Salzburg: Đau thương & lãng mạn - Tạp chí Đẹp

Salzburg: Đau thương & lãng mạn

Sự Kiện

Con đường di sản văn hóa

Trong bao nhiêu cách để chọn điểm đến cho một cuộc du hành, Lã Hoa thích được đến thăm những di sản văn hóa. Con đường này đã đưa chị qua Melaka, La Habana, Riviera Maya, Roma, Paris, Barcelona, Bruges, Bath, London, Warszawa, Krakow, Berlin, Salzburg, Dresden, Praha… Càng đi càng thấy những cảm nhận mơ hồ trở nên rõ nét hơn, khi được tận mắt thấy con người đã phá hoại rồi khôi phục, nâng niu gìn giữ rồi rũ bỏ lịch sử bằng nhiều cách rất khác nhau ra sao. Những bài viết về hành trình trên con đường di sản văn hóa này chỉ là những câu chuyện nhỏ, nhưng có thể là những bài học lớn mà ở Việt Nam ngày càng có nhiều người quan tâm: Công cuộc bảo tồn và khôi phục những di sản văn hóa trên thế giới.

Khi đi qua những cây cầu, mà tôi thích gọi là những cây cầu của đức tin ở thành phố nhỏ bé ấy, tôi đã được nghe rất nhiều câu chuyện. Di sản văn hóa UNESCO từ năm 1997 – có rất ít dấu tích của các cuộc tàn phá, song rất nhiều chứng tích lịch sử khác – còn cho tôi nhiều bài học mới. Rằng sau những nhân vật có công xây dựng và bảo tồn – từ vua chúa, giáo sĩ đến nô lệ, chính những người dân bản xứ – nhập cư hay dời bỏ, và cả những du khách như tôi đây nữa, đã và sẽ góp phần làm nên vóc dáng một di sản văn hóa.

Tôi đến Salzburg, thành phố lớn thứ tư của Áo với vỏn vẹn 150 ngàn dân, trong một ngày hè khá ướt át và thiếu nắng. Từ trên pháo đài Hohensalzburg nhìn xuống, là thấy ngay một bản nhạc chép tay thật lãng mạn và cổ xưa, với những nóc nhà thờ Baroque (đậm nét ở đây, hơn kiến trúc hậu Roman hay Gothic rất nhiều); những con đường mòn mờ hơi mưa, những bức tường dây leo vấn vít. Và sông Salzach chảy thành một dòng nhạc trôi vô định, không tiết tấu và màu sắc rõ ràng.

 

Alpes nhìn từ pháo đài Hohensalzburg 

Trước khi đổ về sông Inn, một nhánh tả ngạn rất thơ mộng của sông Danube bên Thụy Sĩ, Salzach mảnh khảnh kịp chạy qua nhiều đồng cỏ xanh tươi và những thành phố thanh bình của dãy Alpes, bao bọc 70km đường biên giới giữa xứ Bavaria thuộc Đức và nước Áo. Chắc nhiều người sẽ có cùng cảm nhận như tôi, rằng đây là một trong những vùng biên xinh đẹp nhất trên trái đất. Khi đọc thuật ngữ “Alpine setting”, mô tả phong cảnh vùng Alpes này, tôi không hiểu lắm. Tôi cũng không chắc rằng sau vài ngày đi lướt qua đây, tôi đã thực sự có thêm nhiều hiểu biết. Nhưng ký ức đã kịp ghi lại những hình ảnh của một vùng đất không quá trập trùng hiểm trở và mênh mông, mà rất đỗi gần gũi và thân thiện. Những ngọn núi xanh ngắt ẩn hiện sau những dòng sông nhỏ và hồ nước xanh đậm, những con phố vắt vẻo quanh co, những mái vòm nhà thờ cổ kính, những lan can sắt cũ kĩ, những giàn hoa lẫn với ngói nâu và tường trắng hay xám nhạt làm cho vùng này không chỉ mang dáng dấp bán sơn địa, mà còn có sự pha trộn giữa nét hoang dã và trù mật.

