Xu hướng thời trang bắt đầu như thế nào?

Một buổi ra mắt bộ sưu tập mới của Christian Dior

Trend Stories

Câu chuyện Thời trang” kỳ này đề cập tới một vấn đề mà có lẽ đã trở thành “nỗi ám ảnh” đối với thời trang, đó là xu hướng. Xu hướng bắt đầu từ đâu? Xu hướng được phát triển như thế nào? Tại sao lại có xu hướng?… “Xu hướng” ngày nay cũng mơ hồ không kém gì khái niệm “xa xỉ” (luxury) bởi mọi người ai cũng nhắc đến nhưng ít ai mô tả được một cách cặn kẽ, đầy đủ về nó. Chính vì thế, hãy cùng lật lại lịch sử thời trang để xem xu hướng được hình thành như thế nào và xu hướng ngày nay có gì khác biệt.

                                                 Thực hiện: Tuấn Anh, Trí Võ

Đọc thêm:

Xu hướng thời trang có còn tồn tại?

Nhà thiết kế Coco Chanel trong thiết kế áo khoác vải tweed trứ danh của mình

Hàng chục năm về trước, xu hướng thời trang hiếm khi xuất hiện đột ngột và nhỏ lẻ như hiện nay. Nó gần như luôn luôn mang tầm cỡ của một cuộc cách mạng với khả năng thay đổi toàn bộ cách phục sức của cả một thế hệ. Một trong những ví dụ điển hình nhất là việc Coco Chanel giải phóng phụ nữ khỏi những chiếc khung nịt corset (áo chẽn) gò bó bằng mẫu váy suôn huyền thoại Little Black Dress. Hay, Christian Dior đem nét hoa lệ trở về cho thời trang với thiết kế New Look sau những mất mát và đau buồn của Thế chiến.

Nếu như ngày nay, việc mua cho mình những thiết kế cộp mác các tên tuổi lớn – dĩ nhiên là vô cùng à-la-mode (hợp mốt) – không khó với nhiều người, thì lúc bấy giờ, để sở hữu một chiếc váy của Lanvin chẳng hạn, bạn cần nằm trong nhóm may mắn rất ít người. Hầu hết trang phục được đầu tư “chất xám” trong giai đoạn này đều là các thiết kế Haute Couture – những trang phục độc bản được may theo số đo riêng của khách hàng bằng những chất liệu thượng hạng với giá thành vô cùng cao. Được mặc bộ quần áo do chính tay những nhà thiết kế với tầm nhìn vĩ đại tạo ra vì thế đúng nghĩa là một điều xa xỉ, do đó, phần lớn người dân thời đó đều sử dụng quần áo tự may, thậm chí họ sẽ tự tay chỉnh sửa quần áo cũ của mình cho phù hợp với một xu hướng mới nào đó thay vì bỏ ra một khoản kha khá để có thiết kế mới hoàn toàn. Bởi đặc điểm “tự cung tự cấp” này, các xu hướng nhỏ lẻ – vốn được “giật dây” bởi những nhà thiết kế và tư bản – hiếm khi xuất hiện.

Nhà thiết kế Christian Dior (ngồi bên phải) làm việc cùng những người thợ tại xưởng may của mình

Những tiến bộ liên tiếp trong khoa học công nghệ đã kéo theo sự phát triển của ngành công nghiệp dệt may, với khả năng tạo ra nhiều chất liệu mới, đặc biệt là những loại sợi tổng hợp với độ bền cao và giá thành thấp. Khoảng cách về mặt giá thành và chất lượng giữa trang phục may sẵn và trang phục tự may ngày càng được rút ngắn lại. Để tiết kiệm thời gian, thay vì tự tay may trang phục, người ta đã dần chuyển sang mua những thiết kế may sẵn. Tuy vậy, vị trí tối thượng của Haute Couture vẫn được giữ vững.

Thời trang Hoa Kỳ, thị trường nhộn nhịp nhất thế giới, vẫn phải trông mong vào những nhà thiết kế từ Paris để có được những tổ hợp màu sắc, mẫu vải, và quan trọng nhất là các kiểu dáng. Tuy nhiên, với đặc điểm phức tạp và tinh tế của mình, Haute Couture Pháp không thể bị sao chép trực tiếp để trở thành sản phẩm phục vụ cho hàng nghìn người. Vì thế, những chi tiết nhỏ như một kiểu cổ áo, một hình thêu, một cách phối hợp chất liệu có thể được tách riêng ra và áp dụng cho hàng loạt thiết kế may sẵn khác nhau. Một thiết kế Haute Couture Paris có thể trở thành nguồn cảm hứng cho gần 10 kiểu trang phục may sẵn được bày bán trong các cửa hiệu Mỹ thời ấy.

Ngày 26/9/1966, trên phố Tournon, cửa hàng đầu tiên của thương hiệu Yves Saint Laurent Rive Gauche – thuộc nhà mốt Yves Saint Laurent Haute Couture – được mở cửa, đánh dấu việc lần đầu tiên một nhà thiết kế cao cấp trực tiếp giới thiệu dòng trang phục may sẵn của mình. Thông qua Rive Gauche, với nỗ lực dân chủ hóa thời trang, Yves Saint Laurent đã tạo nên hàng loạt xu hướng như bộ vest safari (mang cảm hứng của các chuyến đi khám phá), áo lông xù, và nổi bật nhất chính là thiết kế huyền thoại đậm tính nữ quyền Le Smoking – bộ vest dành cho phái đẹp. Khái niệm “thời trang xoay vòng” cũng được nâng lên một tầm nghĩa mới khi Yves Saint Laurent tiên phong cho xu hướng mặc lại thời trang của những thập niên trước.

