Đây là một trong những vấn đề được nhiều người đặt câu hỏi cho tạp chí Autocar Vietnam, trên các diễn đàn, các mạng xã hội trong nhiều năm qua. Có người thắc mắc không hiểu mình thu nhập 20 triệu/tháng có nuôi được một chiếc ôtô hay không, hay có người thì lại kết luận thu nhập dưới 30 triệu/tháng thì đừng có hy vọng sở hữu một chiếc ôtô.
Dù thu nhập bao nhiêu thì việc sử dụng một chiếc ôtô sẽ còn tùy thuộc vào thương hiệu, vào mức giá ban đầu bỏ ra, mức tiêu thụ nhiên liệu, chi phí bảo dưỡng và thay thế phụ tùng định kỳ, chi phí sửa chữa hư hỏng bất thường,… Đừng suy nghĩ nặng nề vấn đề này và thực tế khảo sát của Autocar Vietnam cho thấy rằng chỉ cần mỗi tháng bạn tiết kiệm được khoảng trên 4 triệu VND/tháng là đã có thể sở hữu một chiếc ôtô rồi, vấn đề là xe nào mà thôi.
Vậy thực tế là những người sử dụng ôtô đang phải chịu những khoản chi phí gì? Và với mức thu nhập của mình thì bạn sẽ chọn dòng xe nào?
Chi phí sở hữu và sử dụng ôtô
Để được sở hữu và lưu hành một chiếc xe ôtô mới dưới 10 chỗ ngồi không kinh doanh vận tải, người mua xe hiện nay sẽ phải nộp phí trước bạ 10% (đồng hạng trên cả nước) – 15% (tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh), phí đăng ký và cấp biển số (tùy địa phương), bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe ôtô (1 lần/năm), lệ phí đăng kiểm định kỳ (tùy đời xe), phí bảo trì đường bộ (1 lần/năm). Ngoài ra, để đề phòng những trường hợp rủi ro, người sở hữu xe ôtô còn có thể mua các gói bảo hiểm (tự nguyện) như bảo hiểm thân vỏ, bảo hiểm thủy kích, bảo hiểm mất cắp toàn bộ, bảo hiểm mất cắp bộ phận xe,…
Chẳng hạn, để sở hữu và sử dụng chiếc Kia Carens với giá bán lẻ 604 triệu VND, một người ở Hà Nội hiện nay phải bỏ ra số tiền khoảng 720 triệu VND (nếu mua trả tiền ngay). Còn nếu mua chiếc xe này theo hình thức trả góp (thế chấp bằng chính chiếc xe), thì tỷ lệ phần trăm trả trước cũng sẽ được tính trên tổng số tiền mà người mua phải trả nếu trả tiền ngay, tức là trên 720 triệu VND, chứ không phải trên giá bán lẻ.
Trong quá trình sử dụng, các loại chi phí cho chiếc xe gồm có chi phí nhiên liệu, chi phí bảo dưỡng định kỳ, chi phí gửi xe, chi phí sửa chữa phụ tùng hỏng hóc sau khi hết bảo hành,… Với giá nhiên liệu ở mức cao như hiện nay, mức tiêu thụ nhiên liệu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chi phí sử dụng một chiếc ôtô. Còn chi phí bảo dưỡng và sửa chữa sẽ tùy thuộc thương hiệu, dòng xe, đời xe và thậm chí là từng chi tiết phụ tùng.
Cảnh giác với giá xe cũ
Thực tế cho thấy có những chiếc xe thuộc dòng cao cấp đã qua sử dụng, hình thức còn rất long lanh, nhưng giá có vẻ lại rất hấp dẫn. Chẳng hạn, chỉ cần hơn 500 triệu VND, bạn đã có thể sở hữu một chiếc xe BMW 3-series đời khoảng 2005, hay cũng chỉ với hơn 300 triệu VND đã có thể mua Ford Mondeo khoảng năm 2004.
