Nghệ sĩ hài Giang Còi: Đưa tin về thảm sát, đừng làm độc giả sợ hãi! - Tạp chí Đẹp

Nghệ sĩ hài Giang Còi: Đưa tin về thảm sát, đừng làm độc giả sợ hãi!

Sao

Tôi là người làm trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, cũng là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa ở vùng sâu vùng xa, nên với tôi, đọc báo là một việc không thể thiếu, nó trở thành nếp sống của tôi từ ngày xưa. Ở cơ quan hay ở nhà tôi đều đặt báo tháng. Ngoài báo giấy, tôi còn cập nhật các tin tức từ các kênh khác như mục điểm báo trên truyền hình, đọc thêm báo mạng để mình không bị bỏ sót thông tin. Nhưng thời gian gần đây, tôi ác cảm với báo chí, thấy sợ mỗi khi đọc báo. Vì tin tức về cái ác bây giờ tràn lan trên báo, chưa kể, cách đưa tin về cái ác trên một số tờ như là cổ xúy thêm cho những hành động man rợ ấy.

Những vụ thảm sát liên tiếp được cập nhật, khiến tôi cảm thấy như có một phiến quân IS ảo đang tồn tại trong xã hội này. Những tít bài được đưa lên báo rất khủng khiếp: “Thảm sát 6 người ở Bình Phước vì bị cấm yêu”; “Thảm sát 4 người ở Nghệ An: Bị giết khi chưa kịp ăn mâm cơm vừa dọn”, “Tiết lộ về mới về con dao gây án”, “Lời khan man rợ của nghi phạm”, “Hung thủ ra tay rất tàn độc”;“Thảm sát ở Gia Lai: 4 người bị chém chết”… Tội ác cứ liên tiếp chồng lên nhau, như vẩy cá.

Nghệ sĩ Giang Còi

Song song với những vụ thảm sát là những vụ tai nạn. Báo chí không ngần ngại update cận cảnh từng hình ảnh, khiến bất cứ ai xem xong cũng có thể “khủng hoảng tinh thần”. Nếu là phóng viên, tôi sẽ cầm máy ảnh lên chụp như thế nào đó, để độc giả nhìn thấy có thể liên tưởng ra được, chứ không nên cắm thẳng ống kính vào con chuột bụng đầy dòi bọ để đưa lên báo, như thế tin sẽ trở thành phản cảm.

Rồi vụ các em học sinh cầm ghế đập nhau, túm tóc, xé quần xé áo nhau…  xem báo, tôi thấy xã hội này chỉ toàn tội ác, cảm thấy đạo đức của con người đang xuống cấp trầm trọng, cuộc sống là một màu đen tối. Nhưng tôi nghĩ xã hội này còn nhiều người tốt, việc tốt, nhưng báo chí đã không tập trung khai thác.

Sau những vụ thảm sát gần đây, khắp nơi từ quán cà phê, quán bia, quán trà đá vỉa hè, người ta tụ tập, bàn tán về những vụ thảm sát. Tôi đã nghe thấy những người ngồi quán trà đá bàn tán rằng: “Tao như nó (tên giết người) tao cũng vậy thôi, giết một người cũng dựa cột, giết 10 người cũng dựa cột…”.Nghe mà thấy hoang mang.

Tôi thấy một số tờ báo bây giờ đang đưa tin một cách hết sức phản cảm, viết về một vụ thảm sát, họ lôi từng chi tiết ra miêu tả: “Hai tay hắn cầm hai con dao, mắt long lên lòng sòng sọc…, hắn chém, hắn giết bất cứ người nào hắn gặp…”. Những vụ thảm sát đó còn tiếp tục được kéo dài bằng những lời quảng cáo: “Tình tiết thế nào, mời độc giả đọc tiếp số sau.”. Cứ như thế, cái ác liên tục bị đẩy lên.

Nghệ sĩ Giang Còi trong chương trình “Bữa trưa vui vẻ”

Nhiều người nói, báo chí đưa tin về những vụ giết người tả thực không khác gì phim hành động Mỹ, nhưng lại là những thước phim quay chậm và kỹ lưỡng. Phim hành động cấm chiếu cho trẻ em dưới 16, còn báo chí thì tràn lan, có cấm được ai đâu.

Những người cầm bút là “chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa, vậy thì đừng đánh mất lương tâm của mình, hãy làm đúng chức năng của báo chí là định hướng, xây dựng. Tôi rất thích chương trình Người tử tế, việc tử tế, rất nhiều gương người tốt, việc tốt giúp chúng ta có niềm tin vào cuộc sống, vào xã hội. Và tôi rất sợ chương trình An toàn giao thông, vì an toàn chẳng thấy đâu, chỉ thấy toàn hình ảnh tai nạn, nào thì ô tô lăn từ đỉnh cao xuống chết bao nhiêu người, cái gì đang rơi xuống vực sâu… để thu hút người xem.

Chia sẻ như vậy, tôi không có ý định răn dạy ai cả, đây chỉ là những bức xúc của một độc giả muốn chia sẻ để nhận được sự đồng cảm mà thôi. Bởi tôi thấy cách đưa tin như vậy là đang cổ xúy cho những cái ác chứ không phải chống cái ác.

Thực hiện: Đặng Trung Hiếu

28/08/2015, 11:21