Xứng bằng vàng ròng

Có những người về nhì, còn hơn cả kẻ chiến thắng. Có những tấm huy chương sáng hơn tráng vàng… Thể thao có lý trí riêng của nó, cho mục tiêu cao hơn và xa hơn, trong khả năng đầy tiềm ẩn của con người.

 Tiền vệ Tuyết Mai (số 10).

Lịch sử nền thể thao Việt Nam không thiếu những VĐV xuất sắc như thế. Hẳn không ai quên tấm HCB Olympic đầu tiên của Việt Nam – nữ võ sĩ Taekwondo Trần Hiếu Ngân (Thế vận hội Sydney 2000) hay mới đây là VĐV cử tạ Hoàng Anh Tuấn tại Olympic Bắc Kinh 2008.

Họ vượt lên trên tất cả, để ghi danh nền thể thao Việt Nam trên trường quốc tế, bằng nỗ lực cá nhân. Nhưng ấn tượng nhất với người viết, hẳn phải là chiếc HCB của các “cô gái vàng” Việt Nam ở thảm cỏ Thái Lan – SEA Games 24 (tháng 12/2007), dù rằng đó là lần đầu tiên sau 3 kỳ SEA Games liên tiếp, chúng ta mất “vàng”.

Hơn cả chiến thắng

Đè bẹp Campuchia tới 9 – 0, dễ dàng loại bỏ Lào ở Municipality, các “cô gái vàng” Việt Nam đường hoàng bước vào bán kết với “kỳ phùng địch thủ” Myanmar. Một chiến thắng khó khăn, nhưng xứng đáng trước Myanmar (tỷ số chung cuộc là 2 – 1 cho Việt Nam, sau 120 phút thi đấu) và chỉ cần một bước chân nữa, chúng ta sẽ bảo vệ được chiếc HCV lần thứ 4 liên tiếp. Nhưng Tuyển nữ Việt Nam của HLV người Trung Quốc – Trần Vân Phát đã “gãy” vào thời khắc quyết định. Tuy vậy, dù thua Thái 0 – 2, nhưng các cô gái Việt Nam vẫn cứ là người hùng.

Sau khi trận đấu kết thúc, dù rất buồn nhưng chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ vẫn dành những lời động viên đối với thầy trò ông Trần Vân Phát. Ông nói: “Sẽ không một ai trách móc chuyện đội bóng đá nữ không thể bảo vệ được chiếc HCV. Chúng ta đã làm tốt nhất có thể và hôm nay, các bạn vẫn là những người hùng…”

Trong phòng họp báo sau trận chung kết hôm ấy, thầy Trần Vân Phát cũng khảng khái: “Tôi vẫn phải cảm ơn các học trò, họ đã thi đấu rất nỗ lực, cảm ơn người hâm mộ đã luôn sát cánh cùng đội bóng và cảm ơn các bạn phóng viên theo sát đội để đưa tin, ủng hộ chúng tôi.

Là một HLV chuyên nghiệp, tôi không bao giờ bàn về vấn đề trọng tài, sau khi trận đấu đã kết thúc. Trong bóng đá, tiếc nuối là một phần không thể thiếu và thực tế, hôm nay chúng ta đã rất tiếc”.

Thực tế, nữ trọng tài người Malaysia – Rita Gani đã quá o bế chủ nhà Thái Lan, ở tình huống thổi phạt penalty, mặc cho Đào Miện đã đoạt bóng rất hợp lý từ chân tiền vệ Seesraum. Sự vô lý của trọng tài người Malaysia, thậm chí đã khiến các phóng viên Thái cũng phải lắc đầu.

Từ khi trận đấu mới khởi đi, Rita Gani đã liên tục có những tiếng còi gây ức chế cho cầu thủ Việt Nam, dù đó chỉ là một pha tranh chấp bóng bình thường. Thời điểm trước khi vị “nữ hoàng áo đen” chỉ tay vào chấm phạt đền cho Thái Lan, tỉ số mới là 1 – 0 và mọi chuyện còn ở phía trước, nhưng khi nó được nhân đôi cách biệt thì tất cả đã chấm dứt.

Nhưng nước mắt vẫn rơi

Tan trận chung kết với Thái Lan, ở Municipality hôm ấy, các cô gái Việt Nam ngồi bệt xuống mặt cỏ, khóc… ngon ơ. Từ người đẹp Ngọc Châm, đến Tuyết Mai, Nguyễn Thị Thương, Văn Thị Thanh, Kim Hồng, rồi thủ môn Kiều Trinh, òa lên như những đứa trẻ. Như “phản ứng dây chuyền”, nước mắt nhanh chóng lan qua những người khác và cuối cùng thì cả đội ôm nhau khóc như mưa trên đất Thái.