Các chuyên gia trong lĩnh vực này khuyên rằng người mua xe đã qua sử dụng không nên giật mình trước những cái giá “thơm phức” ấy, mà cần xem lại giá bán của mẫu xe đó khi còn mới, hoặc đối chiếu với mẫu xe cùng loại thế hệ mới. Có nhiều nguyên nhân khiến một chiếc xe bị giảm giá mạnh sau khi sử dụng, nhưng một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này tại Việt Nam vẫn là vấn đề chi phí (chi phí sửa chữa hoặc chi phí sử dụng).
Tuy nhiên, chẳng có gì là bất hợp lý và mỗi người đi mua xe đã qua sử dụng đều có lý do cho sự lựa chọn của mình. Việc đánh đổi chi phí sửa chữa và sử dụng để lấy một chiếc xe đẳng cấp với giá bán hấp dẫn cũng là chuyện bình thường.
Các chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết rằng chi phí phụ tùng thông thường tỷ lệ thuận với đẳng cấp của xe và giá xe mới do nhà sản xuất công bố, nên những chiếc xe phổ thông giá rẻ cũng thường có chi phí bảo dưỡng và sửa chữa thấp, và ngược lại, những chiếc xe sang đắt tiền cũng sẽ có chi phí bảo dưỡng sửa chữa cao. Cũng có những trường hợp ngoại lệ, nghĩa là xe phổ thông nhưng chi phí sửa chữa cao, và xe cao cấp nhưng chi phí sửa chữa lại thấp, nhưng các trường hợp này không phổ biến. Thực tế là không phải cứ xe rẻ tiền thì chi phí cho việc thay thế phụ tùng cũng rẻ. Chất lượng phụ tùng của các xe rẻ tiền thường không bằng các xe đắt tiền, cho nên phụ tùng hay hỏng hơn, đồng nghĩa với việc trong cùng điều kiện sử dụng như nhau thì có khi các dòng xe rẻ tiền sẽ bị hỏng trước.
Lịch bảo dưỡng định kỳ sẽ căn cứ trên đồng hồ công tơ mét. Cụ thể là hầu hết các nhà sản xuất khuyến cáo cứ sau khoảng 8.000 – 10.000km thì thay dầu một lần. Tuy nhiên, chủ xe cần căn cứ vào điều kiện sử dụng của mình mà điều chỉnh giảm xuống, chẳng hạn nếu thường xuyên đi trong thành phố, tắc đường liên tục thì có thể chỉ 5.000 – 6.000km đã phải thay dầu. Cứ hai lần thay dầu thì một lần thay lọc dầu (một số hãng thì khuyến cáo nên thay lọc dầu ngay khi thay dầu).
Để một chiếc xe luôn trong điều kiện tốt nhất, các nhà sản xuất cũng đưa ra các gói bảo dưỡng theo mức độ sử dụng xe. Sau khoảng 20.000km hoặc 60.000km thì xe cần được bảo dưỡng cấp 1 (với phụ tùng thay mới gồm dầu động cơ, lọc dầu, lọc gió điều hòa). Sau khoảng 40.000km hoặc 80.000km, chiếc xe cần được bảo dưỡng tổng thể cấp 2 với vài chục hạng mục công việc, trong đó phụ tùng thay mới gồm tất cả các loại dầu (như dầu động cơ, dầu hộp số, dầu cầu, dầu phanh, dầu côn, dầu trợ lực lái), lọc dầu động cơ, lọc nhiên liệu, lọc gió động cơ, lọc gió điều hòa và thay nước làm mát.
Về các chi phí khác, sau khoảng 30.000km (tùy điều kiện sử dụng), má phanh đã có thể phải thay, sau 40.000 – 50.000km có thể phải thay toàn bộ lốp (không kể các trường hợp bất thường như nổ lốp, thủng lốp, rách lốp,…).
