Những con người tràn đầy năng lượng trên các chặng đường chinh phục đỉnh cao phía trước, bằng niềm tin vượt lên trên thử thách. Họ chính là khách mời đặc biệt xông đất Đẹp, số Xuân 2015.
Đẹp tin rằng, nếu có một ước mơ ĐẸP, đồng nghĩa sẽ khởi đầu một tương lai ĐẸP. Bởi ước mơ nào thì tương lai đó!
Đọc thêm:
– Đỗ Nhật Nam: “Nụ cười là… chiếc cột thu lôi”
– Remi Camus: “Tôi không có thời gian để mắc sai lầm”
– Những người của màu hồng và xám
Võ Thị Mỹ Linh, người trở về sau bão tuyết
Võ Thị Mỹ Linh, 24 tuổi, trở về sau bão tuyết, cô gái làm xôn xao cộng đồng mạng với lá thư gửi cho bộ trưởng, với hàng ngàn lượt share trên facebook, đã trở về Sài Gòn, cặm cụi dọn đồ cho căn nhà mới thuê. Cô sẽ xin một công việc để đi làm trở lại, và bắt tay cho những dự án mình khởi xướng, nhưng cô vẫn nuôi dưỡng những giấc mơ vừa được thắp lên sau chuyến hành trình 180 ngày đêm đáng nhớ nọ. Và sẽ vẫn đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi, để trưởng thành.
Lên đường, chỉ vì một… vết lõm
Nửa năm trước, sau cuộc gọi của một người bạn, Võ Thị Mỹ Linh quyết định nộp đơn xin nghỉ việc tại một ngân hàng ở Tp.HCM, khi ấy cô đang làm việc ở vị trí chuyên viên truyền thông, với mức thu nhập xấp xỉ 1000USD. Lý do Linh đưa ra cho quyết định bỏ sang Ấn Độ và Nepal 6 tháng khi ấy là: “Nhìn cái ghế lõm xuống của chị sếp, tôi sợ một ngày nào đó chỗ của mình sẽ chỉ in lên một vết lõm y như thế”. Linh đi, không mang theo nhiều kỳ vọng. Cô chỉ biết rằng, phải đi, nếu học thêm được chút tiếng Anh, học thêm được một vài điều trong cuộc sống, đã là quá tuyệt. Linh gom toàn bộ tiền tiết kiệm để đi, và xác định sẽ học, sẽ sống như một người Ấn, người Nepal bình thường. Linh muốn biết cuộc sống ngoài kia thế nào. Bằng cách đó, Linh nghĩ sẽ phần nào giải đáp cho những mong muốn, phải đi, phải mở rộng bầu trời cho riêng mình, như một sự thôi thúc bên trong, từ rất lâu. Linh đi Ấn, hay Nepal, nhưng luôn nghĩ mình đang trèo qua một ngọn đồi.
Võ Thị Mỹ Linh
Hai lần nổi tiếng bất đắc dĩ
Linh đến Nepal, không phải để leo núi và tìm ngắm một bông hoa nở trên đá. Cô chỉ mong đường chân trời của mình rộng thêm chút nữa, để có thể hiểu hơn về cuộc sống. Ở Nepal, Linh tham gia vào các nhóm tình nguyện, đi dạy tiếng Anh cho trẻ em. Và vì đến Nepal đúng mùa leo núi, Linh quyết định thử sức mình với khao khát mở được tour leo núi giá rẻ cho người Việt. Trong khi người khác phải thuê người dẫn đường và người mang vác hành lý, Linh tự tìm hiểu và lên kế hoạch leo núi một mình. Linh nghĩ, phải tự làm mới rút được kinh nghiệm cho bản thân. Những điều xảy ra trên đỉnh đèo Thorung La Pass (thuộc núi Annapurna – dãy Himalaya) là một bất ngờ trong hành trình của Linh.
Thật không may, Linh trở nên nổi tiếng. Nhưng cũng thật may, tôi thấy Linh đã không ảo tưởng về sự nổi tiếng của mình.
Mới đây, khi gặp người viết ở Hà Nội, Linh hỏi: “Tại sao nhiều người cứ tung hô em như thể em là anh hùng, sau khi em thoát chết trong bão tuyết? Em chỉ thấy đó là bản năng sống bình thường”. Hóa ra, những câu hỏi trong Linh vẫn nhiều, chỉ thay vì ngày xưa Linh hỏi tại sao để tìm cách bước vào cuộc sống, thì nay, những câu hỏi Linh đặt ra là để hiểu hơn về cuộc đời và những người quanh mình.
“Cuộc đời thứ nhất đã để lại trên đỉnh núi, còn đây là cuộc đời thứ hai…”
Linh về Việt Nam, đúng dự định, sau 6 tháng, khi phải “thu xếp” với những đồng tiền cuối cùng mình mang theo. Linh không trở về bởi một hiệu ứng nào. Dù Linh đang có một cuốn sách sắp in, hai cuốn sách Linh tìm được cảm hứng trong chuyến đi lần này cũng đang chuẩn bị hoàn thành. Nhưng Linh không viết sách để kiếm tiền. “Những cuốn sách em viết đều là cuộc sống của em, hoặc cuộc sống được hình tượng hóa lên một chút, nên nếu bán nó theo kiểu kiếm tiền, em thấy như thể đang bán mình…”, Linh nói.
Tôi hỏi Linh lấy tiền đâu để sống những ngày tiếp, Linh bảo, sẽ tiếp tục đi làm.
Hiện Linh đang triển khai dự án Volunteer’s House. Đó là dự án xây những căn nhà tình nguyện ở khắp các địa phương trên cả nước. Ngôi nhà tình nguyện này dành cho khách du lịch có thể đến ở miễn phí, đổi lại, họ sẽ đến trường dạy tiếng Anh cho trẻ em và ra đồng làm việc với nông dân. Linh muốn tạo cơ hội giúp trẻ em vùng sâu vùng xa có điều kiện học tiếng Anh tốt hơn. Đồng thời đây cũng là cách thay đổi thói quen du lịch theo kiểu “check in” của một bộ phận người trẻ. Linh cho rằng, mỗi chuyến đi đều có thể trở thành cơ hội tốt giúp chúng ta học hỏi được một điều gì đó.
Cũng như Linh, khi chứng kiến cuộc thi tiếng Anh “Spelling Contest” của các học sinh làng Aruchour, Linh không đặt ra câu hỏi nữa. Một cuộc thi ra đời ở vùng núi nghèo, nơi những phương tiện học tập như sách vở, bút viết, từ điển đều là những thứ xa xỉ. Để giúp trẻ em học tiếng Anh, các thầy cô đọc một từ, các em ghi nhớ bằng cách đánh vần từ đó ra. Trên chặng đường 3 tiếng đi bộ đến điểm thi, các em học sinh không quan tâm đến con đường dài lên dốc, xuống dốc, mà chỉ vừa cầm giấy, vừa lẩm nhẩm từ vựng. Cuộc thi diễn ra trong 3 tiếng trang nghiêm, có đại diện phát biểu, học sinh tuyên thệ. Khi chủ tịch hội đồng thi đọc một từ, đội nào đánh vần từ đó đúng và nhanh sẽ ghi điểm. Không rõ những đứa trẻ đó có đặt câu hỏi: “Nghèo thế cần học tiếng Anh để làm gì”, nhưng Linh thì tin, một ngày không xa, những em bé trong rẻo núi heo hút ấy sẽ vươn xa bằng chính những hành trình lên núi “cõng chữ” này. Ý tưởng về Volunteer’s House đã ra đời như thế.
Bài: Thục Khôi
Ảnh: Phan Võ