Salzburg (nghĩa là “Lâu đài muối”) cũng không ngoại lệ. “Lâu đài muối” không phải bước ra từ một câu chuyện cổ tích nào đó, mà chỉ những thuyền muối cập cảng về đây trước khi đường tàu hỏa được xây dựng. Nhưng dấu ấn của cuộc cách mạng công nghiệp mấy thế kỉ trước có lẽ không sâu sắc bằng ảnh hưởng của những làn sóng dân cư đổ về đây. Những nghệ sĩ, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ tới đây cư trú từ giữa thế kỷ 18 đã làm cho thánh địa Công giáo được xây dựng từ thế kỉ thứ bảy bớt vẻ trang nghiêm. Ngay cả nhà thờ Saint Peter với mái vòm đặc trưng Vatican cũng không u tịch và đồ sộ. Salzach nom dân dã cũng khác xa Tevere thánh khiết. Chắc còn phải đi nhiều hơn nữa, thì tôi mới trút bỏ được kiểu cách luộm thuộm và ham hố của một du khách, tay lăm lăm máy ảnh và bản đồ dò đường, để bình tĩnh thưởng thức kiến trúc và những tác phẩm nghệ thuật cất giữ trong các giáo đường, bảo tàng, hay ngay trong những cửa hàng lưu niệm bé xíu.

Những cổ vật trưng bày trên pháo đài

Một ngôi nhà cổ từ thế kỷ 17

Vội vã bước qua khu vườn Mirabell Palace Gardens, qua những bậc thềm của nhà thờ Chúa Ba Ngôi, tôi vòng qua ngôi nhà tuổi thơ, được phục chế sau Thế chiến II, của cư dân đặc biệt nhất, Wolfgang Amadeus Mozart, lúc nào cũng nườm nượp khách thăm quan. Rồi hối hả chạy tới bờ sông, qua cây cầu Staatsbrücke để vào khu phố cổ. Trên đường đi, không quên liếc mắt nhìn sang cây cầu sắt cũng mang tên ông, tôi cố hình dung xem có phải cây cầu này chính là nơi thần đồng đánh rơi một bản nhạc tuổi thơ. Ngay cả câu chuyện vừa nghe kể ấy là có thực hay không, tôi cũng chưa kịp tìm hiểu. Song điều đó nào quan trọng gì, các di sản văn hóa sống còn không nhờ những kiểm chứng quá xác thực hay những tư liệu khô cứng. Chúng chỉ không thể sống lâu như vậy, nếu mỗi viên gạch hay ô cửa kia không chất chứa một câu chuyện mờ ảo nào đó.

Chính vì thế mà tôi cố nán lại lâu hơn trên quảng trường, cũng mang tên Mozart, ngắm nhìn bức tượng đồng rất bề thế của nhạc sĩ thiên tài, ra đời ở một căn gác cách đó không xa, mà không cần tìm hiểu nó được đúc năm nào. Chỉ lắng nghe tiếng vó ngựa lõm bõm gần xa, và âm thanh rộn rã của mấy ban nhạc dân gian đường phố. Các festival văn hóa liên tục được tổ chức ở đây suốt mấy tháng hè. Những màn trình diễn này, cùng tour dạo phố miễn phí và các ấn phẩm hướng dẫn đẹp đẽ đã góp phần làm tăng độ hấp dẫn của thành phố di sản. Nhiều du khách khó tính thường ngại khi chứng kiến quang cảnh xô bồ của các địa điểm du lịch nổi tiếng. Song ở đây họ sẽ cảm thấy dễ chịu. Những bậc thang và con đường dốc đứng dẫn lên pháo đài Hohensalzburg, dành cho những người không thích lên đó bằng xe chạy điện, dù đông đúc nhưng khá thư thái dễ chịu. Phong cách của các du khách cũng rất văn minh. Salzburg có tới ba trường đại học, và những nhóm sinh viên tuy khá ồn ào nhưng đã làm cho không khí thêm sinh động.

