Những ngày đầu năm 2013, thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng Origins đã bổ sung vào bộ sưu tập Plantscription của mình một sản phẩm mới: kem chống lão hóa Plantscription SPF 25 Anti – aging cream với tế bào gốc từ quả mâm xôi. Loại kem này được giới thiệu là sẽ giải quyết bốn dấu hiệu chính của lão hoa da bằng cách sửa chữa các nếp nhăn, nâng da, làm mịn kết cấu và phục hồi các tổn thương khác. Điều đặc biệt là kem Origins Plantscription mới chứa 300.000 tế bào gốc từ quả mâm xôi trong mỗi bình. Các chuyên gia của Orgins công bố rằng sau bốn tuần sử dụng, 83% số người thí nghiệm đã thấy sự cải thiện rõ rệt của các nếp nhăn và độ săn chắc của da.
Chủng mâm xôi được sử dụng trong Origisn Plantscription có tên khoa học là Rubus Idaeus. Loại thực vật này được tìm thấy tại Dei Lombardi, gần Avellino trên dãy núi Apennine ở Ý. Năm 1980, một trận động đất lớn tàn phá thị trấn nhỏ và phá hủy nhiều ngôi nhà Ý lịch sử. Sau khi xây dựng lại từng viên gạch của ngôi nhà, Joan Elizabeth Lang – một người Anh đam mê làm vườn đã quyết định trồng vài cây mâm xôi quanh nhà. Loại quả đỏ mọng nước của những bụi cây này đã khiến cháu gái của Joan Elizabeth, một nghiên cứu viên của Origins hứng thú đến nỗi phải mang chúng vào phòng thí nghiệm để kiểm tra. Kết quả mà Gbriella Colucci khám phá ra thật bất ngờ: tế bào gốc của quả Rubus Idaeus có thể sửa chữa được đến 90% những tổn thương của tế bào. Tiến sĩ Lieve Declercq, một chuyên gia tại Origins cho biết: “Chúng tôi dã thử nghiệm trên 30 loại tế bào gốc thực vật và 6 loại quả mâm xôi khác nhau, tế bào gốc từ Rubus Idaeus hoạt động mạnh mẽ nhất trong tất cả”.
Câu chuyện trên chính là lý do để bài viết này ra đời. Bởi trong khi đợi mua được Plantscription SPF 25 Anti – aging cream nhằm thỏa mãn sự tò mò của một biên tập viên, tôi đột nhiên có hứng thú tìm hiểu thêm về thế giới của tế bào gốc từ thực vật. Chúng ta đều biết tế bào gốc giống như một vệ sỹ trong “hệ thống bảo vệ” của cơ thể người. Khi được đưa vào các bộ phận khác nhau, tế bào gốc có thể phân chia không giới hạn để lấp đầy những thiếu hụt tế bào của bộ phận đó chừng nào cơ thể còn sống. Nếu tế bào gốc trên da hoạt động chăm chỉ, da bạn sẽ đẹp và căng mịn. Ngược lại, nếu chúng lười biếng và mệt mỏi (có thể do đã phải làm việc quá lâu, hoặc do môi trường sống của bạn quá ô nhiễm…), da sẽ nhăn sạm, mất đi độ đàn hồi. Những tế bào gốc thực vật lại là một câu chuyện khác. Năm 2009, khi thực hiện một bài viết về mỹ phảm từ tế bào gốc, tôi vẫn còn nhớ nhiều chuyên gia đã lên tiếng hoài nghi về hiệu quả của tế bào gốc thực vật trong các loại kem dưỡng. Điều gì chứng tỏ rằng những tế bào gốc từ thực vật có thể hoạt động trên da người? Và làm sao chúng có thể “sống sót” qua hàng loạt quá trình bảo quản và sản xuất, cho đến khi được đóng gói trong một lọ kem skincare?
Trong một bài viết, bác sỹ Zoe Diana Draelos (Đại học Dược tại Winston-Salem, North Carolina) giải thích rằng những tế bào gốc thực vật có trong kem dưỡng không tồn tại trong trạng thái “sống” như nhiều người lầm tưởng bởi thiếu các điều kiện bảo quản nghiêm ngặt. Trên thực tế, tế bào gốc được chiết tác từ cây bởi một quá trình hóa học phức tạp, sau đó đa phần được chuyển sang dạng bột mịn hoặc một chiết xuất có khả năng tan trong nước. Người ta sẽ thêm vào các thành phần chống lão hóa truyền thống khác và thế là kem dưỡng chống lão hóa ra đời. Làn da của chúng ta sẽ được hưởng lợi từ các phân tử hóa học có lợi nằm trong tế bào gốc chứ không phải bản thân tế bào gốc ở dạng “sống” như nhiều người vẫn nghĩ. Tuy nhiên, thông tin này rất ít khi được công bố rộng rãi trên truyền thông bởi các thương hiệu mỹ phẩm vẫn thích tính chất kỳ bí kích thích sự hiếu kỳ mà thuật ngữ “tế bào gốc” có thể mang đến cho công chúng.
Hãy lấy ví dụ loại tế bào gốc thực vật đầu tiên xuất hiện phổ biến trong kem dưỡng: tế bào gốc của táo Thụy Sỹ Edelweiss. Loại cây này có thể phát triển ở vùng khí hậu vô cùng khắc nghiệt với lượng nước tối thiểu và nhiệt độ thì đóng băng. Người ta đã tìm ra hàm lượng phong phú các axit leontopodic trong tế bào gốc của táo Edelweiss – một chất chống oxy hóa tự nhiên hoạt động mạnh hơn cả những chất chống lão hóa truyền thống như resveratrol và vitamin C. Như vậy, tế bào gốc Edelweiss được sử dụng trong mỹ phẩm chính vì chất chống oxy hóa này chứ không phải vì nó sẽ “sinh sản” trên da người (một điều bất khả) theo chức năng của một tế bào gốc đúng nghĩa.
Từ lâu chúng ta đã không còn lạ gì với hệ thống chiết xuất thực vật được sử dụng trong các sản phẩm làm đẹp: chúng giàu có các phân tử có lợi cho da như polyphenol, polysaccharides, khoáng chất và các axit amin – điều này thì không còn phải tranh cãi. Các chiết xuất truyền thống từ thực vật cung cấp cho da các chất chất oxy hóa, chất dưỡng ẩm, chất làm sáng da, chất sản xuất collagen và thúc đẩy sự tự sữa chữa. Vậy tế bào gốc từ thực vật có gì ưu việt hơn những chiết xuất truyền thống này? Bác sỹ phẫu thuật Stafford R. Broumand (New York) giải thích: “Tế bào gốc thực vật là sự tổng hợp tất cả các lợi ích mà các chiết xuất thực vật mang đến. Chúng có sự tập trung cao về nồng độ các phân tử có lợi”.