Tinna Tình: “Chắc gì Charlie Nguyễn đã đọc cuốn sách của tôi!” - Tạp chí Đẹp

Tinna Tình: “Chắc gì Charlie Nguyễn đã đọc cuốn sách của tôi!”

Sao

(* Tên một ca khúc đồng thời là album thứ 2 của Tina Tình)

Nông cạn đôi lúc là cách để giải khuây

Hôm rồi, nghe Bảo Trâm Idol hát “Hoa lài màu xanh”, tôi lại thấy nhớ chị. Còn nhớ, hồi chị mới xuất hiện ở “Bài hát Việt”, nhạc sĩ Dương Thụ đã có hẳn một bài viết trên Đẹp để ghi nhận kịp thời “một phát hiện mới của rock Việt”. Vậy, cô gái rock ấy hiện nay đâu rồi?

– Cô gái ấy hiện nay đang tạm thời đi vắng, để nhường chỗ cho một cô gái “dễ bảo” hơn. Nhưng chưa biết chừng, cô ấy sẽ có lúc quay lại.

Một cô gái hay ho là thế vì sao lại phải tạm vắng?

– Có thể là ở tuổi 26, 27, con người ta có nhu cầu lắng đọng và hoài cổ hơn chăng? Rock, thì khác, nó chỉ đến khi mình cảm thấy trong mình nhói lên một chút gì đó, khiến mình dằn vặt, muốn bùng nổ, để thoát ra khỏi nó…

Vậy có nghĩa lúc này không có gì nhói lên sao? Hay “Mặt nạ” cũng chính là một bản rock trên giấy?

– Lúc này có thể có nhu cầu bay bổng hơn là bùng nổ (cười), nên pop tạm thời là một lựa chọn hợp lý hơn với Tinna. Còn “Mặt nạ”, thì rất có thể gọi nó là “rock” hay “pop” vì văn phong Tinna lựa chọn ở đây là một thứ văn mà Tinna tạm gọi nó là “đa nhân cách”. Nghĩa là vừa có một chút triết lý (để một cụ già 70 tuổi đọc nó cũng có thể thấy khoái), lại vừa có một chút nhí nhảnh, vô tư (để con nít cũng có thể thấy mình trong đó). Y chang con người Tinna ngoài đời vậy: có lúc ngây ngô, nông cạn như một đứa con nít, lại có lúc thâm trầm, sâu sắc như một bà cụ…

Thường lúc nào thì “bà cụ” biến thành một “đứa trẻ”?

– Là lúc “bà cụ” ấy đang buồn, thì chợt thấy vui lên. Và bỗng dưng muốn mặc một bộ đồ thật quái dị, hoặc làm một điều gì đó thật lạ lùng… Với tôi, nông cạn đôi lúc cũng là một cách để giải khuây.

Và là một cách để… tạo cho đàn ông cảm giác an toàn?

– Đúng rồi! Đàn ông luôn muốn cưới một người phụ nữ nông cạn chỉ vì cảm thấy được an toàn. Còn với một người phụ nữ quá sâu sắc, anh ta luôn cảm thấy không được an toàn và vì thế, người phụ nữ sâu sắc cũng khó mà được an toàn trước người đàn ông của họ.

Biết vậy sao không làm một người nông cạn cho rồi?

– Không được. Làm thế khác nào đeo “mặt nạ”! Mà mình thì đâu có nhất thiết phải lấy chồng!

 

“Anh hùng rơm” có cái hay của nó!

Nhưng kể ra thì đàn ông họ lo cũng đúng đấy chứ! Vì theo phỏng đoán, cuốn sách vừa qua của Tinna Tình ít nhất làm… một người đàn ông của showbiz phải mất ăn mất ngủ?

– Ồ, người đó là ai vậy ta?

Charlie Nguyễn, không đúng sao? Đã có phản hồi nào từ anh ấy? Hay… Hà Dũng?

