đó có 69 tổ chức tín dụng có mức tăng trưởng âm; 57 tổ chức tăng trưởng dương. 23 tổ chức đề nghị mức tăng trưởng tín dụng vượt chỉ tiêu, 29 tổ chức xây dựng kế hoạch tăng trưởng bằng mức chỉ tiêu thông báo, và 10 tổ chức xin giảm chỉ tiêu tăng trưởng. Dự báo tín dụng toàn hệ thống năm 2012 không VượT quá 8%-10% nên không thể gây áp lực tăng lạm phát.
|
Bài: Thái Thanh