Âm nhạc trong phim: Cuộc hôn phối bất khả từ - Tạp chí Đẹp

Âm nhạc trong phim: Cuộc hôn phối bất khả từ

Review

Có lẽ Zimmer hơi quá lời khi quên rằng điện ảnh thuở khai sinh hoàn toàn… im lặng. Chẳng có âm thanh nào vang lên và chẳng có câu thổ lộ nào được nghe thành tiếng. Nhưng chuyện ấy kéo dài không lâu. Rồi người ta cũng nhận ra rằng âm thanh đóng vai trò dẫn chuyện, dẫn cảm xúc cho người nghe, thế nên trước khi phim câm nói được thì người ta lồng nhạc cho nó trước. Người ta lồng bằng cách cho cả một dàn nhạc sống đánh trực tiếp, hình ảnh mà bây giờ chỉ còn thấy lại trong các chương trình biểu diễn… xiếc. Đó là vào năm 1926 khi Warner Bros sáng chế ra kiểu nhạc trong phim một cách sơ khai nhất. Nhưng chỉ hơn một thập niên sau, năm 1940, nhạc phim (tính cả nhạc nền, nhạc dạo đầu hay ca khúc trong phim) đã trở thành một yếu tố không thể thiếu trong một tác phẩm điện ảnh, như thể trở thành một cuộc đời thứ hai song hành cùng cốt truyện, thậm chí còn quyết định sự thành bại của một bộ phim.

Cuộc hôn phối ngọt ngào…

Hans Zimmer vốn chỉ là một chú bé con trước khi trở thành người khổng lồ của giới sáng tác nhạc phim. Năm 12 tuổi, khi lần đầu tiên được nghe nhạc nền bộ Once Upon a Time in the West của Ennio Morricone thì ông đã thấy được con đường của mình. “Tôi thật sự không nhớ mình đã mong muốn trở thành ai khi còn bé nhưng khi xem bộ phim ấy và bị những giai điệu của Morricone xâm chiếm thì tôi biết cuộc đời mình đã tìm thấy ánh sáng, ánh sáng hắt ra từ màn bạc với những giai điệu xâm chiếm lấy tâm trạng”.

 

Hans Zimmer, tác giả nhạc nền của không dưới 100 bộ phim điện ảnh nổi tiếng

Đạo diễn trứ danh Alfred Hitchcock bảo rằng: nếu không có âm nhạc thì tính kinh dị trong những tác phẩm điện ảnh của ông gần như vô nghĩa. Và ông nhấn mạnh rằng đạo diễn và nhạc sĩ phải là một ê-kíp ăn khớp nhau, cho nên rất nhiều bộ phim của Hitchcok chỉ thấy lấp lánh mỗi cái tên của người làm ra nhạc phim, Bernard Herman. William Wyler, đạo diễn của phim huyền thoại Ben-Hur khẳng định âm nhạc trong phim quyết định sự thành bại của một bộ phim, “nó giống như một cuộc hôn phối mà cả hai đều phải đến với nhau từ tình yêu, bởi nếu không đó sẽ là một cuộc hôn nhân gượng ép và nhanh chóng tan ra”.

Nhạc phim Ben-Hur được viết bởi nhạc sĩ Miklós Rózsa và ông đã mất rất nhiều tháng để nghiên cứu kịch bản và sáng tác. Rózsa đã tiến hành nghiên cứu âm nhạc Hy Lạp và La Mã đương thời để mang lại cho nhạc phim của mình một âm thanh cổ xưa trong khi vẫn là âm nhạc hiện đại. Ông cũng tự mình chỉ huy dàn nhạc giao hưởng 100 người của hãng MGM trong 12 buổi thu âm để làm sao phải đẩy được tính hùng vĩ của nó nhằm đánh thẳng vào lòng người xem một cảm giác bị choáng ngợp. Và cuối cùng, Rózsa đã đoạt giải Oscar cho Nhạc phim hay nhất.

Âm nhạc trong phim không đơn thuần chỉ là những ca khúc được hát lên bởi nó được hình thành từ 3 yếu tố: Overture/Intermission/Entr’acte (nhạc dạo đầu); Nhạc nền (Theme), nhạc phim (score); và Ca khúc trong phim. 3 yếu tố này sẽ hòa trộn vào nhau để tạo nên một tổng thể xuyên suốt. Trong 3  yếu tố ấy thì nhạc nền đóng vai trò quan trọng nhất bởi âm nhạc được xây dựng từ đường dây kịch bản, khi các nhà soạn nhạc nắm bắt ý tưởng nghệ thuật của đạo diễn, bám sát nội dung, chủ đề, cảm xúc chính của phim. Nhạc nền thu hẹp khoảng cách giữa khán giả và phim. Nhờ bổ sung chất liệu âm nhạc, đời sống nhân vật nói chung và trạng thái cảm xúc nói riêng trở nên sống động hơn, sâu hơn, hiện thực hơn. Do vậy, lực dính giữa phim và khán giả sẽ tăng lên nhanh chóng.