Thiết kế đẹp, tiện nghi, phù hợp với khả năng tài chính của số đông, Focus trở thành chiếc xe bán chạy nhất trên toàn cầu trong năm 2012
Chọn xe phù hợp với thu nhập
Anh N.V.B. – công tác tại một tập đoàn truyền thông nổi tiếng tại Hà Nội với khả năng tiết kiệm khoảng 10 triệu VND/tháng – đã quyết định dồn hết số tiền tích lũy bao nhiêu năm để mua một chiếc BMW X5 đã qua sử dụng do một người quen bán lại với giá 800 triệu VND. Anh vô cùng hãnh diện, bởi mình được sở hữu một chiếc xe danh tiếng được nhiều cầu thủ bóng đá thế giới ưa chuộng, với giá bán của mẫu tương tự đời mới lên tới hơn 3 tỷ VND. Nhưng hạnh phúc chẳng tày gang, chỉ sau hơn 1 tháng, hệ thống phanh báo lỗi. Mang đến gara để kiểm tra toàn bộ, anh thật sự choáng váng khi cầm phiếu báo giá. Chỉ riêng bộ má phanh trước đã hơn 8 triệu VND, và bộ lốp cũng đã mòn chạm vạch chỉ báo, hỏi ra mới biết thay bộ lốp 4 chiếc cũng mất hơn 30 triệu VND, đồng nghĩa với việc anh sẽ phải tiết kiệm 4 tháng nữa mới đủ để thay thế riêng hai mục phụ tùng này, trong khi còn một số hạng mục khác với những con số mà anh không thể nghĩ tới.
Đây là câu chuyện có thật 100% mà Autocar Vietnam đã ghi nhận cách đây hơn 1 năm, mà kết cục cho chiếc xế hộp đỉnh cao là bị ông chủ chia tay vội vã. Và đây cũng chỉ là một ví dụ tiêu biểu về trường hợp mua xe không phù hợp với thu nhập.
Nhưng làm thế nào để không chọn nhầm xe? Việc lựa chọn xe, ngoài chi phí đầu tư ban đầu để sở hữu và được phép lưu hành xe, còn phụ thuộc vào chi phí trong quá trình sử dụng chiếc xe như đã đề cập ở trên. Autocar Vietnam tạm chia khung chi phí theo 6 bậc với khoảng thời gian sử dụng là 80.000 – 100.000km đầu. Căn cứ vào các bậc chi phí, đồng thời dựa vào thu nhập và khả năng tiết kiệm, người mua sẽ có thể chọn cho mình một chiếc xe phù hợp nhất.
Những mẫu Kia của Trường Hải đã thành công trong việc tạo ấn tượng về một thương hiệu xe giá rẻ, chất lượng khá ổn định và kinh tế khi sử dụng
Autocar Vietnam cũng không thể đưa ra con số dự đoán về mức chi phí sau hơn 100.000km, bởi đó là khoảng thời gian mà nhiều chi tiết trên một chiếc xe đã có thể phải thay, trong khi mức giá phụ tùng của các thương hiệu khác nhau là rất khác nhau và có thể biến động lớn.