Đến những người tưởng như mạnh mẽ nhất trong đội như trung vệ Ngọc Anh, tiền vệ Mai Lan, đội trưởng Kim Chi cũng sụt sùi. Cuối cùng, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ, TTK VFF Trần Quốc Tuấn, BHL và cả các phóng viên thể thao chúng tôi có mặt ngày hôm ấy, cũng phải đến từng người để động viên.

Tuyển nữ Việt Nam đến đất Thái lần này với mục tiêu bảo vệ thành công chiếc HCV. Một sự kỳ vọng rất lớn. Sau liên tiếp các giải đấu chính thức có, tập huấn cũng có, SEA Games 24 được xem là thời điểm lý tưởng nhất của điểm rơi phong độ, cũng như thể lực. Các cô gái tập và chơi bóng dưới cái nắng hơn 30oC, đến nhễ nhại mồ hôi, nhưng họ không một lời than oán.

Nhưng hai cơ hội ăn bàn đến 99,99% bị bỏ lỡ, một tình huống lỏng lơi ở hàng phòng ngự, thêm pha thổi phạt đền vô lý của trọng tài người Malaysia – Rita Gani, đã biến giấc mơ lên ngôi lần thứ 4 liên tiếp của “các cô gái vàng” Việt Nam tan theo mây khói. Sự tiếc nuối dễ dàng nhận thấy trong băng ghế kỹ thuật, trên từng khuôn mặt của các CĐV trung thành có mặt trên khán đài sân Municipality và của các phóng viên Việt Nam tác nghiệp.

Có tiếc nuối, mới có tiếp động lực. Bóng đá nữ Việt Nam đã lại có một năm 2008 tuyệt vời và đầy hứa hẹn đoạt lại ngôi hậu ở SEA Games 25 tại Lào vào tháng 12 tới. Vẫn còn đó bộ ba tấn công “nguyên tử”: Tuyết Mai – Ngọc Châm – Kim Chi; Văn Thị Thanh mạnh mẽ bên hành lang trái, Kim Hồng dẻo dai ở cánh phải; Kim Tiến, Từ Thị Phụ, Ngọc Anh, Thùy linh, Đào Thị Miện và tất nhiên trong khung gỗ vẫn là Kiều Trinh… Họ, những “cô gái vàng” của bóng đá Việt Nam vẫn sẽ ở đó và chiến đấu. Sẽ lại là những người chiến thắng thực thụ.

Những giọt nước mắt trong quốc thiều nước khác

Đã có những VĐV rơi nước mắt, những giọt nước mắt hạnh phúc, cho dù lúc đó, quốc thiều đang cử lên là của quốc gia đoạt HCV.

Ngày 28/9/2000, Trần Hiếu Ngân đã cắm cột mốc lịch sử cho thể thao Việt Nam tại đấu trường State Aports Center (Sydney, Australia). Để có được chiếc HCB, Hiếu Ngân đã loại bỏ võ sĩ Trinidad&Tobago ở vòng loại, một đối thủ rất mạnh khác người Philippines ở tứ kết.

Tại bán kết, đến lượt nhà vô địch châu Âu bị Hiếu Ngân bỏ lại với tỷ số 9-7. Đối thủ của Hiếu Ngân là võ sĩ quê hương của Taekwondo Hàn Quốc, ứng viên số 1 ở hạng cân này và Ngân đã không thể vượt ngưỡng. Bất luận, Trần Hiếu Ngân đã trở về như người hùng thực sự.

Rạng sáng ngày 3/12/2008, lực sĩ Hoàng Anh Tuấn ghi danh cho thể thao Việt Nam ở Olympic Bắc Kinh, với chiếc HCB môn cử tạ hạng cân 56kg, tổng thành tích cử giật và cử đẩy là 285kg.

Không chỉ đem về chiếc huy chương Olympic thứ 2 trong lịch sử cho nền thể thao Việt Nam, Tuấn cũng lại là người chiến thắng, khi đã phá sâu kỷ lục quốc gia 279kg của chính anh. Một chiến thắng với những nôé lực tuyệt vời của người con đất Kinh Bắc – Bắc Ninh.

Thảo Nguyên


From the same category