Cho đến nay, việc tái sử dụng này vẫn rất phổ biến, khi các xu hướng có tuổi đời 20 năm liên tục được hồi sinh. Nếu những năm 1990, thời trang hippie thập niên 1970 quay trở lại, thì với những năm 2000, đó là sự hào nhoáng của thập niên 1980 và không lạ gì khi các xu hướng của thập niên 1990 – grunge và tối giản – tràn ngập trên các sàn diễn từ New York đến Paris cho đến các trang blog những năm gần đây – thập niên 2010.



Nhà thiết kế Yves Saint Laurent được coi là cha đẻ của thời trang ứng dụng (ready-to-wear)

Tuy giá thành không thể gọi là bình dân, nhưng dòng trang phục may sẵn này vẫn rẻ hơn các mẫu Haute Couture hàng trăm lần và có thể dễ dàng sản xuất trên quy mô rộng rãi, vì thế nó vẫn mang được thời trang đến nhiều đối tượng hơn. Yves Saint Laurent Rive Gauche dần vượt qua dòng Haute Couture trong doanh thu. Các thương hiệu khác cũng bắt đầu chuyển sang kinh doanh trang phục may sẵn, thậm chí là đóng cửa luôn dòng Haute Couture. Để mở rộng tầm phủ sóng của thương hiệu, các nhà mốt còn cho phép xuất bản mẫu cắt một số thiết kế nổi bật của mình trong các ấn phẩm như Vogue Pattern.

Mọi tầng lớp đã có thể tiếp xúc với thời trang đến trực tiếp từ những kinh đô lớn nhất chứ không phải một nguồn mơ hồ nào khác. Yves Saint Laurent đã kết thúc thời hoàng kim của Haute Couture, mở ra một kỷ nguyên mới cho thời trang: kỷ nguyên của trang phục may sẵn với số đo được chuẩn hóa. Như một hệ lụy tất yếu, điều này kéo theo sự phát triển của hàng loạt ấn phẩm thời trang lớn nhỏ. Các ấn phẩm này cùng những nhà thiết kế đóng vai trò tạo nên và phổ biến xu hướng. Một kỷ nguyên mới của thời trang được bắt đầu, với xu hướng/hợp mốt là yếu tố tiên quyết nhất.

Đồng thời, sự phổ biến của những xu hướng lại tạo nên “phản xu hướng”, gọi nôm na là thời trang phản kháng. Xuất hiện từ xa xưa, với các flapper những năm 1920, thời trang phản kháng không chỉ nằm ở cách phục trang mà còn thể hiện ở âm nhạc, nghệ thuật và lối sống. Những năm 1970 đánh dấu sự trỗi dậy của punk. Và grunge, được nàng thơ Daphne Guinness nhận xét là phong trào nổi loạn thực sự cuối cùng của thời trang, là nét đặc trưng của thập niên 1990. Sinh ra với mục tiêu chống lại xu hướng, đặc trưng của phong trào này được Jean Paul Gaultier mô tả “không gì khác ngoài cách chúng ta ăn mặc thời không xu dính túi”. Những phong trào này được giới thời trang đón nhận như một nguồn cảm hứng, và mâu thuẫn thay, chính chúng lại trở thành xu hướng. Tuy nhiên, việc Saint Laurent cho ra mắt bộ sưu tập âm hưởng grunge với giá lên đến hàng chục nghìn đô la cho một chiếc áo flannel đã làm mất đi hoàn toàn những gì “phản xu hướng” đại diện, thu hẹp những phong trào mang tính cách mạng kia về chỉ đơn thuần là một trào lưu thời thượng.

Một trong những thiết kế mang đậm thông điệp ‘phản xu hướng’ của nhà thiết kế Jean Paul Gaultier

Đầu thập niên 1990, tác giả Fred Davis đã mường tượng viễn cảnh xu hướng sẽ sớm không còn nắm vai trò điều khiển thời trang nữa và vì thế, “phản xu hướng” cũng không còn gì để chống đối. Hơn 20 năm sau, thời trang vẫn chạy theo xu hướng với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết, và nó là hệ quả của sự thao túng các thương hiệu bởi những tập đoàn toàn cầu cùng trào lưu fast-fashion – giống như fast-food: nhanh, rẻ tiền và… độc hại – được sản xuất chỉ trong vài tuần, và để mặc trong một khoảng thời gian còn ngắn hơn.

Khu trưng bày những chiếc áo khoác bằng vải tweed lừng danh của Coco Chanel, một trong những thiết kế rất quan trọng trong lịch sử thời trang

NTK Yves Saint Laurent đã có công trong việc mang thiết kế tuxedo của nam giới vào lãnh địa thời trang nữ

Chiếc áo lông xù (chubby fur) trứ danh của Yves Saint Laurent

  logo 


From the same category