Lưu ý: Khung chi phí mà Autocar Vietnam đưa ra chỉ mang tính tương đối cho phần lớn xe trong nhóm và chỉ bao gồm chi phí bảo dưỡng xe định kỳ (tuân thủ đầy đủ theo khuyến cáo của nhà sản xuất), thay má phanh (3 lần), lốp (2 lần) và chi phí nhiên liệu dựa trên mức tiêu thụ trung bình của nhóm xe đó với mức giá nhiên liệu tạm tính là 24.000 VND/lít. Chi phí tạm tính không bao gồm bảo hiểm, phí bảo trì đường bộ, đăng kiểm, hay thay thế phụ tùng hỏng hóc bất thường. Chính vì vậy, người sử dụng xe ôtô cần dự toán khoản kinh phí phụ trội so với các mức dưới đây:
Mức 1: Xe phổ thông cỡ nhỏ
• Chi phí mua xe: từ 300 – 500 triệu VND (chưa kể lệ phí trước bạ, biển số, phí đăng kiểm và các loại bảo hiểm, phí bảo trì đường bộ…)
• Những gương mặt tiêu biểu: Kia Morning, Daewoo Matiz, Hyundai i10, Hyundai i20, Toyota Vios, Ford Fiesta, Mazda 2,…
• Chi phí sử dụng trong 100.000km đầu: khoảng 190 triệu VND
Chạy ~1.000km/tháng (~30km/ngày): chi phí ~1,7 triệu VND/tháng
Chạy ~1.500km/tháng (~50km/ngày): chi phí ~2,8 triệu VND/tháng
(Sự chênh lệch tùy theo phiên bản động cơ, điều kiện sử dụng và phong cách lái xe của người điều khiển)
Đây là những dòng xe giá rẻ, được coi là phương tiện đi lại thông thường, với trang bị tiện nghi và an toàn ở mức đơn giản, chi phí bảo dưỡng sửa chữa và nhiên liệu tương đối thấp. Trên thị trường xe đã qua sử dụng, đây cũng là nhóm xe được mua đi bán lại nhiều.
Tiêu thụ nhiên liệu trung bình của nhóm xe này dao động trong khoảng từ 5,5 – 6,5 lít/100km (địa hình hỗn hợp). Mỗi lần bảo dưỡng định kỳ cấp 1 chỉ mất dưới 1 triệu VND, trong khi mỗi lần bảo dưỡng tổng thể cấp 2 cũng chỉ khoảng từ 3 – 4,5 triệu VND tùy từng xe. Chi phí thay thế phụ tùng hỏng hóc cũng tương đối thấp. Chẳng hạn như thay toàn bộ lốp của chiếc xe Daewoo Matiz chỉ tốn khoảng 3,6 – 4,4 triệu VND, và thay toàn bộ má phanh loại khá tốt (cả trước và sau) của chiếc Kia Morning cũng chỉ khoảng 1,5 – 1,6 triệu VND.
Kết luận: Nhóm này phù hợp với những người có thu nhập trung bình, nhu cầu đi lại vừa phải (30 – 50km/ngày) và khả năng tiết kiệm dành riêng cho xe trên 4 triệu VND/tháng, thậm chí với những người sử dụng ít thì số tiền tiết kiệm có thể thấp hơn nữa.
Mức 2: Xe phổ thông cỡ vừa
• Chi phí mua xe: từ 600 – 800 triệu VND (chưa kể lệ phí trước bạ, biển số và các loại bảo hiểm, phí bảo trì đường bộ,…)
• Những gương mặt tiêu biểu: Toyota Corolla Altis, Honda Civic, Ford Focus sedan và hatchback, Mazda 3 sedan và hatchback,…
• Chi phí sử dụng trong 100.000km đầu: khoảng 245 triệu VND
Chạy ~1.000km/tháng (~30km/ngày): chi phí ~2,3 triệu VND/tháng
Chạy ~1.500km/tháng (~50km/ngày): chi phí ~3,7 triệu VND/tháng
(Sự chênh lệch tùy theo phiên bản động cơ, điều kiện sử dụng và phong cách lái xe của người điều khiển)
Đây là nhóm các xe được đánh giá là đạt được sự hài hòa của cả hai yếu tố là tính thiết thực và kinh tế trong quá trình sử dụng, đáp ứng nhu cầu của số đông. Không gian đủ rộng với những tiện nghi cơ bản cho một gia đình nhỏ, hoặc những công chức bình thường, và điều quan trọng là khoang hành lý đủ lớn chứ không gò bó như nhiều dòng xe compact. Chính vì vậy, đây là phân khúc xe với những cái tên luôn đứng đầu trong danh sách xe bán chạy nhất trên toàn cầu nhiều năm qua.
Chi phí bảo dưỡng, sửa chữa và nhiên liệu chẳng có gì đáng lo ngại, chỉ cao hơn một chút các dòng xe phổ thông cỡ nhỏ. Chẳng hạn như một lần thay dầu khoảng 500.000 VND, thay má phanh cả trước và sau khoảng 2,8 triệu VND, thay lốp khoảng 10 triệu VND.