– Ờ, à… Tại sao anh ấy lại phải phản hồi về cuốn sách của tôi chứ? Vì biết đâu anh ấy chưa đọc nó thì sao? Chắc gì anh ấy đã đọc nó! Và tại sao anh Hà Dũng lại phải gọi cho tôi? Còn nếu như không có ai gọi cho tôi, thì chứng tỏ họ đâu có liên quan, đúng không?

Thì ít ra, là những bài báo nói về cuốn sách? Những bài báo nói rằng rất có thể đạo diễn “Để Mai tính” chính là một trong những nguyên mẫu…

– “Nguyên mẫu”, tức là anh ấy thấy mình ở trong cuốn sách đó hả? Vậy đó hả? Không lẽ anh ta lại đến mức thế? Hoặc là vì độc giả quá “thân” với anh ấy, nên cứ thích suy diễn thế. Mà suy diễn thì có thể đúng, có thể sai, ai biết?

Bởi điều cần “ám chỉ” ở đây là về một người mà ai cũng biết là ai đấy?

– Ồ, thường thì phụ nữ sâu sắc họ không thèm nói gì đâu. Còn một khi họ đã phải nói ra là chứng tỏ mọi thứ đã bị bể ra rồi… Nhưng đừng quên, “Mặt nạ” là một cuốn tiểu thuyết!

Tiểu thuyết, hay chính là tự truyện (hay ít ra, tiểu thuyết phi hư cấu)? Vì biết đâu rằng ngay tên gọi thể loại cũng chính là một cái “mặt nạ” của tác giả?

– Có nghĩa tác giả của nó chỉ là “anh hùng rơm” thôi sao? Ồ, nếu được là “anh hùng rơm” thì thật thích! Vì anh hùng rơm có cái hay của anh hùng rơm đó nha! Dù thực ra, mục đích viết cuốn sách này của tôi không phải để trở thành một “anh hùng”.

Mà là để… “dằn mặt” một ai đấy?

– Trái lại, “Mặt nạ” được ra đời không phải trong lúc đang tức tối mà là rất thanh thản. Đủ để đáp ứng một mục đích duy nhất của người viết: chia sẻ. Còn việc nếu như chẳng may có ai đó tự thấy mình giống một nhân vật trong cuốn sách thì chuyện đó thực ra cũng dễ hiểu thôi. Vì lúc này, xã hội thiếu gì người đeo mặt nạ đâu, nếu như không muốn nói là khắp mọi nơi, hàng ngày, hàng giờ. Chỉ mong, sau khi nhận ra “người quen”, họ sẽ biết giật mình một chút xíu, để hiểu rằng mình đã sống sai thế nào, mình có nên tiếp tục sống thế…

Nhưng biết đâu rằng, cuộc sống thú vị một phần cũng chính là nhờ những chiếc mặt nạ? Những vũ hội hóa trang đấy thôi?

– Cũng như “anh hùng rơm”, mặt nạ đương nhiên có giá trị tích cực của nó. Với điều kiện, nó không làm người ta tổn thương, cũng như khiến người đeo nó cảm thấy mệt mỏi. Và vũ hội hóa trang có lẽ là nơi duy nhất thỏa mãn được cùng lúc hai điều kiện đó.

Chị đã từng đeo mặt nạ chưa mà sao… rành vụ này quá vậy?

– Đương nhiên là cũng có lúc bị lâm vào cảnh đó rồi chứ! Cả làng người ta thế, sao mình tránh được!

Vậy nó đã từng làm tổn thương ai chưa?

– Trong quá khứ xa xôi thì không. Nhưng gần đây thì có thể có.

Vì sao? Vì đàn ông, hay chính cuộc đời, đã “làm hư” cô ấy?

– Không. Chỉ là vì nếu đàng hoàng ra thì mình sẽ không nên nói mình chưa từng làm tổn thương ai. Vì biết đâu là có những tổn thương ở người ta mà mình không biết, và về phía mình, có nhiều khi là cực chẳng đã. Nhưng, có một điều mà Tinna có thể đảm bảo, là Tinna không bao giờ làm tổn thương ai đó nếu như đó là một người đối xử tốt với Tinna.

Nếu đó là một lòng tốt “có kỳ hạn” thì sao?

