Vụ “xẻ thịt” gầm đường cao tốc trên cao: Trách nhiệm bị “đánh võng”

Ngày 26/2/2013, sau khi đăng bài viết “Hàng chục nghìn m2 đất dưới gầm đường cao tốc trên cao bị “xẻ thịt”” phản ánh việc gầm cầu vượt Pháp Vân – cầu Thanh Trì, cùng hàng km gầm đường cao tốc trên cao đoạn khu đô thị Linh Đàm – Nguyễn Xiển biến thành nhiều bãi gửi xe gây nguy hiểm cho người dân, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ trong khu dân cư mà chưa bị xử lý khiến dư luận bức xúc.

 

Gầm đường cao tốc bị biến thành bãi gửi xe tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ

Gầm đường cao tốc bị biến thành bãi gửi xe tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ

Việc tồn tại của các bãi gửi xe thuộc quyền quản lý của Công ty khai thác điểm đỗ (Tổng Công ty vận tải Hà Nội), cùng nhiều tụ điểm gửi xe tư nhân tự phát dưới gầm đường cao tốc đe dọa cảnh quan đô thị, đi ngược lại Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 2/4/2010 của Chính phủ quy định hình thức xử phạt: “Phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi buôn bán, dựng lều quán, công trình tạm thời khác trái phép trong khu vực đô thị tại hầm đường bộ, cầu vượt, hầm cho người đi bộ…” và Điều 10 Thông tư 39/2011/TT-BGTVT ngày 18/5/2011 của Bộ Giao thông Vận tải: “Không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ, điểm dừng xe, bến xe gây mất an toàn công trình cầu, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường”.

Để làm rõ trách nhiệm các bên liên quan trong vụ “xẻ thịt” hàng chục nghìn m2 tồn tại nhiều năm qua, ngày 26/2/2013, PV đã liên hệ với đơn vị quản lý trực tiếp là Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nhưng không nhận được lời giải thích từ cơ quan này. Người đầu tiên PV liên lạc là ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải nhưng ông Tân từ chối trao đổi với lý do bận đi họp giao ban ở Thành phố và hướng dẫn PV liên hệ với Trưởng phòng Giao thông Đô thị, ông Nguyễn Nguyên Huy.

Tuy nhiên, khi liên lạc với ông Trưởng phòng Giao thông Đô thị theo số điện thoại 016877xxxx PV cũng nhận được lời khước từ với lý do tương tự là đi họp giao ban ở Thành phố và không đưa ra thời gian cụ thể trả lời. Ông Nguyễn Nguyên Huy hẹn sẽ liên lạc lại sau khi sắp xếp được lịch làm việc.
 
Những bãi gửi xe dưới gầm đường cao tốc thu hàng tỷ đồng mỗi tháng
Những bãi gửi xe dưới gầm đường cao tốc thu hàng tỷ đồng mỗi tháng

Trong ngày 26/2/2013, PV đã đến Tổng Công ty vận tải Hà Nội (trụ sở số 5 Lê Thánh Tông), cơ quan chủ quản của Công ty khai thác điểm đỗ để ghi nhận ý kiến, nhưng đại diện Tổng Công ty vận tải Hà Nội từ chối làm việc và hướng dẫn đến đơn vị trực tiếp khai thác là Công ty khai thác điểm đỗ vì Công ty này hoạt động độc lập.

Như vậy, sau một ngày nỗ lực liên hệ làm rõ vụ hàng chục nghìn m2 đất dưới gầm đường cao tốc bị “xẻ thịt”, các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý, cấp phép, khai thác điểm đỗ xe dưới gầm đường cao tốc mà dư luận đang bức xúc vẫn chơi “bóng chuyền” trách nhiệm và không đưa ra lời giải thích về sự tồn tại của những bãi gửi xe chứa đựng nhiều rủi ro khó lường.

