Họp báo Chính phủ tháng 11 chiều nay, 29/11, Chủ nhiệm – Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, chủ trương đưa vào luật quy định về việc sở hữu phương tiện chính chủ, quy định phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu khi sang nhượng phương tiện không phải chủ trương mới.
Trước đây cũng đã có Nghị định quy định việc xử lý hành vi vi phạm quy định về sang tên đổi chủ này, nhằm vào người điều khiển phương tiện. Năm 2005, quy định được sửa theo hướng xử phạt nhắm vào chủ phương tiện. Năm 2007, một lần nữa các quy định được sửa và Nghị định 71 sửa đổi Nghị định 34 là lần chỉnh sửa mới đây.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan xem xét hạ mức phí sang tên đổi chủ phương tiện
Bộ trưởng Đam xác nhận, việc triển khai thực hiện quy định vừa qua là “có vấn đề”, gây bức xúc cho dư luận. Ông Đam cho biết, phiên họp thường kỳ tháng này, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tư pháp có tổng kết, đánh giá và kiến nghị hướng triển khai thực hiện quy định. “Bộ Tư pháp báo cáo cho rằng việc xử lý hành vi này là hợp lý, cần thiết nhưng có 2 vấn đề khi tổ chức thực hiện “chưa thông” trong dư luận, người dân”– ông Đam nói.
Cụ thể, điểm “mắc” đầu tiên ở chỗ, việc xử phạt hành vi không chuyển đổi giấy tờ thể hiện quyền sở hữu phương tiện lại bị chuyển thành việc truy vấn người điều khiển phương tiện có phải là chủ phương tiện không. Cách hiểu, áp dụng pháp luật theo hướng này, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, Bộ Tư pháp nhận định là không đúng. Chính phủ hiện đã giao Bộ Công an chủ trì cùng các Bộ, ngành khẩn trương soạn thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 71 cho đúng.
Ông Đam nhấn mạnh: “Trong quá trình chờ Bộ Công an soạn thảo thông tư hướng dẫn, lực lượng CSGT tạm thời chưa thực hiện việc xử phạt hành vi vi phạm không chuyển quyền sở hữu phương tiện ”.
Vấn đề thứ hai là về phí sang tên đổi chủ như nhiều thông tin phản ánh là quá cao, cộng với thủ tục phức tạp nên thời gian qua với những phương tiện có giá trị không cao như xe máy, chủ xe thường mua bán, chuyển nhượng nhiều lần cũng không đăng ký. Ồng Đam khẳng định, Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan xem xét hạ mức phí cũng như cải cách thủ tục sang tên sao cho thuận tiện nhất với người dân.
“Như vậy có rất nhiều hành vi trong xã hội cần quy định, điều chỉnh bằng các văn bản pháp luật để đảm bảo việc thực hiện theo đúng kỷ cương. Một tài sản, kể cả động sản đương nhiên phải đăng ký sở hữu. Việc này các luật liên quan đều quy định. Nếu không có quy định hướng tới yêu cầu người dân sở hữu chính chủ với phương tiện, sẽ rất khó trong việc giải quyết khi phương tiện được sử dụng để gây những hành vi trái pháp luật khác. Tuy nhiên, cần rút kinh nghiệm, khi thực hiện phải tổ chức tuyên truyền đầy đủ cho người dân. Chủ trương đúng mà tuyên truyền không chuẩn cũng không mang lại hiệu quả” – ông Đam chốt lại.
Theo Dân trí