– Thì ít nhiều mình cũng phải có niềm tin chứ! Không thì làm sao có thể sống được ở một thành phố lớn như thế này. Trừ khi là mình đi ở ẩn.

Vậy, cuối cùng, vì sao chị lại quyết định gỡ bỏ chiếc mặt nạ?

– Thì là, cho đến lúc không chịu nổi nó nữa chứ sao! Ngay chính mình cũng không chịu nổi.

Câu tự răn mình lúc đó là gì?

– Hãy cẩn thận hơn để đừng bao giờ phải đeo lại nó!

Đàn ông đôi khi rất coi thường nước mắt


Nghe nói, chị rất thích cưỡi ngựa?

– Đúng. Thế nên hôm rồi ra Vũng Tàu chơi, tôi đã “vác” theo cả một chú ngựa.

Phẩm chất nào là đáng giá hơn cả ở ngựa?

– Hiền, ngoan. Nhất là những lúc Tinna cho nó ăn cà rốt.

Ô, cái đấy thì… thỏ cũng có!

– Nhưng ngựa hơn thỏ ở chỗ là khi cần, nó sẽ đá bay những kẻ không tử tế.

Nhưng nếu là ngựa… cái, thì vũ khí tốt nhất, biết đâu lại là nước mắt, hơn là những cú song phi?

– Chuyện đó chỉ có trên phim thôi chị! Còn ngoài đời, đàn ông đôi khi họ coi thường nước mắt lắm. Hoặc cùng lắm, họ chỉ giả bộ nhói thôi. Vì nếu nhói thật, họ đã không làm người đàn bà của họ phải khóc. Hay ít ra là sau đó, họ chịu thay đổi. Còn nếu như họ cứ nhói hết năm này qua năm khác mà vẫn không chịu thay đổi thì cái nhói ấy đâu có “ăn được” như… cà rốt.

“Mặt nạ”, như chị nói, biết đâu cũng có thể khiến ai đó nhói lên, và thay đổi, theo chiều hướng tích cực?

– Cũng có thể, với điều kiện: họ nhói thật.

Một ảo tưởng thường gặp, không chỉ ở đàn bà, mà còn ở một người… lần đầu viết văn?

– Đúng là nước mắt đôi khi chẳng là gì với đàn ông. Nhưng nếu là những gì hiện ra trên trang giấy thì khác đấy! Biết bao cặp vợ chồng lôi nhau ra tòa đến nơi rồi, nhưng đôi khi, chỉ cần một bức thư lặng lẽ để đầu giường, và người nhận một mình đọc nó, thì sự thể sau đó, rất có thể sẽ khác. Vì vậy, trong nhiều tình huống khó xử, nếu để chọn một giải pháp, thường tôi chọn những con chữ.  

Trong đấy nói gì?

– “Không còn gì để… nói”.

Tình hình là đang mất niềm tin nghiêm trọng vào cánh mày râu?

– Không có. Vì nếu thế, là thiếu công bằng với những người đàn ông tử tế mà tôi từng biết, hoặc chưa biết. Không thể vơ đũa cả nắm như vậy với chỉ bằng ấy trải nghiệm!

Gọi “Mặt nạ” là tiểu thuyết, thay vì tự truyện, đó có phải là một “giải pháp nhân đạo” cuối cùng của chị với người đàn ông từng thuộc về chị?

– Nhân đạo? Từ đó quá cao siêu với tôi! Vì tôi cũng chỉ là một người phụ nữ bình thường mà thôi, không quá cao thượng cũng không quá nhẫn tâm.

Chị có nghĩ rằng đôi khi sự cao thượng cũng có thể làm hư đàn ông?

– Có chứ! Cái đó là chắc chắn!

 

Cầm cương đàn ông thì mệt lắm!

Dị ứng mặt nạ như vậy, vì sao chị còn dấn thân vào một nơi bị coi là có nhiều mặt nạ như showbiz?

