Xem “Hồ Thiên Nga”: "Chúng ta vỗ tay ít quá" - Tạp chí Đẹp

Xem “Hồ Thiên Nga”: “Chúng ta vỗ tay ít quá”

Review

Nhưng tình trạng đó nói lên rằng, đã từ lâu, chúng ta đang mất dần thói quen xem ballet cổ điển, và mất dần phản xạ xem nghệ thuật đỉnh cao. Nên thành ra, sự kiện lần này trở thành “cú hích đáng quý”

Giấc mơ chạm vào cổ điển… có thành?

Cuối cùng thì ánh trăng tím ngắt, hồ nước xanh thẫm và những đốm lân tinh lơ lửng cũng hiện diện ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội đêm qua. “Đàn thiên nga” trắng muốt, những chiếc váy lông vũ mềm mại dập dờn theo từng nhịp chân đã mang tới những phút giây màu nhiệm cho không ít người lần đầu được xem ballet cổ điển. Nàng Odette, hoàng tử Siegfried, phù thủy Von Rothbart, thiên nga đen xuất hiện, kể một câu chuyện mà nhiều người đã nằm lòng, bằng những chuyển động cơ thể tinh tế và vi diệu.

Rất nhiều người trong khán phòng 3000 chỗ tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội đêm qua lần đầu tiên được tận mắt xem một vở ballet hoàn thiện. Ngay NSND Hoàng Dũng (Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội) cũng phải thừa nhận, đã hơn 10 năm, không có nhà hát nào ở thủ đô dựng ballet nữa. Có chăng, họ cũng chỉ dựng một trích đoạn nào đấy, mà lại là trích đoạn trong một vở ballet hiện đại. Thành ra, những người làm nghề như anh xúc động vô cùng khi có thể xem hơn 100 nghệ sĩ đến từ nước Nga xa xôi, hết mình trong một vở diễn trọn vẹn. Và Hoàng Dũng kể, anh đã chẳng ngại “vỗ rát cả tay” trong suốt quá trình ngồi xem vở diễn.

“Tôi thấy khán giả đêm qua vỗ tay ít quá, có lẽ do chúng ta mất thói quen xem ballet cổ điển và nghệ thuật đỉnh cao quá lâu” – NSND Hoàng Dũng

Còn ca sĩ Tùng Dương, người đã từng được xem “Hồ Thiên Nga” ở nhà hát trong Điện Kremlin 20 năm trước cũng háo hức khi được xem lại vở diễn trên chính thủ đô của đất nước mình. Nghệ sĩ Ưu tú – ca sĩ Thanh Lam thì xúc động khi được xem một vở diễn lừng danh, được tận mắt chứng kiến sự lao động nghệ thuật hết mình của nghệ sĩ. Chị chia sẻ rằng: “Tôi hiểu, chúng ta chưa đủ điều kiện để có thể tổ chức một buổi công diễn với âm thanh chơi live (trực tiếp), phông màn vẽ tay như ballet cổ điển yêu cầu, nhưng tôi ghi nhận sự “đáp lại” đầy thịnh tình của các nghệ sĩ đêm qua”.


Hỏi cảm giác của từng người khi xem ballet cổ điển trong ánh sáng 3D, trên nền nhạc playback thì cảm giác có khác biệt nhiều so với xem vở diễn này ở xứ sở sản sinh ra nó, trong nhà hát dát vàng tráng lệ, thì cả NSND Hoàng Dũng và ca sĩ Tùng Dương đều chia sẻ: khác biệt rất nhiều.

