"12 Years a Slave": Cuộc hành trình không tưởng - Tạp chí Đẹp

“12 Years a Slave”: Cuộc hành trình không tưởng

Review

12 Years a Slave

Quả thực vậy, mặc dù tổng thống đời thứ 16 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Abraham Lincoln đã bãi bỏ chế độ nô lệ, dù đã có biết bao con người kiệt xuất đấu tranh không biết mệt mỏi cho người da màu (đặc biệt trong giai đoạn từ năm 1955 tới năm 1968) như James Farmer, Martin Luther King, Malcolm X, John Lewis và cả các đời tổng thống như Eisenhower, John F. Kennedy nhưng cho đến tận ngày nay, nạn phân biệt chủng tộc vẫn diễn ra hàng ngày ngay trong lòng nước Mỹ.

Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà năm 2013 có tới ít nhất 3 bộ phim đề cập trực tiếp hoặc liên quan chút ít tới vấn đề cũ mà vẫn nóng này, gồm “Lee Daniels’ The Butler”, “Mandela: Long Walk to Freedom”“12 Years a Slave”.

Nếu như “Lee Daniels’ The Butler” dựa trên cuộc đời của Cecil Gains, người quản gia tận tụy tại Nhà Trắng, phục vụ cho 8 đời tổng thống Mỹ qua 3 thập kỷ làm việc, “Mandela: Long Walk to Freedom” kể về nhà lãnh tụ, anh hùng dân tộc Nelson Mandela, thì “12 Years a Slave” lại có sức lay động kinh người, chạm tới trái tim khán giả khi đề cập đến nạn phân biệt chủng tộc kinh hoàng. Thông qua cái nhìn của nhân vật Solomon Northup, người xem cảm nhận được sự thật đáng sợ mà người da màu đã phải trải qua từ thế kỷ 19.

12 Years a Slave

Vốn là một người tự do, Solomon Northup (do Chiwetel Ejiofor đóng) thậm chí được người dân trong vùng kính trọng vì nhân cách và tài năng chơi đàn violin. Thế nhưng, sau khi được hai người bạn mới quen mời tới thủ đô Washington biểu diễn, anh bị lừa bán làm nô lệ.

Trong suốt 12 năm sau đó, Solomon trải qua vô vàn cay đắng, khổ nhục, chứng kiến biết bao chết chóc khủng khiếp, đồng cảm, giúp đỡ cho nhiều số phận con người bất hạnh bị đối xử còn chẳng bằng loài vật nuôi.

“12 Years a Slave” là một thiên trường ca mạnh mẽ, đưa người xem đi từ cảm xúc này tới cảm xúc khác. Bộ phim không chỉ mạnh mẽ về mặt nội dung phim mà bản thân nhân vật chính cũng cực kỳ mạnh mẽ. Solomon Northup nhẫn nhịn, có ý chí kiên định không thể lay chuyển, âm thầm chiến đấu với cuộc đời và với chính bản thân mình để không bao giờ mất đi niềm tin trong việc tìm lại tự do và quay về với gia đình.

12 Years a Slave

Thông qua việc mô tả lại tiểu sử nhân vật Solomon Northup trong khoảng thời gian hơn một thập kỷ, bộ phim còn mang nặng yếu tố lịch sử. Giai đoạn trước khi tổng thống Abraham Lincoln bãi bỏ chế độ nô lệ là giai đoạn hà khắc, tàn khốc nhất đối với người da màu. Sinh mạng họ bị coi như cỏ rác. Những gì tác động sâu đậm nhất, để lại ấn tượng với người xem nhất, khiến ta nhớ lâu nhất luôn là những gì trần trụi, chân thực nhất. Đạo diễn Steve McQueen lựa chọn cách này để xây dựng “12 Years a Slave”.

Trong phim có rất nhiều cảnh miêu tả sự việc cực kỳ chân thực, chân thực tới mức đáng sợ. Cái chết của anh chàng nô lệ trên tàu, số phận bi đát của Patsey (do Lupita Nyong’o đóng), rồi những con người vô danh bị treo cổ đều khiến khán giả phải rúng động.