Nhạc phim Ben-Hur

“Rạp chiếu bóng Paradiso” là một phim tình cảm để lại nhiều cảm xúc trong khán giả. Thử tưởng tượng cảnh chàng trai Salvatore đợi chờ cô gái trong mưa, cảnh hai người dạo chơi trên cánh đồng, hôn nhau trong mưa sẽ nhạt, khô cứng ra sao nếu thiếu những giai điệu mê hồn của nhà soạn nhạc Ennio Morricone? Thử tưởng tượng cảnh bố già Cleone qua đời mà lại thiếu đi cả một dàn violin bè chậm trên nền nhạc Speak Softly Love day dứt của Nino Rota. Giai điệu buồn man mác này cũng làm nhớ lại cảnh chiến sĩ tình báo Nguyễn Thành Luân đi bộ trong rừng cao su khi suy nghĩ về con đường hành động của mình. Nhạc sĩ Y Vân đã cho cả một dàn dây bè theo tâm trạng của Thành Luân và làm rất nhiều người xúc động theo bộ phim “Ván bài lật ngửa”.

… nhưng không dễ dàng

Nhạc sĩ Hans Zimmer cho rằng trong một cuộc sống hiện đại như ngày nay thì viết nhạc phim là chuyện không dễ ăn như nhiều thập niên trước. Ngoài tính giai điệu, các bộ phim ngày nay đòi hỏi rất lớn ở yếu tố kỹ thuật phối và hòa âm. Zimmer không phải là người lạ, ông nằm trong Top 100 Thiên tài đương đại theo bình chọn của tờ The Daily Telegraph. Ông là tác giả nhạc nền của không dưới 100 bộ phim điện ảnh nổi tiếng: Rainman, The Lion King, The Gladiator, Angels And Demons, Pirates of the Carribean, The Dark Knight… và gần đây nhất là tác phẩm viễn tưởng táo bạo Inception. Sở hữu 4 giải Grammy, 1 tượng vàng Oscar cùng 7 đề cử Academy Award khác, tài năng của Zimmer được công nhận không chỉ trong phạm vi các tác phẩm điện ảnh có sự đóng góp của ông  mà còn có ảnh hưởng không nhỏ trong việc thiết lập một hình mẫu sáng tạo gợi nhiều cảm hứng cho lớp nghệ sĩ kế cận, cả trong lĩnh vực âm nhạc và điện ảnh. Chú trọng nhiều đến sự biến ảo đa dạng của cây synthersizer, chính sự kết hợp tinh tế các âm thanh electronic với dàn nhạc cổ điển truyền thống đã tạo nên dấu ấn của Zimmer trong các siêu phẩm hành động hoành tráng và giúp ông trở thành người đứng đầu phụ trách mảng âm nhạc cho hãng DreamWorks.

Zimmer cho rằng điều quan trọng là người sáng tác phải đồng cảm với đạo diễn, biết ông ta cần gì, mong gì, điểm nhấn chỗ nào để từ đó khai thác. “Bạn đừng nghĩ rằng tôi phải trở thành Hans Zimmer hay John Williams hay Ennio Morricane. Bạn phải trở thành chính bạn và biết sử dụng âm nhạc của mình cho từng cử chỉ của bộ phim. Tôi tin chắc rằng nếu ngôn ngữ âm nhạc của bạn mà ý nghĩa thì lời thoại trong phim sẽ ngắn hẳn đi”.

Nhạc trong phim ngày càng hiện đại hơn nhưng không có nghĩa là nó xóa mờ được những giá trị ngày xưa. Đến bây giờ hầu như vẫn chưa ai qua được những nhà soạn nhạc huyền thoại như Hans, Philip Glass, John Williams (Mỹ), Nino Rota, Ennio Morricane (Ý), Howard Shore (Canada), Vladimir Cosma (Rumania), Kitaro, Joe Hishaishi (Nhật Bản)… Người ta vẫn nhớ đến tượng đài Philip Glass, một trong những nhạc sĩ tiên phong với phong cách sáng tác đa dạng; từ các tác phẩm cổ điển dành cho dàn nhạc thấm đẫm chất tối giản, được dàn dựng trong các không gian hẹp với các yếu tố của nghệ thuật trình diễn và thị giác đến nhạc nền các bộ phim như The Thin Blue Line, The Truman Show, The Hours, Taking Lives hay Notes on a Scandal…

Nhạc trong phim ngày càng hiện đại hơn nhưng không có nghĩa là nó xóa mờ được những giá trị ngày xưa

Mọi biên giới sáng tạo đều là tương đối; âm nhạc và điện ảnh luôn tỏ ra sẵn sàng cho những thách thức và chinh phục mới. Nhạc nền – một ngành công nghiệp đang vận hành với sự chuẩn hóa, chuyên nghiệp ngày càng rõ nét nhưng vẫn không đánh mất tính hấp dẫn, màu mỡ trong sáng tạo đang và sẽ được nhắc đến như một chất xúc tác không thể thiếu và đang ngày một thăng hoa.

Bài: Nguyên Minh

(theo Sành điệu)

Thực hiện: depweb

30/01/2013, 16:44