Liên tiếp những tội ác man rợ khiến người ta có thể ngỡ ngàng như thể xã hội đã bị đưa về với thời kỳ bán khai, hồng hoang nào đó. Luật pháp xã hội dường như không còn tác dụng răn đe khi hết xử những vụ giết người man rợ này lại xuất hiện trọng án khác. Phản ứng đầu tiên có thể đọc được trên mạng khi thông tin kẻ giết người Lê Tuấn Anh tự nhận là “em” của Lê Văn Luyện, đa số các phản hồi từ người đọc là phải tăng mức độ xử tội những sát nhân trẻ như Tuấn Anh lên mức tử hình chứ không nên xử ở mức 18 năm tù như Luyện. Rõ ràng đa số ý kiến xã hội thiên về việc xử phạt hơn là ngăn chặn vì tội ác của Tuấn Anh, suy cho cùng, đã được báo trước từ thời Lê Văn Luyện được một bộ phận của giới trẻ xem như “người hùng” và làm thơ, viết nhạc ca ngợi tên sát nhân này…
Một thông điệp được xem là bị nhiễu khi nội dung thông điệp được tiếp nhận sai hay bị hiểu ngược lại. Vụ án Lê Văn Luyện dưới tác động của các phương tiện thông tin đại chúng, đã bị gây nhiễu đối với một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên. Việc “câu view” bất chấp đạo đức trong truyền thông đã vô tình khiến những tờ báo, trang web, những diễn dàn… trở thành đồng phạm của Lê Tuấn Anh. Thế nhưng tất nhiên, chỉ có một mình Lê Tuấn Anh phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.
Các nhà phân tâm học, các chuyên gia nghiên cứu về tội phạm học trên thế giới đã đưa ra rất nhiều lý thuyết phân tích từ thực tiễn và tiếp xúc trực tiếp với các tội phạm để lý giải cho hiện tượng phạm tội. Họ cũng phân biệt hai loại tội phạm: tội phạm chuyên nghiệp và tội phạm xuất phát từ chấn thương tâm lý nên bộc phát một cách bất thường, đột xuất mà vô cùng tàn bạo. Câu trả lời kiểu “vì tôi có họ hàng với anh Luyện” nên cũng hành động như Luyện đã làm rùng mình những người sắt đá nhất. Nhưng đó cũng là câu trả lời “thật nhất” của tội phạm, vì đúng là như vậy. Họ, những tội phạm vị thành niên, tội phạm mới lớn đã từng đọc, từng nghe, từng xem đâu đó những hành vi tàn độc ở một thời điểm nào đó. Giờ có dịp, họ mới… ra tay.
Để có một Luyện 2, Luyện 3… không khó lý giải khi mà ngày càng nhiều các thông tin về bạo lực, vô luân tràn lan ở các phương tiện truyền thông. Một sự thật mà chính những người làm truyền thông cũng không thể ngờ tới, đó là khi hàng loạt báo chính thống lấy các thông tin về tội ác làm sản phẩm báo chí để cạnh tranh, chính những thông tin ấy, khi gieo vào đầu trẻ đã trở thành vết hằn vô thức về cái ác. Đến khi gặp một chấn động tâm lý hoặc những cú sốc về tinh thần, những hành vi bạo lực sẽ trỗi dậy từ vô thức. Điều này cho thấy, điều nguy hiểm cho xã hội không chỉ ở những kẻ thủ ác mà chính là một hệ thống truyền thông “hồn nhiên” vô tình tiếp tay cho tội ác lan tràn.
Một nhà văn đã nói: càng “hồn nhiên” với tội ác – dưới bất kỳ hình thức nào – là càng góp sức mở đường cho tội ác tràn lan.
Một sự thật mà chính những người làm truyền thông cũng không thể ngờ tới, đó là khi hàng loạt báo chính thống lấy các thông tin về tội ác làm sản phẩm báo chí để cạnh tranh, chính những thông tin ấy, khi gieo vào đầu trẻ đã trở thành vết hằn vô thức về cái ác. |
Theo SGTT