“Vợ quỷ” – Đàn ông có thể đi bao xa vì người mình yêu?

Những người yêu thích thể loại kinh dị thực sự như “Bùa ngải” (Art of devil) thậm chí sẽ còn thấy buồn ngủ chỉ sau nửa tiếng coi phim. Cốt truyện và diễn biến của “Vợ quỷ” cực kỳ đơn giản, vậy bộ phim này có gì đáng để xem?

vợ quỷ 

Giống như một nồi tom yum được nêm nếm bởi một chút hài hước, một chút kinh dị và rất nhiều sự lãng mạn, “Vợ quỷ” không đi sâu vào tình tiết cô vợ bị quỷ ám, mà khai thác xuyên suốt cả bộ phim là quá trình đôi vợ chồng trẻ từ lúc còn ngại ngần và sợ hãi lẫn nhau chuyển sang tin tưởng và sẵn sàng hy sinh vì người kia. Trong khi người chồng Wen là một anh nông dân hiền lành, hiếu thảo và luôn thường trực nụ cười dễ thương làm tất thảy chị em trong rạp phải xao xuyến, thì cô vợ Ploy suốt một phần ba thời lượng đầu phim khiến người xem cảm thấy khó chịu vì luôn lạnh lùng, chẳng mấy khi mở miệng dù vừa mới về làm dâu nhà người. Mỗi đêm Wen cố gắng lại gần Ploy nhưng đáp lại những ân cần của anh chỉ là tấm lưng hờ hững. Một lần, khi Wen vô tình cắt sợi dây hộ mệnh của Ploy, con quỷ mới công khai xuất hiện và dọa anh nhiều phen sợ đến mức phải bỏ nhà ra chợ nằm vất vưởng giữa đêm. Sau những sợ hãi ban đầu, Wen quyết tâm giúp Ploy thoát khỏi con quỷ đã ám vào cô bao nhiêu năm qua.

“Vợ quỷ” có một số yếu tố hài hước thông qua các nhân vật phụ là bốn người bạn thân của Wen và mẹ anh. Tuy nhiên ngoài chức năng gây cười giảm căng thẳng ở vài trường đoạn thì các nhân vật này đều không đóng góp được gì tới diễn biến chính của câu chuyện. Về yếu tố kinh dị, bộ phim tận dụng tối đa các pha cận cảnh và âm thanh gào thét bất ngờ để khán giả giật mình. Tạo hình ma quỷ không có gì mới mẻ, vẫn chỉ là một yêu nữ đầu tóc xõa xượi với đôi mắt đỏ ngầu ám ảnh. Điều duy nhất khiến khán giả thấy hồi hộp đó là chẳng biết khi nào thì Ploy sẽ chuyển từ một cô gái xinh đẹp đáng yêu thành một con quỷ với giọng nói ồm ồm của đàn ông.

 

Quay trở lại với câu hỏi ở đầu bài viết, điều gì khiến bộ phim này trở nên đáng xem? Đó chính là việc nó có thể giải đáp câu hỏi muôn thuở của phụ nữ: “Liệu một người đàn ông có thể đi bao xa vì người mình yêu?”.

Trong phim, Wen, một anh nông dân hiền lành và nhát gan đến mức không dám chạm vào người vợ mình đêm tân hôn, sợ đến mất cả hồn vía khi quỷ hiện hình, thế mà dám nói dối mẹ, bỏ nhà bỏ cửa đưa vợ lang thang khắp các miền quê để tìm cách diệt trừ con quỷ trong người cô. Đỉnh điểm là cuối cùng anh đã dám đối diện với con quỷ đó, dám đứng chắn trước họng súng của người khác để bảo vệ cho con quỷ, cũng chính là Ploy. Những lúc không bị quỷ nhập, Ploy cũng dần mở lòng với Wen, để rồi chấp nhận dấn thân vào hành trình mà cô gần như đã muốn bỏ cuộc ngay từ đầu.

Ngoài các trường đoạn rùng rợn, hình ảnh đôi vợ chồng trẻ nắm tay nhau đi bộ trên các con phố tồi tàn, ngồi nhờ xe và đút ngô sống cho nhau ăn với hai bên đường bát ngát màu xanh của lúa là những hình ảnh lãng mạn dễ khiến người xem xúc động.

Mô típ chàng che chở cho nàng vượt qua rắc rối đã được khai thác từ nhiều năm nay, thậm chí “Vợ quỷ” còn có nhiều tình tiết thừa thãi mà khi đã hết phim rồi khán giả vẫn thắc mắc dụng ý của nó là gì. Nhưng có lẽ chính vì sự giản dị từ tình tiết cho tới cách các nhân vật đối xử với nhau là ấn tượng tốt đẹp nhất để lại trong lòng người xem sau khi ra khỏi rạp.

Biết bỏ qua những hạt sạn nhỏ, bộ phim là một lựa chọn thú vị dành cho các cặp đôi, nhất là những bạn trẻ đang gặp trục trặc hay đang muốn chia tay. Thông điệp của bộ phim rất rõ ràng – để có tình yêu trường tồn thì cả hai cần biết tin tưởng và hy sinh vì nhau: “Chuyện gì cũng có cách giải quyết, Phật đã dạy như vậy.”.

Bài: Hoàng Nhật


logo


>>> Có thể bạn quan tâm: “Báo oán” là câu chuyện về gia đình vợ chồng A Minh và Ngải Trân cùng hai đứa con, một trai một gái. Bề ngoài, mọi người vẫn tưởng rằng đây là một gia đình thuận hòa, êm ấm, nhưng đến một ngày nọ, đứa con gái nhỏ Lucy của A Minh tìm thấy một vật thể lạ trong nghĩa địa, cũng là lúc mở ra phần quá khứ nhiều hãi hùng của gia đình.


From the same category