Kết luận: Nhóm xe này phù hợp với những người có khả năng tiết kiệm tối thiểu dành riêng cho xe trên 5 triệu VND/tháng và nhu cầu đi lại ở mức trung bình (30 – 50km/ngày).
Mức 3: Xe hạng trung cao cấp
• Chi phí mua xe: từ 900 – 1,4 tỷ VND (chưa kể lệ phí trước bạ, biển số và các loại bảo hiểm, phí bảo trì đường bộ,…)
• Những gương mặt tiêu biểu: Toyota Camry, Ford Mondeo, Honda Accord, Nissan Teana, Hyundai Sonata, Kia Optima,…
• Chi phí sử dụng trong 100.000km đầu: khoảng 380 triệu VND
Chạy ~1.000km/tháng (~30km/ngày): chi phí ~3,5 triệu VND/tháng
Chạy ~1.500km/tháng (~50km/ngày): chi phí ~5,8 triệu VND/tháng
(Sự chênh lệch có thể rất lớn tùy theo phiên bản động cơ, điều kiện sử dụng và phong cách lái xe của người điều khiển)
So với nhóm xe phổ thông cỡ vừa, nhóm xe này gần như là sự mở rộng ở tất cả các khía cạnh, từ kích thước, trọng lượng, đến sức mạnh động cơ, trang bị tiện nghi và an toàn, và mức tiêu thụ nhiên liệu, đồng thời chi phí bảo dưỡng sửa chữa cũng đắt hơn nhóm trước.
Cùng xếp trong nhóm chi phí này còn có những mẫu SUV cỡ trung, hoặc ở mức cao hơn một chút còn có thể có những cái tên trong phân khúc xe sang cỡ nhỏ như Mercedes-Benz C-class bản tiêu chuẩn, BMW 3-series bản tiêu chuẩn, hay Audi A4 bản tiêu chuẩn,…
Tùy theo mẫu xe, dung tích xy-lanh và công nghệ mà mức độ tiêu tốn nhiên liệu có khác nhau, nhưng một số mẫu phổ dụng nhất trong nhóm này thường có mức tiêu thụ khoảng hơn 8 lít/100km đường trường và trên 13 lít trong đô thị.
Kết luận: Nhóm xe này phù hợp với các doanh nhân trẻ và thực dụng. Với nhu cầu đi lại ở mức trung bình, những người sở hữu ôtô trong nhóm này cần có khả năng tiết kiệm an toàn khoảng trên 8 triệu VND/tháng.
Mức 4: Xe sang cỡ trung
• Chi phí mua xe: từ 1,9 – 2,7 tỷ VND (chưa kể lệ phí trước bạ, biển số và các loại bảo hiểm, phí bảo trì đường bộ,…)
• Những gương mặt tiêu biểu: Mercedes-Benz E-class, BMW 5-series, Audi A6, Lexus GS,…
• Chi phí sử dụng trong 100.000km đầu: khoảng 490 triệu VND
Chạy ~1.000km/tháng (~30km/ngày): chi phí ~5,5 triệu VND/tháng
Chạy ~1.500km/tháng (~50km/ngày): chi phí ~8,0 triệu VND/tháng
(Sự chênh lệch có thể rất lớn tùy theo phiên bản động cơ, điều kiện sử dụng và phong cách lái xe của người điều khiển)
Khi đã lựa chọn những chiếc xe trong nhóm chi phí này, người sử dụng ôtô đã không chỉ coi chiếc xe là phương tiện đi lại thông thường, mà còn đề cao tính tiện nghi, sang trọng và là chiếc xe mang thương hiệu thể hiện đẳng cấp. Hạng xe này thậm chí còn “được” phân biệt tại nhiều điểm trông giữ xe.
