Sáng 11/12, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam thông báo về ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức của CTCP Tổng hợp Gỗ Tân Mai (TMW). Theo đó, ngày 18/12 , DN này sẽ giao dịch không hưởng quyền trả cổ tức cho cổ đông tỷ lệ 20%, tương đương 2.000 đồng/cp.
Đây là một tỷ lệ trả cổ tức rất cao trong bối cảnh rất nhiều DN thua lỗ trong 3 quý vừa qua và dự kiến không trả cổ tức trong năm 2012.
Hơn thế, mức giá cổ phiếu TMW tham chiếu ngày 11/12 chỉ là 3.800 đồng/cp. Như vậy, tỷ suất cổ tức tính theo thị giá hiện tại (tỷ lệ cổ tức/thị giá) đạt hơn 52%. Trong năm 2011, TMW cũng đã trả cổ tức 20% khi thị giá chỉ 4.500 đồng/cp.
Trước đó, cổ đông của Công ty Cổ phần Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (TCT) cũng đã thực sự hoan hỉ khi doanh nghiệp này đưa ra kế hoạch cổ tức 90% cho tầm nhìn năm 2016. Trong năm 2012 và 2013, TCT đặt kế hoạch cổ tức 70%. Tỷ lệ này được tăng lên thành 80% cho hai năm tiếp theo 2014 và 2015.
Một doanh nghiệp khác cũng xin ý kiến cổ đông trả cổ tức khủng khác là HCI của CTCP Đầu tư – Xây dựng Hà Nội (niêm yết trên UPCOM). Theo đó, tỷ lệ cho 2012 là 60%. Trong khi đó, hôm 9/12 HĐQT Công ty cổ phần Công viên Đầm sen (DSN) cũng đã thông qua việc chi trả cổ tức tạm ứng đợt 2 bằng tiền mặt với tỷ lệ 30% (đợt 1 là 6%).
Thông thường, việc chi trả cổ tức sẽ được thống nhất trong kỳ đại hội cổ đông năm sau. Tuy nhiên, cho tới tới thời điểm hiện tại, tính sơ bộ đã có rất nhiều doanh nghiệp đã trả và lên kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt, trong đó có nhiều doanh nghiệp trả tỷ lệ cao cho cổ đông năm 2012 như: CNG (35%), SBC (đợt 1, 20%), NHS (tạm ứng 30%), SDG (30%), DVP (đợt 1, 20%), BHS (tạm ứng 15%), SBT (đợt 1, 15%), SEC (tạm ứng 25%), ABT (tạm ứng 15%), HHC (tạm ứng 15%)…
Nhìn vào thống kê sơ bộ nói trên có thể thấy số lượng các doanh nghiệp trụ vững, hoạt động kinh doanh tốt, trả cổ tức cao trong năm 2012 cũng không phải là hiếm. Tuy nhiên, đây đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều đó có nghĩa là số lượng tỉ lệ cổ đông trên sàn chứng khoán được hưởng niềm vui không phải là nhiều.
DN lớn học theo dài
Điểm chung trong các doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt cao trong năm 2012 là đều có hoạt động cốt lõi khá rõ ràng, ít tham gia vào các lĩnh vực “tay trái” và không hoặc ít sử dụng đòn bẩy vốn từ nguồn vốn vay ngân hàng, nên chi phí tài chính thấp.
Trong các gương mặt nói trên, Cáp treo Núi Bà (TCT), Công viên Đầm Sen (DSN), Giao nhận bia Sài Gòn (SBC), Cảng Đình Vũ (DVP) hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ; SBT, SEC, NHS hoạt động trong lĩnh vực mía đường; ABT thủy sản, HHC bánh kẹo, CNG khí đốt, TMW đồ gỗ; SDG, HCI trong lĩnh vực xây dựng.
Đây đều là những doanh nghiệp làm ăn tốt và rất tốt trong nhiều năm trước đây và trong 9 tháng đầu năm 2012.
Xét trường hợp TCT, chỉ trong 9 tháng đầu năm TCT đã đạt lợi nhuận/cổ phiếu (EPS) gần 16.000 đồng/cp. Kết thúc quý III/2012, TCT đã thu được lợi nhuận trước thuế 62,5 tỷ đồng, vượt 5 tỷ đồng so với kế hoạch được giao cho cả năm và rất cao so với mức vốn chưa đầy 32 tỷ đồng.
Trường hợp Công viên Đầm Sen (DSN) cũng tương tự, doanh nghiệp này có vay nợ nhưng con số là khá khiêm tốn 13,6 tỷ đồng so với vốn 84 tỷ đồng (sắp tăng lên thành 169 tỷ đồng, một phần nhờ lợi nhuận chưa phân phối gần 58 tỷ đồng).
Trong thời gian tới, DSN cũng tính mở rộng sang lĩnh vực khác nhưng có mối liên quan chặt chẽ với hoạt động dịch vụ công viên nước. Cụ thể, DSN dự định sẽ tham gia mua lại 30% vốn cổ phần của dự án taxi và và kế hoạch này đang trong tiến trình thực hiện.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực mía đường như SBT, SEC, NHS, KTS cũng có những bước đi khá vững chắc và đem lại “mật ngọt” cho cổ đông trong bối cảnh thị trường khó khăn. Mặc dù, thị trường đang có những dự báo khó khăn của ngành này trong năm 2013, nhưng diễn biến kinh doanh của các doanh nghiệp này vẫn đang tích cực hơn rất nhiều so với thị trương chung.
Việc trả cổ tức cao là tốt hay là không tốt (xét trên khía cạnh doanh nghiệp mở rộng hoạt động, sử dụng lợi nhuận để giảm chi phí…) chúng ta chưa xét ở đây. Điều mà các cổ đông nhìn thấy rõ là doanh nghiệp liên tục hoạt động tốt và họ đang được thu tiền về đều đặn. Nó trái với tình trạng các doanh nghiệp lớn thi nhau xin điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận, chỉ tiêu cổ tức hoặc hoãn, chậm vô thời hạn.
Các doanh nghiệp nói trên cho dù là nhỏ bé với quy mô thường vài chục tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với những đại gia ngàn tỷ, nhưng rõ ràng đồng vốn của họ đang được sử dụng một cách rất hiệu quả. Một nền kinh tế dựa trên những tế bào nhỏ bé nhưng khỏe mạnh như vậy có lẽ tốt hơn nhiều những khối lớn nhưng đang ủ bệnh.