“12 Years a Slave”, bên cạnh việc xử lý đầy dứt khoát những chi tiết mạnh mẽ, đạo diễn Steve McQueen còn có cách tạo nhịp phim hết sức thông minh. Ông sử dụng âm thanh, tiếng động, lời thoại để tạo nên không khí. Từ mớ hỗn độn nhưng có ý đồ và trình tự ấy như tiếng tàu chạy, tiếng động cơ, lời ca của các nô lệ, tiếng vỗ tay, tiếng rìu bổ, từng trường đoạn một lại có nhịp phim riêng.

12 Years a Slave

Cùng với “American Hustle”, “12 Years a Slave” là hai tác phẩm có dàn diễn viên đông đảo và đồng đều về diễn xuất nhất trong năm 2013. Ngay cả “Dallas Buyers Club” với diễn xuất tuyệt đỉnh của Matthew McConaughey, Jared Leto hay “August: Osage County” với sự tham gia của Julia Roberts và Meryl Streep tuy cũng rất “mạnh” nhưng còn kém một bậc vì số lượng.

Bên cạnh nhân vật chính Solomon Northup do Chiwetel Ejiofor đảm nhận, các diễn viên phụ khác cũng thể hiện được tài năng thực sự của mình. Những vai diễn nhỏ của Paul Dano, Benedict Cumberbatch, Paul Giamatti cho tới Michael Fassbender, Lupita Nyong’o đều để lại nỗi ám ảnh cho khán giả. Tất nhiên, công việc diễn xuất phụ thuộc phần lớn vào khả năng của diễn viên nhưng người đạo diễn cũng có vai trò quan trọng. Thành công của “12 Years a Slave” nhờ rất nhiều vào tài dàn dựng, cách kể chuyện, cũng như chỉ đạo diễn xuất của Steve McQueen.

12 Years a Slave

“12 Years a Slave” đồng đều ở tất cả mọi khâu. Từ đạo diễn, kịch bản cho tới quay phim, diễn xuất, âm nhạc, phục trang. Đáng tiếc so với các đối thủ khác trong mùa giải Oscar vừa qua, “12 Years a Slave” lại không vượt trội hơn, thậm chí còn bị lép vế. Chính vì vậy, bộ phim chỉ đoạt 2 giải thưởng cá nhân dành cho Lupita Nyong’o (nữ diễn viên phụ) và John Ridley (kịch bản chuyển thể). “12 Years a Slave” là trường hợp dị biệt của điện ảnh Mỹ trong năm qua. Có thể kém cạnh ở từng khâu nhưng xét về mặt tổng thể, một cách toàn diện thì “12 Years a Slave” xứng đáng đoạt giải cao nhất tại lễ trao giải Oscar.

“12 Years a Slave”
không phải là tác phẩm đầu tiên đoạt giải Phim xuất sắc mà chỉ thắng thêm 2  hạng mục khác. Trong lịch sử, có không ít bộ phim kinh điển như “The Godfather”, “Casablanca”, “Midnight Cowboy”, “Rocky” mang về ít hơn 3 giải.

Không ẵm về quá nhiều giải thưởng cá nhân nhưng chắc chắn “12 Years a Slave” sẽ còn được nhắc đến nhiều trong lịch sử điện ảnh và lịch sử giải Oscar.

Đạo diễn: Steve McQueen
Diễn viên: Chiwetel Ejiofor, Michael Fassbender, Lupita Nyong’o, Paul Dano, Benedict Cumberbatch, Brad Pitt
Thể loại: Lịch sử / Tiểu sử / Tâm lý
Thời lượng: 134 phút
Đánh giá: 5 sao

 

logo 

>>> Có thể bạn quan tâm: Mặc dù khai thác đề tài về sự cô đơn nhưng bộ phim không khiến khán giả phải khổ não, u sầu, không làm cho người xem chán chường, tuyệt vọng với cuộc sống hiện tại. Thật đáng ngạc nhiên, “Her” có sức cuốn hút kỳ lạ, hài hước nhẹ nhàng đủ khiến ta mỉm cười, tình cảm vừa đủ để khiến ta bâng khuâng, giả tưởng vừa đủ để khiến ta tò mò, ngạc nhiên.

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

08/04/2014, 17:41