Song song với những gì mà chiếc xe mang lại, chi phí định kỳ và chi phí bất thường đi kèm cũng không dễ chịu chút nào đối với đa số những người có mức thu nhập trung bình. Chẳng hạn với chiếc Mercedes-Benz E280, mỗi lần thay dầu động cơ hết hơn 2 triệu VND, dầu hộp số gần 6 triệu VND, lọc gió động cơ cũng khoảng 3 triệu VND, một bộ cao su chân máy (2 chiếc) cũng ngót nghét 10 triệu VND, hay lốp xe cũng khoảng 20 – 22 triệu VND/4 chiếc.
Kết luận: Chính vì những chi phí bất thường lớn, chủ sở hữu xe thuộc nhóm này cần có khoản tiết kiệm tối thiểu dành riêng cho xe vượt xa mức chi phí cố định (nhiên liệu và bảo dưỡng định kỳ). Với nhu cầu đi lại bình thường, mức tiết kiệm an toàn tối thiểu cho xe cũng phải là trên 12 triệu VND/tháng.
Mức 5: Xe sang cỡ lớn
• Chi phí mua xe: từ 4,0 – 7,0 tỷ VND (chưa kể lệ phí trước bạ, biển số và các loại bảo hiểm, phí bảo trì đường bộ,…)
• Những gương mặt tiêu biểu: Mercedes-Benz S-class, BMW 7-series, Audi A8, Lexus LS, Porsche Panamera,…
• Chi phí sử dụng trong 100.000km đầu: khoảng 580 triệu VND
Chạy ~1.000km/tháng (~30km/ngày): chi phí ~6,5 triệu VND/tháng
Chạy ~1.500km/tháng (~50km/ngày): chi phí ~8,9 triệu VND/tháng
(Sự chênh lệch có thể rất lớn tùy theo phiên bản động cơ, điều kiện sử dụng và phong cách lái xe của người điều khiển)
Khi đã bước chân vào nhóm xe này, chủ nhân của những chiếc xế hộp không chỉ là những người cực kỳ rủng rỉnh về mặt tiền bạc, mà còn coi trọng đẳng cấp, sự an toàn và sang trọng ở mức hàng đầu.
Các chuyên gia trong lĩnh vực này còn cho biết các phiên bản khác nhau trong cùng một dòng xe (chẳng hạn như giữa S600 và S350, hay giữa 730Li và 760Li) cũng có thể khác nhau rất lớn về chi phí sử dụng, bảo dưỡng và sửa chữa. Đơn cử như riêng bộ má phanh (cả trước và sau) của 730Li khoảng 12 triệu VND, nhưng của 760Li có thể lên đến gần 20 triệu VND. Mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình cũng có thể lệch nhau tới gần chục lít/100km giữa các phiên bản động cơ khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện đường sá và cách xử lý của người lái.
Kết luận: Thật khó để có thể đưa ra một mức tiết kiệm an toàn tối thiểu cho chiếc xe ở phân khúc này, nhưng nếu bạn vẫn mơ ước được sở hữu một chiếc để thỏa mãn nhu cầu đi lại ở mức vừa phải thì phải chuẩn bị kinh phí an toàn trên 13 triệu VND/tháng.
Mức 6: Xe địa hình đa dụng cao cấp
• Chi phí mua xe: từ 3,0 – 7,0 tỷ VND (chưa kể lệ phí trước bạ, biển số và các loại bảo hiểm, phí bảo trì đường bộ,…)
• Những gương mặt tiêu biểu: BMW X5, X6, Audi Q7, Mercedes-Benz GL-class, ML-class, Porsche Cayenne,…
• Chi phí sử dụng trong 100.000km đầu: khoảng trên 500 triệu VND
Chạy ~1.000km/tháng (~30km/ngày): chi phí ~5,0 triệu VND/tháng
Chạy ~1.500km/tháng (~50km/ngày): chi phí ~8,2 triệu VND/tháng
(Sự chênh lệch có thể rất lớn tùy theo phiên bản động cơ, điều kiện sử dụng và phong cách lái xe của người điều khiển)
Điều kiện sử dụng khiến sự chênh lệch về chi phí giữa các xe trong nhóm này là rất lớn. Chẳng hạn như một chiếc BMW X5 trang bị động cơ 4.8L có thể chỉ tiêu tốn khoảng 14 lít/100km đường trường, nhưng sẽ “ngốn” hết khoảng trên 22 lít/100km trong đô thị.
