Bánh cưới và rượu sâm banh, chả hiểu để làm gì? - Tạp chí Đẹp

Bánh cưới và rượu sâm banh, chả hiểu để làm gì?

Sống
Có nhiều cách hết mình. Cách phổ biến nhất là thiên hạ chơi gì mình chơi nấy. Người ta xe hơi, người ta váy cưới dài phết đất thì mình phải có bộ váy cưới quét nhà. Người ta bóng bay xanh đỏ, mình phải bóng bay tím vàng. Người ta bánh kem rượu sâm banh, mình sợ gì không sâm banh với bánh kem.

Mười đám cưới ở thành phố bây giờ thì mười một đám có bánh kem và sâm banh. Dù cho cô dâu chú rể có khăn đóng áo dài, dù khách đi dự mặc comple, nhai kẹo cao su hay mặc áo nâu sồng, nhai trầu bòm bèm thì cũng phải có hai thứ ấy mới sang, mới oách và mới đúng kiểu.

 

Rượu sâm banh có nguồn gốc bên Tây. Tây uống trong sinh nhật, trong đua xem trong vũ trường, trong hội nghị và đương nhiên trong cả đám ma. Đám cưới, Tây cũng có dùng nhưng để dốc vào mồm chứ không phải để biểu diễn.

 

Rượu sâm banh, về nhãn hiệu có hàng tỷ loại. Chai thì đắt tới mức chỉ nhấp miệng một lần cũng bằng mấy chiếc xe hơi. Chai thì rẻ đến mức phải ba chai mới bằng giá một chai nước mắm. Bởi vì chúng được làm ra ở những nước khác nhau, những vùng khác nhau, từ những loại nho khác nhau. Có những xưởng làm rượu tồn tại đến mấy trăm năm, có những xưởng mới ra đời cách đây mười lăm phút.

Bản chất của rượu sâm banh là nhẹ hều. Uống nhiều lần cũng không say và dù có say thì say sâm banh cũng là cái say vẻ vang, say không nhục nhã như say đế Gò Đen hay đế Gò Dưa. Chả thế mà nhiều cô nhiều cậu cả đời chả say cái gì bao giờ nhưng say sâm banh là vội vã khoe ra. Ưu điểm của rượu sâm banh là chai đẹp, nút bọc giấy vàng nhìn khác hẳn chai nước tương hay chai dầu ăn con két. Chỉ nhìn cái chai thôi đã cao quý rồi, nói chi tới uống.

 

Còn bánh kem thì sao? Bánh kem cũng có nguồn gốc bên Tây. Sở dĩ gọi là bánh kem vì nó phủ một lớp gì đó mềm mềm, xốp xốp như kem. Châu Âu hay dùng bánh kem trong lễ sinh nhật và cắm các hàng nến ở trên, dúng vào phút khai trương, chủ nhân phải phùng mang thổi tắt nến, nhiều lúc nến không tắt mà răng giả văng ra.

Về thành phần, bánh kem gồm kem, trứng, sữa, bột và đường. Như thế, trong bánh kem chẳng bao giờ có thịt gà, chẳng bao giờ có thịt heo và càng không có rau xanh. Ăn nhiều bánh kem chắc chắn mập cho nên nhiều quý bà quý cô bên Tây thà tự giết mình chứ không cho bánh ấy vào dạ dày.
Có thể khẳng định rượu sâm banh và bánh kem là đôi tình nhân không bao giờ ly dị, luôn được mời mọc một cách trang trọng và là thứ bắt buộc phải có trong các đám cưới ở thành phố hôm nay.

Bước vào phòng tiệc, chỉ cần vác mặt nhìn lên khán đài là thấy chai rượu và ổ bánh kem lù lù để sẵn. Chai rượu thì có kích thước quốc tế chứ ổ bánh thì vô tư, tầm thường nhất cũng ba tầng, còn sang trọng thì bốn-năm tầng. Để làm ra nó, một con bò phải hiến sữa trong ba tháng còn một chị gà khéo phải đẻ trứng trọn đời.

Kìa, cô dâu chú rể đã hiện ra. Chú rể mặc comple đen, cô dâu mặc đầm trắng, nhìn chả khác gì cái chai đứng cạnh cái bánh, rõ ràng là có ý nghĩa sâu xa, khiến bà con hai họ nghẹn ngào.

Sau tràng giới thiệu dài dòng, sến và cũ đến nổi da gà, da vịt của MC, cô dâu – chú rể tay trong tay, mồm trong mồm và dao trong dao cùng cắt bánh.

Những kẻ tầm thường luôn tưởng trọn đời này chả có gì dễ hơn cắt bánh kem. Cái bánh rõ ràng chả phải thanh củi, cũng chẳng phải foocs cây mà là cục bột mềm, dao đưa tới đâu là phải toác ra tới đó. Có thể do bánh cao quá, hoặc dao bé quá, hoặc là cô dâu chú rể xúc động quá (nên thông cảm với họ, vì nhiều khả năng cả đời tân lang và tân nương còn chưa cắt tiết gà) cho nên dao cứ run run, ngập vào trong bánh chả thấy rút được ra. Nhưng mặc kệ, suy cho cùng nó cắt bánh nhà nó chứ có cắt bánh nhà mình đâu mà bày đặt ý kiến. Vả lại, dù cắt đẹp hay xấu, cắt to hay nhỏ, dao bẩn hay dao sạch thì sau khi cắt, bánh có bao giờ ăn đâu. Khéo chỉ có bọn ruồi là quan tâm nhất.

Ngày trước, nghe đồn khi cắt xong, phục vụ sẽ mang vào trong phòng, chia ra cho mỗi quan khách một miếng. Nhưng thực tế hiện nay, chả còn ai làm thế, có lẽ vì chẳng có ai ăn bánh kem với lẩu hoặc với vịt quay, bánh bao hay bò hầm đậu?

Sau màn cắt bánh kem là màn rót rượu. Chú rể run run giật sợi dây thép giữ cái nút chai và nó nổ cái “bốp”. Hay ở chỗ rượu càng rởm, tiếng nổ càng to và bọt trào ra càng nhiều, khiến quan khách tha hồ vỗ tay.

Hai người lại biểu diễn rót rượu, nhưng không phải vào xô hay vào chậu mà vào một kim tự tháp toàn ly. Nghe đâu cả thành phố chỉ vài tay nghệ nhân có khả năng xếp ly như thế mà không bị đổ úp xuống đầu quan khách.

Rượu sâm banh dùng trong đám cưới gần như chả ma nào uống, nghĩa là không nhất thiết phải màu sâm banh, có thể đỏ lòe như siro hạt lựu cũng chả ai phiền. Nhưng điều kỳ lạ là rót đến đâu, khói bốc ra đến đó cứ như đám cưới ở trên mây.

Rượu rót xong là… xong. Quan khách vội vã nhảy bổ vào ăn uống, chả quan tâm gì tới bánh kem và sâm banh, mà dù có quan tâm cũng không được gì, hai thứ đó cứ đứng cô đơn bên nhau cho tới hết chương trình.

Ôi, đám cưới là thế! Nhiều thứ phải có, nhưng có rồi chả hiểu để làm gì? Nhưng suy cho cùng thì ngay cả việc có vợ hay có chồng cũng rất phù du cơ mà!

Theo Thế giới phụ nữ

Thực hiện: depweb

10/08/2012, 16:20