Bận, nhưng vẫn phải viết đã, khi nhớ ra tối nay ông Đặng Thái Sơn và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam sẽ trình diễn tiếp giao hưởng số 4 và số 5 của Beethoven ở Nhà hát lớn Hà Nội.
Beethoven Marathon của nghệ sĩ Đặng Thái Sơn
Thực ra gọi họ là bóng ma thì có phần quá đáng, nhưng ví dụ là thế này. Trong lúc ông Đặng Thái Sơn đang múa những ngón tay trên phím đàn, mọi người đang chăm chú nghe từng thanh âm từ cây piano thong thả, thì xoẹt, rồi phì phò, rồi một bóng người hiện ra ngay sau lưng, tiếng áo khoác sột soạt. Nếu bạn quay lại, thì thậm chí còn bị nhăn nhớ, có người còn bị mắng vì “anh có phải là chủ chỗ này đâu”.
Nhiều năm nay, Nhà hát lớn có cái lệ nếu có buổi diễn thì thể nào cũng tự “cấp” thêm mấy chục suất cho người quen, người nhà, người có quan hệ,…vào xem không có vé. Nếu chỉ là việc kê thêm một hàng ghế sau dãy ghế sau cùng thì chỉ hơi khó chịu. Nếu chỉ là cho một số người quen biết vào và họ đứng trật tự ở lối đi thì cũng chỉ khó chịu thêm một chút, nhưng bây giờ nạn này còn phát triển hơn nữa, người không có vé thản nhiên mở cửa, tràn vào đứng trong các lô, đứng sau hàng ghế của những người mua vé đàng hoàng, quay ngay quay ngữa, sột sà sột soạt,…Việc đi nghe nhạc đang từ thoải mái thành ra khó chịu.
Đã có người mua vé xong đến thấy chình ình trước mặt mình một cái ghế được xếp chen vào, người ngồi đấy cản luôn tầm nhìn xuống sân khấu. Dù không có vé, nhưng nếu hỏi đến thì có thể bị mắng như chơi.
Chưa kể thi thoảng trong những khoảng lặng của âm nhạc, sự yên tĩnh trong nhà hát bị phá tan bởi những tiếng sập cửa của máy ảnh một anh thợ ảnh nào đấy đang tác nghiệp.
Hôm thứ ba vừa rồi, tôi đã phải chạy ra ngoài giữa hai bản concerto để cự với một cậu tự xưng “ở Nhạc viện” chui hết vào lô này lại sang lô kia để xem bằng được, trong khi vé chả có, khiến nguyên cả cánh trái của tầng 2 nhà hát không yên nổi. Cậu chỉ chịu rời đi khi nhân viên bảo vệ đến và nghiêm giọng.
Thích đi nghe nhạc tôi nghĩ là một nhu cầu văn hoá. Những người muốn đi nghe nhạc hẳn nhiên có nhu cầu văn hoá ở chừng mực nào đó, và như thế, lẽ ra họ phải có nhu cầu tôn trọng người khác và được người khác tôn trọng. Mua vé tử tế để đi xem cũng là một hành vi văn hoá và là cách thể hiện sự tôn trọng với nghệ sĩ. Hoặc giả nếu có vì thế nào đó mà nhất định phải đi xem theo kiểu vé chui, thì cũng nên tôn trọng nhu cầu của những người khác, tôn trọng nghệ sĩ bằng cách không làm phiền những người đang thưởng thức âm nhạc.
Tôi nhớ có lần trong chương trình của anh Lê Phi Phi ở Nhà hát lớn, tôi thấy nhạc trưởng Tetsuji Honna cũng đến xem không có vé, ông ấy lặng lẽ đứng ở lối đi ở cánh phải tầng 2 suốt buổi diễn, dù cạnh đấy có cái ghế đang trống. Rồi khi nghỉ giải lao, ông rời khỏi chỗ đó rất nhanh, và quay lại khi mọi người đã vào chỗ hết.
Hy vọng sẽ có vài ba người đọc được bài viết này của tôi trước buổi hoà nhạc tối nay, để không có thêm nhiều người yêu tiếng đàn của ông Đặng Thái Sơn mang theo cả sự bực dọc và khó chịu khi rời Nhà hát lớn…