Do thường xuyên phải hoạt động trên địa hình khắc nghiệt, một số chi tiết của nhóm xe này cũng phải thay thường xuyên hơn các dòng xe sedan. Giá phụ tùng của nhóm xe này cũng khiến nhiều người phải giật mình. Đơn cử như một chiếc lốp cỡ 275/55 R19 của Mercedes GL cũng có giá tới hơn 8,5 triệu VND/chiếc, đồng nghĩa với việc mỗi lần thay lốp đã tiêu tốn hơn 34 triệu VND, ắc quy của BMW X5 cũng có giá từ 13 – 18 triệu VND, một bộ giảm xóc khí nén phía trước của BMW X5 có giá khoảng hơn 20 triệu VND.
Chính vì chi phí sửa chữa và thay thế phụ tùng cao, các dòng xe sang đã qua sử dụng thường có tỷ lệ mất giá cao hơn rất nhiều so với các dòng xe phổ thông. Thường thì trong vòng 5 năm đầu mua xe, chi phí cố định (bảo dưỡng định kỳ và nhiên liệu) của nhóm xe này có thể chẳng thành vấn đề, nhưng chi phí cho việc thay thế phụ tùng/sửa chữa sau đó mới là điều đáng nói.
Kết luận: Nhóm xe này chỉ dành cho những người thực sự rủng rỉnh về mặt tài chính. Ngoài khoản chi chí an toàn hàng tháng cho xe khoảng trên 12 triệu VND, chủ xe cần có khoản dự phòng lớn hơn thế rất nhiều.
Quá ít và quá nhiều
Có hai trường hợp đặc biệt mà Autocar Vietnam xếp riêng trong quá trình khảo sát xung quanh vấn đề chi phí sử dụng xe hơi:
Thứ nhất là những người rất ít khi sử dụng xe, nhưng cũng muốn sở hữu một chiếc xe để trưng diện. Chiếc xe của họ chỉ có thể được phát huy vài lần một tháng, đi dạo mát cuối tuần hay đi mua sắm,… Tổng quãng đường chạy trong một năm có khi chỉ vài nghìn cây số. Chính vì vậy, chiếc xe sau khoảng 3 – 5 năm sử dụng vẫn gần như mới. Các hạng mục thay thế khi bảo dưỡng chỉ là thay dầu, bổ sung nước rửa kính hay một vài lần thay lọc dầu động cơ. Tổng chi phí bảo dưỡng xe trong 3 – 5 năm là không đáng kể.
Trường hợp thứ hai thì hoàn toàn ngược lại, đó là những chiếc xe được sử dụng quá nhiều, như phục vụ kinh doanh, chở hàng với tần suất lên tới 100 – 150km/ngày, và tổng số quãng đường chạy trong một năm khoảng 40.000 – 60.000km. Như vậy, chỉ trong vòng một năm đầu hoạt động, chiếc xe đã phải trải qua ít nhất là hai lần bảo dưỡng cấp 1, hàng chục lần thay dầu và lọc dầu, một lần bảo dưỡng định kỳ cấp 2, và ít nhất là một lần thay lốp. Sau 2 – 3 năm đầu hoạt động (tùy xe), nhiều phụ tùng đã có thể phải thay mới với chi phí rất lớn.