– Đúng, vấn đề là mình rất ghét nó, nhưng mình lại vẫn phải thuộc về. Vì sao ư? Vì khi mình quyết định bước vào làng giải trí, là lúc mình mới chỉ 15 – 16 tuổi và tới giờ mới thấy hết sự thật về nó (phải nói là tồi tệ hơn mình tưởng rất nhiều), thì lại là sự đã rồi. Và đó là cả 10 năm trời của mình, là cả sự nghiệp của mình, mình đã trót sống chết với nó. Thôi thì, mỗi người có một mục đích sống. Vậy nếu như trời thương chị, cho chị một mục đích sống, là trở thành một người nổi tiếng, và muốn có một con đường riêng để đi đến đó (dù có thể chị khó mà lường trước được những gian nan của nó), thì lẽ nào chị lại không vui vẻ đón nhận! Nhất là khi chị đã từng mơ ước thế. Nghĩ đi nghĩ lại, nghề nào mà chẳng có cạm bẫy riêng của nó, nếu như con người ta không biết giữ mình. Trừ khi là đi tu. Mà mình thì chưa đủ can đảm xuống tóc.

Có câu rằng: “Trên mặt đất làm gì có quạ trắng”, chị thấy sao?

– Sao lại không? Chính vì quạ trắng quạ đen đậu chen chúc nên mình mới dễ bị quáng đó chớ!

Tỷ lệ theo chị là bao nhiêu?

– Trong mong muốn của mình thì là 50 – 50. Được thế đã là tốt rồi! Nhưng vẻ như hiện tại là 70 – 30, nghiêng về… quạ đen.

Có nhiều chú quạ đen làm tối bầu trời của chị chưa?

– Vấn đề là có khi quạ trắng bay qua mà mình lại nhìn ra nó là quạ đen thì sao? Tại con mắt mình bị bệnh đó! Không ngoại trừ mình cũng có lúc mù màu vì quá hoang mang…

Có con quạ đen nào từng mang theo… bùa ngải – câu chuyện buồn mà mới đây chị vừa nhắc đến trong “Mặt nạ”, cũng như từng nhắc đến trên mặt báo vì liên quan đến một cú ngã của chị trên sân khấu?

– Chuyện này, trừ khi là trong một cuốn sách mà người ta nghĩ mình có quyền được hư cấu, thì tôi quả thực không muốn nhắc đến nó. Vì làm thế khác nào mình đi tuyên truyền mê tín dị đoan? Ngộ nhỡ có người tin, thì khổ thân họ! Chỉ một cơn đau đầu chóng mặt bình thường, có khi cũng nghĩ mình bị ai chơi bùa thì sao? Chưa kể, còn chạy đi gọi thầy giải bùa, tốn tiền tốn sức. Tốt nhất, theo tôi, chỉ nên sống bằng trải nghiệm của chính mình, hơn là những gì mình chưa trải nghiệm.

Vậy, trải nghiệm nói với chị rằng có hay không có chuyện bùa ngải?

– Tôi đã từng không tin có ma quỷ trên đời và từng rất ngang bướng khi chỗ nào người ta đồn có ma, là tôi phải… tới đó ngủ bằng được. Và thực sự là chưa bao giờ được thấy ma. Nhưng tôi tin là có những người có thể nhìn được không gian ba chiều. Tôi tin những nhà ngoại cảm là có thật. Cả cái gọi là tần sóng “thần giao cách cảm”… Cũng giống như, cùng là mắt, nhưng mắt con ong nó nhìn đời chắc chắn phải khác mắt con chó chứ! Không cứ phải cái gì mình không thấy, thì mình bảo nó là không có…

Không sợ ma, vậy chị đã bao giờ sợ người?

– Ma quỷ luôn có thể xuất hiện trong một con người, kể cả chính bản thân mình. Nhưng nếu mình vững chắc thì sẽ không ma quỷ nào có thể sống lâu được trong mình hay đeo bám mình mãi được. Mà hiện giờ thì Tinna đang rất vững chắc.

Mà không nhất thiết phải có một người cầm cương?

– Ồ, cầm cương một con ngựa thì thích chứ cầm cương một người đàn ông thì mệt lắm!

Bài: Thư Quỳnh
Ảnh: Lê Thanh Hải


 

Thực hiện: depweb

23/01/2013, 14:07