(Minh họa: Vũ Toản)
Bạn Nguyễn Sỹ Tỉnh, một độc giả quen thuộc của BLOG Dân trí gửi thư cho tôi. Nguyên văn như sau:
“Các cơ quan Nhà nước đang tiến hành nhận xét, đánh giá, phân loại, bình bầu thi đua năm 2012. Nhưng tôi thấy hầu hết các cơ quan từ TW đến địa phương bình bầu theo cảm tính, thiếu khách quan, không chính xác, thậm chí bè cánh, trù dập, nịnh bợ… Rồi cứ lãnh đạo mới được chiến sỹ thi đua, đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, các hình thức khen thưởng bậc cao, mặc dù có người không xứng đáng. Thi đua không còn mang tính chất động viên, khuyến khích, khích lệ người lao động, không có khái niệm “chiến sỹ thi đua” đúng nghĩa mà là “lãnh đạo thi đua” với nhau, rồi “Đường sữa đưa lên, cuốc thuổng ném xuống”…
Đề nghị bác Bùi Hoàng Tám viết một bài báo về thực trạng này, để những “phó thường dân gương mẫu” như chúng tôi biết tý hương vị … thi đua. Nếu được, cám ơn bác nhiều!”
Đúng là chuyện bình bầu gần đây ở không ít cơ quan, đơn vị không chỉ thiếu chính xác mà có nơi còn rất… nực cười. Số lượng người “tài giỏi” không chỉ chiếm đa số mà nhiều khi… gần hết cơ quan.
Thế nhưng theo nhiều khảo sát được công bố thì nhìn chung, đều cùng một nhận xét là hiện nay có không dưới 30% công chức không làm được việc. Số làm được nhưng thiếu tin tưởng cũng khoảng bằng đó. Tức là số người làm được việc chứ chưa nói là xuất sắc chỉ có khoảng chưa đến 50%.
Gần đây nhất, ông Trần Trọng Dực – – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.Hà Nội đưa ra một con số “giật mình”. Tại cơ quan ông, chỉ có khoảng 30% số công chức làm việc tốt, 35% số công chức viên chức khá và trung bình; số còn lại chưa yên tâm khi giao công việc. Điều này có nghĩa là chỉ có 30% số người lao động tiên tiến trở lên, 35% hoàn thành nhiệm vụ và 35% còn lại nên xếp là loại học việc hoặc nên cho… nghỉ việc. Thế nhưng cuối năm, vẫn có thể con số tiên tiến trở lên lại 60-70%. Còn nghỉ việc thì đương nhiên là con số không rồi.
Doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Cơ quan trì trệ. Nền hành chính được gọi là “hành là chính”… Thế nhưng mỗi khi bình bầu, sao mà người tài giỏi, người xuất sắc, người tận tâm, tận sức với công việc không biết ở đâu “chui ra” mà lắm thế. Tóm lại, cá nhân thì toàn những “vĩ nhân” mà cộng đồng thì.. bê bết! Có lẽ chỉ có ở Việt Nam ta mới có chuyện lạ đời như thế này.
Việc “ban phát” một cách “hào phóng” cũng khiến các danh hiệu trở nên… nhàn nhạt. Trước đây, những ai được vinh dự nhận những danh hiệu này, dù chỉ là lao động tiến tiến cũng đã rất tự hào. Cái câu “Một trăm tiền công không bằng một đồng tiền thương” giờ đây không còn nguyên giá trị. Không chỉ người không được tặng thưởng mà ngay cả đối với những người được tặng thưởng cũng thấy… dửng dưng.
Sao người giỏi, người xuất sắc nhiều thế mà nền hành chính ngày càng trì trệ, đất nước vẫn còn khó khăn đến như vậy?