Sau khi bài viết “Hàng chục nghìn m2 đất dưới gầm đường cao tốc trên cao bị “xẻ thịt”” đăng tải, tòa soạn báo Dân trí đã nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình của bạn đọc. Phần lớn bạn đọc đề nghị TP. Hà Nội sớm giải tỏa những bãi gửi xe đang đe dọa cảnh quan độ thị, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan.
 

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chưa đưa ra lời giải thích về sự tồn tại của các bãi gửi xe

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chưa đưa ra lời giải thích về sự tồn tại của các bãi gửi xe

Bạn đọc Vũ Thị Thu Hằng có địa chỉ Email vtthang73@yahoo.com nêu ý kiến: “Sử dụng gầm cầu để làm bãi đỗ xe là vi phạm pháp luật và rất nguy hiểm cho tính mạng của những người tham gia giao thông. Nếu các bạn quan tâm, hãy đến khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm, nơi có những tòa nhà được thiết kế ban đầu là 15 – 18 tầng dành cho văn phòng, nhưng 10 năm sau, họ biến chuyển mục đích để xây thành nhà ở cao 30 – 32 tầng. Còn nữa, họ ngăn vạch, kẻ đường, kẻ cả vỉa hè ít ỏi của khu chung cư để làm bãi đỗ xe. Không hiểu có vi phạm pháp luật không, có mất an toàn cho hàng trăm người già trẻ em đi trên đường, vỉa hè chật ních ôtô, hàng nghìn người sống vắt vẻo trên các căn hộ cao tầng hay không?. Lỡ có xảy cháy, nổ thì chuyện gì xảy ra đây?”.

Còn bạn Ngọc Hùng có địa chỉ Email insurance@yahoo.com cho biết : “Ngay gầm cầu đường cao tốc đoạn ngã ba Nguyễn Hữu Thọ và Nguyễn Xiển vẫn tồn tại bãi gửi xe từ nhiều năm nay, họ đã quây kín xung quanh và ngã ba đó đã nhỏ hẹp chật trội lại càng nhỏ hơn và việc bị quây kín xung quanh đã làm khuất tầm nhìn của dòng xe lưu thông đi lại quanh đoạn này. Người đi đường khi tới ngã ba này cứ phải vừa đi vừa nhòm hướng ngược lại vì sợ có xe từ hướng đối diện lao tới mà không nhìn thấy do vướng những tấm chắn quây lại để xe ô tô và xe máy. Chính quyền có biết hay không? Chắc chắn là biết ! Nhưng tại sao họ vẫn làm ngơ? Đề nghị Bộ trưởng Đinh La Thăng bớt thời gia một tiếng đồng hồ đi đến những điểm này và có câu trả lời với nhân dân.”

Một số bạn đọc kiến nghị tăng mức xử phạt đối với các trường hợp “xẻ thịt” diện tích đất công cộng làm bãi trông xe. Bạn đọc Minh Vũ ở địa chỉ Email chaulong20042003@yahoo.com.hk viết: “Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 2/4/2010 của Chính phủ cũng nêu rõ hình thức xử phạt: “Phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi buôn bán, dựng lều quán, công trình tạm thời khác trái phép trong khu vực đô thị tại hầm đường bộ, cầu vượt, hầm cho người đi bộ…”. Theo tôi thì Bộ GTVT nên xem xét nâng mức phạt này lên thật cao thì mới có tình răn đe. Phạt phải hàng chục, hàng trăm triệu thì còn được, trong khi đó các bãi gửi xe trên thu lợi nhuận hàng chục, hàng trăm thậm chí cả tỷ đồng”.

Liên quan đến vụ việc trên, vào cuối giờ chiều ngày 26/2, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội. Ông Thịnh cho biết, qua phản ánh của Dân trí, ngày 27/2, UBND TP. Hà Nội sẽ tiến hành kiểm tra nội dung báo phản ánh và ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ vụ việc này.

Theo Dân trí


From the same category