Một ban nhạc đường phố

Căn gác nơi Mozart sinh ra

Tôi gặp trong sân pháo đài một gia đình người Amish, những tín đồ Thiên Chúa giáo trọng cổ, bảo lưu một lối sống không áp dụng tiện nghi và các tiến bộ kỹ thuật. Hai vợ chồng cao lớn mặc lễ phục rất chỉn chu. Người vợ vấn tóc đuôi sam sau diềm mũ vải, và bận váy dài sát gót chân, người chồng mặc bộ veston truyền thống là lượt thẳng tắp. Họ khoác tay nhau, dắt hai con dạo qua những tủ kính trưng bày cổ vật phong phú, cười điềm đạm trước súng lục, dao găm, áo giáp, thậm chí khố và đai dương vật bằng sắt của lính tráng. Quá khứ, hiện tại, sự giao lưu của các dòng văn hóa và tôn giáo như hiện hữu nơi đây, trong ánh sáng trầm trầm của các gian phòng cổ, hay qua những ô cửa vẫn còn nguyên các nòng súng thần công.

Ô cửa có nòng súng thần công trên pháo đài Hohensalzburg

Chính những cổ vật chiến tranh hay hòa bình, và ngay cả những phù điêu khắc họa hình ảnh uy nghi của các hồng y hay các câu chuyện Kinh thánh rất quen thuộc cũng nhắc nhở một quá khứ khác, không diễm lệ như trong các tác phẩm văn học nghệ thuật của các nghệ sĩ từng sống ở đây, thuộc trường phái Lãng mạn, những kẻ “leo núi” thời Hoàng kim thế kỉ 18-19, mà đau đớn hơn. Salzburg không chỉ lưu lại dấu tích của các trận bom và một trại tập trung người Do thái trong Thế chiến II, mà còn cả những di vật của các cuộc thanh trừng tôn giáo. Tôi đứng trên sân pháo đài, nhìn xuống dòng sông và những cây cầu nhỏ. Trong hơn nghìn năm lịch sử của pháo đài này, đã có bao nhiêu cuộc giao tranh? Và những cây cầu kia được xây vào những năm nào, tên chúng là gì?

Có thể đọc được và cố nhớ những điều ấy từ các sách báo hay trang mạng du ký và lịch sử, nhưng nếu không đi, không đến và hít thở bầu không khí nơi đây, thì không thể có cảm nhận như tôi lúc đó. Không khí ngột ngạt và bi phẫn chắc đã từng bao trùm những cây cầu bình yên dưới kia, nếu chúng kịp ra đời trước thời gian đó, vào những năm 1731-1734. Trong những năm này và nhiều thập kỉ tiếp theo, nhiều vạn giáo dân, sau khi bày tỏ niềm tin vào Cải cách Tin lành 95 điểm của Martin Luther, đã bị ép phải rời bỏ quê hương. Họ đã bỏ lại nhà cửa, của cải, thậm chí con cái thuộc lứa tuổi thiếu niên vì bị bắt vào học các trường đạo Công giáo. Trước đó, vào các thế kỷ 15-16, cũng có những cuộc trục xuất tương tự dành cho các giáo dân Do thái.

Nhưng những cổ vật và di tích, bất luận thuộc nhóm văn hóa hay tôn giáo nào, nếu còn sống sót sau các cuộc xung đột, vẫn được bảo tồn một cách bình đẳng nơi đây. Ngay trong tác phẩm của đại thi hào Goethe, Hermann và Dorothea, về cuộc trục xuất người Tin lành tang thương ấy, vẫn đầy ắp những dòng của đức tin nhưng chan chứa tình người:

Khi chàng trai trên đường trường rảo bước,


trong ánh hoàng hôn, chàng vẫn dõi nhìn


theo bóng thiên thạch đang dần xa khuất


theo đá lăn, lẫn trong bóng tối, im lìm.
(Người viết dịch)

Hành trình qua các di sản sẽ là những chuỗi bất tận của đọc và ghi nhớ, đi và trải nghiệm như thế.

Bài & ảnh: Lã Hoa


Thực hiện: depweb

04/02/2013, 11:06