“Tôi cho rằng, âm nhạc quyết định đến 50% thành công của một vở ballet cổ điển. Khi xem cảnh hoàng tử Siegfried tỏ tình với nàng Odette lãng mạn bên hồ, tôi ngồi nghĩ, nếu đoạn ấy âm nhạc được chơi với dàn dây ‘xịn’ thì tôi tin cảm xúc của khán giả còn dâng trào hơn nữa” – lời Tùng Dương. Còn NSND Hoàng Dũng thì chia sẻ: “Chắc hẳn là những người như tôi sẽ vẫn thích một vở ballet cổ điển, được trình diễn theo lối kinh viện, mà cảm giác là xem hàng trăm lần không chán. Nhưng có sao đâu khi mình có thêm một cách nhìn mới về ballet cổ điển. Và tôi ghi nhận sự sáng tạo của những nghệ sĩ người Nga lần này”.


Nuối tiếc còn xảy ra ở phần kết, khi mà nghệ sĩ ballet huyền thoại – Mikhail Leonidovich Lavrosky lựa chọn cách kết thúc có hậu thay thế cho cái kết bi kịch của nguyên tác câu chuyện cổ. “Cái kết mới này thực tế làm mất đi sự lãng mạn của vở bi kịch, làm mất đi sự lắng đọng sau đêm diễn trong lòng khán giả” – lời Hoàng Dũng. Tuy vậy, là người làm nghề nên anh hiểu, các nhà hát luôn có áp lực tìm tòi và đưa ra một cách nhìn mới về những tác phẩm kinh điển. Chưa kể, đây là vở diễn được tạo ra bởi những nghệ sĩ đến từ Nga, nơi mà mỗi người Nga yêu nghệ thuật cổ điển đều đã xem “mòn” câu chuyện được kể theo cách cũ suốt hơn 100 năm qua – thì việc làm mới tác phẩm này là hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, sự làm mới, sự sáng tạo của bất kỳ ai cũng không phải luôn nhận được sự đồng thuận của tất cả mọi người. Và sự làm mới của “Hồ Thiên Nga” lần này cũng như vậy.

Tuy nhiên, cả ba nghệ sĩ Thanh Lam, Tùng Dương và Hoàng Dũng xem xong vở diễn đều chia sẻ sự khâm phục dành cho nghệ sĩ biểu diễn, bởi sự hết mình của họ trong từng khoảnh khắc, ngay trên sân khấu chưa thực sự hoàn mỹ – như nó cần có.  NSND Hoàng Dũng hóm hỉnh: “Tôi thấy khán giả đêm qua vỗ tay ít quá, có lẽ do chúng ta mất thói quen xem ballet cổ điển và nghệ thuật đỉnh cao quá lâu”. Trong khi đó, theo anh, vở diễn có rất nhiều đoạn cao trào mà nghệ sĩ trình diễn xuất sắc, nhiều nghệ sĩ cảm nhạc và  có kỹ thuật tuyệt vời. Nhưng tiếng vỗ tay vẫn còn thưa quá.

Làm văn hóa – không chỉ đơn giản là việc của “kẻ có tiền”

Có thể nói, ít sự kiện văn hóa nào mà trước, trong và sau khi diễn ra lại có nhiều luồng ý kiến trái chiều như lần này. Chia sẻ ý kiến sau đêm diễn, NSND Hoàng Dũng cho biết, trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện tại, việc đưa một nhà hát với hàng trăm nghệ sĩ về biểu diễn là một sự kiện văn hóa lớn, một tín hiệu rất đáng vui mừng. “Những sự kiện kiểu này khiến chúng tôi thấy đời sống văn hóa khởi sắc hơn, những người làm văn hóa chúng tôi có thứ để cùng bàn luận và trò chuyện. Và tôi tin những nghệ sĩ làm nghề sẽ có động lực hơn để tiếp tục công việc của mình”.


Bởi thế, theo vị Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, ý kiến cho rằng: việc đưa tác phẩm kinh điển như “Hồ Thiên Nga” về Việt Nam, hay việc nhà tổ chức đưa các dàn nhạc danh tiếng về biểu diễn là cách “học làm sang” của “cánh trưởng giả” – là một ý kiến có phần hơi khắt khe.


