Đồng nghiệp ấn tượng gì ở Nguyễn Ngọc Tư? - Tạp chí Đẹp

Đồng nghiệp ấn tượng gì ở Nguyễn Ngọc Tư?

Sao

>> Nguyễn Ngọc Tư: “Vừa xa vừa gần và… vừa phải”!

Đạo diễn Minh Nguyệt (người đưa “Cánh đồng bất tận” lên sân khấu kịch)

Một chữ SANG!

Đọc truyện nào của Tư, tôi hầu như cũng đều cảm thấy choáng ngợp. Vì cái sự lung linh của câu chữ. Viết như vậy mới đúng là nhà văn chứ!

Rất nhiều truyện ngắn của Tư có thể chuyển thể sang kịch bản. Vì thứ nhất là nó có cấu trúc lạ, câu chuyện hấp dẫn; thứ hai là tính cách nhân vật hết sức rõ ràng. Và một điều lạ ở Tư là những nhân vật của Tư (chủ yếu là những người nông dân chân lấm tay bùn) mộc mạc, gần gũi nhưng không biết sao lại rất SANG. Một chữ SANG theo tôi là đã đủ để nói về văn chương của Nguyễn Ngọc Tư khi điều đó toát ra một cách tự nhiên từ thần thái của câu chữ chứ không phải do người viết cố tình làm dáng. Chuyển thể tác phẩm của Tư, vì thế, nếu làm không tới, sẽ không thể chạm được đến chữ SANG đó. “Dòng nhớ” chẳng hạn, là một trong những vở làm không tới. Chữ SANG ấy cũng chính là cái hiện nay sân khấu kịch đang thiếu. Kể mà chuyển thể được cùng lúc một series tác phẩm của Tư thì đã quá! Dù so với phim, có nhiều thứ kịch làm không tới được, chẳng hạn như tả cho ra được cái không gian sông nước bàng bạc của Tư… Chính vì vậy mà khi xem “Cánh đồng bất tận” – phim, tôi cũng mong nó sẽ làm được những điều mà “Cánh đồng bất tận” – kịch chưa làm được, nhưng tiếc là vẫn chưa thấy. Chữ SANG của Tư rất khó học!

Tôi vừa xem qua cuốn “Sông” của Tư. Vì mới chỉ xem qua để xem Tư khác thế nào và có thể chuyển thể được hay không nên tôi chưa dám nói hay hay dở ở đây. Nhưng nếu để nói là thích hay không thích thì có vẻ như tôi chưa được thích lắm vì vẻ như tới cuốn này, Tư đã bắt đầu biết “làm điệu” rồi, không gần với mình như trước. Dù về chi tiết thì Tư vẫn giỏi lắm, duyên lắm, có nhiều chỗ giỏi tới mức làm mình phải phá lên cười…

Diễn viên Hồng Ánh (người đặc biệt có duyên với những kịch bản chuyển thể từ tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư)

 

Có thể tôi lại sắp có một vai phim từ truyện của chị…

Ánh hợp với văn chương của chị Tư cũng là điều dễ hiểu khi điểm gặp ở đây là chất rặt Nam Bộ (Cà Mau của chị Tư cũng chính là quê bà nội của Ánh). Cái mà Ánh thích nhất ở văn Ngọc Tư là chị không bao giờ “làm màu”. Tư luôn gây cảm giác chị “có sao nói vậy”, dù câu chữ thực ra là chắt lọc tới mức tinh tế, đầy chất điện ảnh, và cấu tứ câu chuyện thì chặt chẽ hết sức.

Hẳn là nhờ chất Nam Bộ đó mà Ánh khá là có duyên với tác phẩm của chị khi nó được chuyển thể sang phim và kịch. Kể cả là duyên… hụt trên sân khấu và điện ảnh vì vướng lịch đi học ở xa.

Cũng may là sau đó Ánh lại được bù đắp bằng vai Út Lý trong vở “Nửa đời ngơ ngác” (đạo diễn NSƯT Thành Hội) – vở kịch đầu tiên đưa Ánh trở lại sân khấu sau thời gian du học cũng chính là được chuyển thể từ truyện ngắn “Chiều vắng” của Tư. Đó cũng là vở kịch hút khách nhất của một sân khấu sinh sau đẻ muộn như Hoàng Thái Thanh. Cũng chính là một trong những vai diễn mà Ánh yêu thích trong sự nghiệp sân khấu của mình, cho đến nay. Dễ hiểu vì sao truyện của Tư lại được lên phim lên kịch nhiều như vậy. Một địa chỉ tin cậy cho việc chuyển thể!

Mới đây Ánh vừa đọc “Sông” – cuốn tiểu thuyết mới của chị. Tới giờ này thì chị Tư đương nhiên là chuyên nghiệp quá rồi, nên nếu không hay thì cũng không thể có chuyện dở. Nhưng nếu để nói thích thì Ánh vẫn thích Nguyễn Ngọc Tư của truyện ngắn hơn vì có cảm giác ở đó, cái tinh tế, chặt chẽ của chị dường như có đất dụng võ hơn vậy. Tuy nhiên, với một người sáng tạo, thì một thái độ lao động miệt mài và quan trọng nhất là dám thay đổi như chị Tư vừa làm với “Sông”, Ánh nghĩ không phải ai cũng dám làm và làm được. Và Ánh nể chị còn cả vì điều đó…

Thực hiện: depweb

30/11/2012, 16:55