Morgan về Việt Nam để đi dạo ven biển – Navara thì có thể quần quật khắp nơi
Câu hỏi thường gặp
– Tôi có 500 triệu VND, mỗi tháng có thể tiết kiệm khoảng 10 triệu VND và muốn mua xe 7 chỗ cho gia đình. Tôi có thể mua trả góp xe Ford Everest mới mà tôi mơ ước hay không? (An Ngọc Tuyền, ngõ 38, Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân, Hà Nội)
– Trả lời: Một chiếc Everest mới bản thấp nhất hiện nay có giá khoảng 745 triệu VND. Để được lưu hành, bạn sẽ phải nộp phí trước bạ (15%), lệ phí đăng ký và biển số (20 triệu VND), bảo hiểm thân xe (khoảng 1,6%/năm), tổng giá trị chiếc xe tạm tính là khoảng 890 triệu VND.
Nếu trả trước 500 triệu VND, bạn sẽ phải nợ lại 390 triệu VND. Giả sử bạn vay với thời hạn tối đa là 60 tháng (để khoản gốc trả hàng tháng là thấp nhất), với lãi suất cho vay mua ô tô hiện nay khoảng 11 – 12%/năm, lãi trên số dư nợ giảm dần, bạn sẽ phải trả cả gốc (6,5 triệu VND) và lãi trong tháng đầu tiên (khoảng 5 triệu VND) lên tới khoảng 11,5 triệu VND.
Trong quá trình sử dụng xe, bạn có thể phải chi nhiều khoản khác như nhiên liệu, bảo dưỡng, chi phí gửi xe (nếu có),… Nếu chỉ chạy khoảng 30 – 50km/ngày thì tổng các khoản này của một chiếc Everest máy dầu hiện nay cũng lên tới hơn 4 triệu VND.
Như vậy, với số tiền 500 triệu VND và khoản tiết kiệm 10 triệu VND/tháng thì bạn không thể mua trả góp Everest mới. Bạn nên chọn mẫu xe khác rẻ hơn hoặc mua xe đã qua sử dụng. Hãy đến đại lý bán xe tin cậy để được tư vấn chi tiết nếu mua xe trả góp.
– Tôi đang lăn tăn giữa một chiếc BMW 3-series đời 2004 và Kia Forte 2010 để sử dụng hằng ngày. Cả hai đều đã qua sử dụng và có giá khoảng 450 triệu VND. Tôi nên chọn xe nào nếu mỗi tháng chỉ dành cho xe khoảng dưới 5 triệu VND? Xin cảm ơn! (Phạm Ngọc Cảnh – thị trấn Hòa Mạc – huyện Duy Tiên – tỉnh Hà Nam, email: ngoccanh_1980@gmail.com, cùng một số bạn đọc)
– Trả lời: Giải pháp an toàn cho bạn là chiếc xe Kia, an toàn hơn về mặt tài chính. Bạn không nên chọn chiếc BMW đã qua 10 năm sử dụng khi khả năng tài chính còn hạn chế.
So với Forte, mẫu 3-series có thiết kế và trang bị phức tạp hơn rất nhiều, từ hệ thống khung gầm, động cơ, hệ thống điện, trang bị an toàn, tiện nghi nội thất,… Việc bảo dưỡng và sửa chữa xe BMW cũng yêu cầu cao hơn và chi phí đắt hơn rất nhiều. Sau 10 năm sử dụng, rất nhiều chi tiết có thể đã đến lúc hỏng hóc và phải thay, có thể tháng này hỏng một thứ gì đó, tháng sau hỏng một thứ khác và chi phí có thể khiến bạn bị choáng. Đơn cử như một lần bảo dưỡng cấp 2 tốn khoảng 13 triệu VND, bộ má phanh cũng có giá khoảng 7 triệu VND, bộ giảm xóc trước có giá lên tới gần 20 triệu VND.
Bài: Trần Việt Anh – Ảnh: Đinh Hùng Sơn
Bài viết được thực hiện với sự hợp tác của: Trung tâm dịch vụ BMW Euro Auto Hà Nội
Gara Thành – 120 Trần Quốc Hoàn, HN
Anycar Mỹ Đình – khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình, Từ Liêm, HN