“Có sự thật là, khi ‘mang chuông đi đấm xứ người’, nhiều khi ta chấp nhận mang chuông rè, chuông hỏng vì kinh tế không cho cho phép. …Vậy tại sao chúng ta lại không ủng hộ việc khán giả nước nghèo như mình có cơ hội xem một tác phẩm ballet cổ điển trọn vẹn?”

NSND Hoàng Dũng bật mí: hàng năm Việt Nam đều có các chương trình đưa nghệ sĩ trong nước đi biểu diễn giao lưu ở nước ngoài, nhưng vì kinh tế eo hẹp nên chúng ta thường làm mọi thứ giản tiện đi rất nhiều. Vì thế, có sự thật là, khi “mang chuông đi đấm xứ người”, nhiều khi ta chấp nhận mang chuông rè, chuông hỏng vì kinh tế không cho cho phép. Anh đặt câu hỏi: Vậy tại sao chúng ta lại không ủng hộ việc khán giả nước nghèo như mình có cơ hội xem một tác phẩm ballet cổ điển trọn vẹn? Chưa kể, nếu đặt bài toán so sánh giá vé thì càng thiển cận hơn. Bởi, theo NSND Hoàng Dũng, có bao nhiêu khán giả Việt Nam có thể sang Nga, đặt vé xem ballet cổ điển, và “chúng ta cần nhớ, cả khi đến được Nga rồi, việc sở hữu được một tấm vé vào nhà hát cũng đâu có dễ dàng”.

Đồng tình với quan điểm đó, Thanh Lam cho chia sẻ: “Vì chúng ta luôn đổ lỗi cho việc ‘nghèo’ nên Việt Nam chưa có được các tác phẩm nghệ thuật xứng tầm. Nếu chúng ta không cùng nhau bước đi, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào thì bao giờ chúng ta tiến bộ?”. Diva cũng khẳng định, câu chuyện làm văn hóa không chỉ là đơn giản là việc làm của “kẻ có tiền”.

Trong khi đó, nghệ sĩ Tùng Dương khẳng định: “Nếu như có thêm nhiều chương trình nghệ thuật đỉnh cao như thế này được giới thiệu ở Việt Nam, thì gu thưởng thức nghệ thuật của công chúng sẽ tốt hơn. Những tuyệt tác dù chỉ được trình diễn một lần, thì sức ảnh hưởng của nó cũng vô cùng lớn. Tuy nhiên, đối với những người không có yêu cầu tiếp xúc với những thứ nghệ thuật dạng này, thì dù vở diễn có diễn lại tới 1000 lần thì cũng không ảnh hưởng gì đến họ. Nên tôi cho rằng, mọi thứ đều luôn có vị trí xứng đáng của nó.”

Tùng Dương cũng cho rằng, chúng ta không thể bắt nhà tài trợ cứ mãi phải quan tâm đến người nghèo và đi từ thiện. “Chúng ta cần có tầm nhìn xa. Chúng ta có thể nhìn vào chính mình ở thời điểm hiện tại so với chính mình trong quá khứ, rồi tự nhận xét mình trưởng thành hay phát triển thế nào. Và những sự kiện như thế này góp phần vào sự tự nhìn nhận lại đó”.

Theo NSND Hoàng Dũng, những tràng pháo tay của khán giả chính là động lực tinh thần cộng hưởng cho các nghệ sĩ trên sàn diễn ballet. Thông thường, khi xem biểu diễn ballet, nghệ sĩ dừng một động tác bao giờ cũng có màn chào khán giả. Và lúc đó, khán giả sẽ vỗ tay tán thưởng. Bên cạnh đó, sau mỗi động tác khó được hoàn thành, nghệ sĩ cũng cần được tán thưởng để có thêm tinh thần. Trong ballet có những màn múa đôi – đó là những phần thể hiện kỹ thuật đặc biệt của ballet, thông thường, đó là những phần nhận được nhiều tràng pháo tay của khán giả nhất.

Bài: Hải Khôi

Ảnh: Sơn Bình



logo

Thực hiện: depweb

02/08/2015, 09:10